Theo báo cáo tại phiên họp, Tây Nguyên có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; có điều kiện thuận lợi khí hậu, đất đai cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn; nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo. Đây cũng là vùng có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đầu nguồn sinh thủy các con sông lớn, diện tích rừng lớn; tài nguyên du lịch đa dạng gắn với thiên nhiên và văn hóa đặc sắc.
Tuy nhiên, Tây Nguyên nằm cách xa các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn, chủ yếu kết nối bằng các tuyến đường bộ với thời gian dài, chưa có mạng lưới đường cao tốc và đường sắt. Trình độ phát triển kinh tế thấp, trung bình 6,2%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020, đóng góp 3,1% vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực thấp so với bình quân chung cả nước và các vùng khác, chênh lệch về trình độ sản xuất, tập quán. Tài nguyên rừng, đất và nước suy thoái nhanh. Chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế vẫn là “vùng trũng” của cả nước.
Dự thảo quy hoạch kỳ vọng tốc độ tăng trưởng vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2030 trung bình là 7,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người 130 triệu đồng/năm. Không gian phát triển của vùng chia thành 3 tiểu vùng: Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) với thế mạnh thủy điện, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, chuyên canh dược liệu; Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk) tập trung công nghiệp chế biến nông - lâm sản, năng lượng tái tạo, thương mại - dịch vụ - logistics; Nam Tây Nguyên (Đắk Nông, Lâm Đồng) là du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác và chế biến bauxite.
Hệ thống đô thị của vùng hình thành theo mô hình đa cực, với 3 hạt nhân là TP Pleiku (Kon Tum), TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tại phiên họp, lãnh đạo Chính phủ đã nhấn mạnh giá trị độc đáo, vị trí, tầm quan trọng không thể thay thế của Tây Nguyên trong bảo tồn hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, nguồn đất gắn với bản sắc văn hóa. Vì vậy, cần ưu tiên khoanh định những giá trị độc đáo của Tây Nguyên (khí hậu, thiên nhiên, đa dạng sinh học, địa chất, nguồn nước văn hóa…) để bảo tồn, giữ gìn, hình thành những giá trị tài nguyên, trở thành nguồn lực phát triển độc đáo, nâng cao đời sống người dân; nhưng không phát triển “nóng”. Quy hoạch không gian phát triển phải giữ được bản sắc, hài hòa với địa hình, cảnh quan và mọi tuyến đường phải giảm tối đa tác động tới rừng, tới thiên nhiên.
Một số ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Nguyên được lãnh đạo Chính phủ gợi mở là nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, sử dụng ít nước, gia tăng giá trị thông qua chế biến, hình thành những sản phẩm quốc gia; khuyến khích năng lượng tái tạo kết hợp thủy điện; phát triển kinh tế lâm nghiệp, thị trường tín chỉ carbon…
Nói cách khác, so với những giai đoạn trước đây thì những yếu tố điểm mạnh và điểm bất lợi của Tây Nguyên vẫn không có nhiều thay đổi. Vì vậy, không còn cách nào khác, phải quyết liệt bảo vệ, bảo tồn, phát triển những điểm mạnh là các ưu thế tự nhiên như có nhiều rừng, sông ngòi, bản sắc văn hóa. Đó chính là cách “đánh thức” tiềm năng, giá trị của Tây Nguyên một cách nhanh, hiệu quả, bền vững nhất.