Đạo diễn Lê Quý Dương - 'Vẽ' chân dung cụ Đồ Chiểu bằng nghệ thuật đặc sắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời lượng hạn chế chỉ với 45 phút, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu “vẽ” nên chân dung Nguyễn Đình Chiểu vừa đồ sộ với tầm vóc của nhân cách và tư tưởng mang tính nhân loại, vừa mộc mạc gần gũi với đất nước và nhân dân như một người con hiếu thảo, người thầy giáo tận tụy, người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, người chí sĩ một đời khát khao độc lập, tự do và hòa bình cho dân tộc.
Vẽ bức chân dung cụ Đồ Chiểu qua chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Vẽ bức chân dung cụ Đồ Chiểu qua chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Vọng cổ “Trái tim Đồ Chiểu” và hoạt cảnh nói thơ Vân Tiên

Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 30 năm Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre với quy mô quốc tế sẽ được tổ chức vào 20 giờ ngày 30/6/2022 tại Di tích quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu sẽ được dàn dựng kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và di sản văn hóa của Nam Bộ với những sáng tạo hiện đại mới của các nghệ sĩ cả trong nước và quốc tế.

Chương trình là một hành trình dẫn dắt khán giả theo mỗi bước chân cụ Đồ Chiểu năm xưa từ quê nội xứ Huế tới Sài Gòn Gia Định rồi Long An và cuối cùng về với quê hương Ba Tri Bến Tre. Điểm nhấn đặc biệt của chương trình nghệ thuật đó là màn biểu diễn ca cổ trích đoạn “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” do hai nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện: NSƯT Lê Tứ và NSƯT Mỹ Hằng cùng các nghệ sĩ cải lương của Đoàn cải lương Bến Tre qua phần trình bày tác phẩm vọng cổ “Trái tim Đồ Chiểu” của soạn giả Lê Long. NSND Thanh Hải, một trong những cây đại thụ của cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ được đạo diễn Lê Quý Dương mời tham gia tổ chức và biên tập toàn bộ phần cổ nhạc của chương trình.

Cùng với trích đoạn Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga và bài vọng cổ “Trái tim Đồ Chiểu” của soạn giả Lê Long, phần nhạc truyền thống của chương trình còn được tạo nên những điểm nhấn độc đáo với các hoạt cảnh nói thơ Vân Tiên, vốn là một hình thức văn thơ truyền miệng độc đáo của người dân Nam Bộ xưa được đạo diễn Lê Quý Dương đưa vào kết cấu và phương pháp dàn dựng của mình.

Tác giả Kịch bản – Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương đã kết cấu kịch bản như từng trang sách mở, với hình ảnh bộ bút nghiên là trung tâm. Mỗi trang sách được ngọn bút viết nên áng thơ văn đầy khí phách như chính cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu.

Đạo diễn Lê Quý Dương đã xây dựng một nhóm nghệ sĩ tài năng với những sáng tạo rất mới cho chương trình. NSƯT Nhạc sĩ Trần Đại Dũng đến từ Thừa Thiên - Huế đã sáng tác một ca khúc mới dành riêng cho tiết mục “Cội nguồn xứ Huế quê hương” theo yêu cầu của đạo diễn. Đó là một ca khúc đậm đặc chất dân ca Huế do ca sĩ Đông Quân và Thu Trang trình bày, thể hiện tấm lòng của xứ Huế quê cha, mảnh đất đã sinh thành nên tài năng và nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu.

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu với nhân cách và tư tưởng mang tính nhân loại.

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu với nhân cách và tư tưởng mang tính nhân loại.

Nghệ sĩ quốc tế sáng tác ca khúc tôn vinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Nhạc sĩ Đỗ Bảo lại sáng tác một ca khúc hoàn toàn mang âm hưởng hiện đại độc đáo dành riêng cho chương trình mang tựa đề “Đạo không xa Người” với lời thơ của Lê Quý Dương là câu chuyện được nhóm tứ ca nam Lạc Việt thể hiện, như lời tâm tình của thế hệ trẻ Việt Nam kể với bạn bè thế giới câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, vị danh nhân được dân tộc Việt Nam tôn kính qua nhiều thế hệ.

Cùng với hai ca khúc sáng tác mới của hai nhạc sĩ uy tín của Việt Nam, tác giả Kịch bản – Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương đã kết nối với hai đồng nghiệp quốc tế, nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Thụy Điển Pamela Hedstroem và nhạc sĩ Dominique Henry Probst người Pháp để sáng tác hai ca khúc mới dành riêng cho chương trình dựa trên cảm hứng từ tác phẩm Lục Vân Tiên của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đây là dấu ấn đột phá và sáng tạo đưa chương trình lên đúng qui mô và tầm vóc quốc tế.

Điều này đã mở rộng bán kính ảnh hưởng và tính phổ cập của tác phẩm Lục Vân Tiên trên những chiều cảm nhận, đánh giá và phong cách sáng tạo khác nhau của các nghệ sĩ quốc tế. Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Pamela Hedstroem đã sáng tác và sẽ tự mình trình diễn trong chương trình một ca khúc độc đáo kể lại câu chuyện cuộc đời của Lục Vân Tiên sau khi cô đọc tác phẩm này bằng tiếng Anh do Đạo diễn Lê Quý Dương gửi qua Thụy Điển.

