Đảo Ngọc Vừng: Viên ''ngọc trai'' trên biển Quảng Ninh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhắc đến du lịch Quảng Ninh, mọi người thường nhớ ngay đến vịnh Hạ Long, và những địa điểm nổi tiếng như Cô Tô, Bãi Cháy, Quan Lạn… Tuy nhiên, ở Quảng Ninh còn có một hòn đảo tuyệt đẹp, ít người biết tới, đó là đảo Ngọc Vừng.

Đảo Ngọc đẹp hoang sơ

Với lượng khách du lịch ngày càng đông đúc đổ về Quảng Ninh hàng năm, vịnh Hạ Long, biển Vân Đồn, đảo Cô Tô luôn bận rộn, đông đúc, thì đảo Ngọc Vừng hấp dẫn những người yêu du lịch, thích khám phá, muốn chạy trốn những ồn ào phố thị, những hối hả của nhịp sống hiện đại bởi vẻ đẹp hoang sơ, vắng vẻ của riêng mình.

Bãi biển hoang sơ đảo Ngọc Vừng. Ảnh QH
Bãi biển hoang sơ đảo Ngọc Vừng. Ảnh QH

Đảo Ngọc Vừng hay còn gọi là đảo Ngọc. Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi tương truyền khu vực này xưa kia có nhiều loại ngọc trai quý hiếm, đêm đêm phát sáng cả một vùng trời. Người xưa đồn rằng vào ban đêm tàu thuyền từ xa thường nhìn thấy cả ánh hào quang của trai biển trong một vùng sáng quanh đảo, vì thế có tên gọi là Ngọc Vừng.

Nằm trên tuyến đảo Vân Hải, thuộc huyện Vân Đồn, xã đảo Ngọc Vừng là đảo đất rộng gần 40 km2 bao gồm 42 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều núi đá vôi, trong đó đảo Ngọc Vừng là một đảo lớn nhất có dân cư sinh sống lâu đời. Dân số khoảng gần 1000 người, gồm 6 dân tộc (Kinh, Dao, Mường, Thái, Sán Dìu, Tày).

Được thiên nhiên ưu đãi với bãi cát trắng mịn trải dài gần 3km nằm ở phía nam trung tâm xã, hướng ra biển đông, xung quanh là một ngư trường rộng lớn với tiềm năng vô tận về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đặc biệt là trên đảo có nguồn nước ngọt dồi dào, con người mộc mạc, hiếu khách, phong cảnh sơn thủy hữu tình đã tạo cho đảo Ngọc Vừng một tiềm năng kinh tế và du lịch sinh thái nổi tiếng vùng hải đảo Đông Bắc Tổ quốc. Đồng thời kết nối với các điểm di tích khác trên đảo, là những điểm hấp dẫn du khách khi đến với Ngọc Vừng để được trải nghiệm và khám phá.

Các điểm tham quan trên đảo Ngọc Vừng.

Cũng như các hòn đảo khác, đi du lịch đảo Ngọc Vừng sẽ tuyệt vời khi đi vào mùa hè, khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 9 hàng năm. Thời gian này nhiệt độ cao thích hợp cho việc tắm biển, màu của biển và bầu trời lúc này luôn mang một màu xanh rực rỡ, là khung cảnh tuyệt vời để có những bức ảnh đẹp. Tuy nhiên, đi vào khoảng thời gian này mọi người nên tránh những dịp biển động, ảnh hưởng của bão hay áp thấp nhiệt đới.

Bãi biển Trường Chinh

Đón quý khách đến Ngọc Vừng là bãi biển rộng gần 200m dài gần 3km nằm ở phía Nam đảo. Bãi tắm này là một trong những bãi tắm hiếm hoi còn giữ được nguyên vẹn nét hoang sơ và tự nhiên.

Bình minh trên bãi biển Trường Chinh. Ảnh: QH

Bình minh trên bãi biển Trường Chinh. Ảnh: QH

Bãi có tên gọi như vậy là bởi vì năm 1962, đồng chí Trường Chinh đã tới đây thăm quân dân trên đảo. Để kỷ niệm nên người dân đã đặt tên bãi tắm đẹp nhất đảo cùng với con đường mòn kế bên là Trường Chinh. Bãi biển trải dài được ôm trọn bởi những cánh rừng phi lao xanh mượt, cát trắng phẳng lì và vẫn còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ. Bãi tắm trong xanh, có độ dốc thoải mái và không quá sâu nên rất phù hợp để bơi lội. Từ trung tâm của đảo, mất khoảng 15 phút đi bộ là các bạn có thể tới được bãi tắm.

Thành nhà Mạc - Hòn Pháo Đài

Thành nhà Mạc (thành cổ Ngọc Vừng) được xây dựng từ thời Nhà Mạc (thế kỷ XVI) nên nhân dân quen gọi