Ở một chiều cảm xúc khác, nhạc sĩ Domique Henry Probst, sau khi đọc xong truyện Lục Vân Tiên bằng tiếng Pháp do tự mình đặt mua tác phẩm tại Pháp, đã sáng tác một ca khúc với tâm sự về Kiều Nguyệt Nga trong khoảnh khắc nhớ Lục Vân Tiên với chất âm nhạc đầy tính hàn lâm và học thuật. Domique Henry Probst sẽ bay từ Paris sang TP HCM trực tiếp dàn tập ca khúc này và biểu diễn cùng ca sĩ July Thanh Nguyên, một ca sĩ hát tiếng Pháp nổi tiếng của Việt Nam. Trong các di sản văn học của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế, Lục Vân Tiên là tác phẩm được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng, có sức ảnh hưởng và vị trí quan trọng trong tủ sách văn học thế giới.

Đạo diễn Lê Quý Dương

Đạo diễn Lê Quý Dương

Kết cấu kịch bản như từng trang sách mở, với hình ảnh bộ bút nghiên là trung tâm.

Kết cấu kịch bản như từng trang sách mở, với hình ảnh bộ bút nghiên là trung tâm.

Đưa các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên lên tà áo dài truyền thống

Một sáng tạo đặc biệt mới lạ của chương trình chính là bộ sưu tập áo dài “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” của nhà thiết kế thời trang trẻ Yến Nhi đến từ thương hiệu thời trang DNA Fashion. Lấy cảm hứng từ cuốn sách “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” bằng tiếng Pháp với các bản tranh minh họa của các tác giả người Pháp Pascal Bourdeaux & Olivier Tessier xuất bản với sự đồng ý của Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp, nhà thiết kế Yến Nhi đã vô cùng sáng tạo khi đưa từng bản tranh các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên lên tà áo dài truyền thống Việt Nam, trở thành một bộ sưu tập áo dài Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga hết sức sáng tạo và độc đáo sẽ được trình diễn trong chương trình. 20 người mẫu sẽ trình diễn 4 bộ sưu tập áo dài mang tên: Cội nguồn xứ Huế Quê hương, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Hương tình Bến Tre, Thế giới Hòa Bình.

Bên cạnh nội dung chương trình được kết hợp khéo léo giữa các di sản truyền thống và sáng tạo hiện đại được thể hiện bởi các các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế. Các chuyên gia công nghệ và thiết kế hình ảnh của Sense Art đang nỗ lực thiết kế các hiệu ứng hình ảnh thị giác trên không gian ba chiều. Mục tiêu được Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương muốn đạt tới là hiệu ứng thị giác và các công nghệ hình ảnh được ứng dụng không phải để phô diễn kỹ thuật mà là những điểm nhấn nâng các giá trị văn hóa di sản truyền thống trong chương trình lên một cách thể hiện mới vừa hiện đại nhưng vẫn đậm đặc bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, của Nam Bộ nơi Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu gắn bó gần như trọn vẹn cả cuộc đời, nói riêng.

Nghệ sĩ diễn viên và đạo diễn Khánh Hoàng với chất giọng Nam Bộ trầm, ấm, sâu lắng sẽ bày toàn bộ phần lời bình của chương trình. Tổng Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: “Nghệ sĩ Khánh Hoàng có một chất giọng Nam Bộ rất quý hiếm. Khi quyết định lựa chọn anh trình bày phần lời bình, tôi tin tưởng rằng, chất giọng đó sẽ như một mạch dẫn lôi cuốn và tin cậy dẫn dắt khán giả khám phá để tri ân một cuộc đời thăng trầm nhưng cũng vô cùng cao quý của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Cùng với nghệ sĩ trình bày lời Bình Khánh Hoàng, MC Thanh Giang và MC Phạm Thanh, hai MC trẻ tài năng đã được mời làm MC chính thức dẫn chương trình”.

Đội ngũ kỹ thuật tham gia dàn dựng chương trình là các tên tuổi uy tín và có bề dày nhiều năm kinh nghiệm với các sự kiện qui mô lớn tại Việt Nam và quốc tế. Kỹ thuật âm thanh, ánh sáng do thương hiệu Hiếu Văn nghệ đảm nhận. Hệ thống sân khấu do thương hiệu Ánh Kim đảm nhận. Hệ thống màn hình LED và Video trình chiếu do thương hiệu TST Show đảm nhận. Hệ thống livestream quốc tế do thương hiệu Graphic Solution đảm nhiệm. Hệ thống pháo hoa kỹ xảo sân khấu do thương hiệu Thành Công đảm nhận.

Một trong những điểm nhấn ấn tượng của chương trình chính là sự xuất hiện của 10 thiếu nữ đến từ Thừa Thiên - Huế, quê nội của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Trợ lý Tổng Đạo diễn Phan Vĩnh Quý - một đạo diễn trẻ tài năng của Cố đô Huế cho biết: “Những màn trình diễn của các thiếu nữ trong chương trình không chỉ thuần túy là các màn sân khấu hóa hay hoạt cảnh. Tổng Đạo diễn gợi ý làm sao phải thể hiện được trên vẻ đẹp rất đặc trưng của các thiếu nữ Huế toát lên được tình cảm sâu nặng và hoài thương của quê cha đất tổ nơi Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã sinh thành, nơi Nguyễn Đình Chiểu đã phải dứt lòng dang dở sự nghiệp để về quê chịu tang mẹ. Đây là một gợi ý thật tuyệt vời mà tôi cố gắng thực hiện”.

Lễ kỷ niệm sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 và được tiếp sóng trên nhiều Đài Truyền hình địa phương. Đặc biệt chương trình sẽ được livestream trên nền tảng facebook để đảm bảo phục vụ lượng người theo dõi đông đảo, đặc biệt tại Pháp và các nước châu Âu, nơi các đại biểu và thành viên của UNESCO sẽ đón xem chương trình.

Đọc thêm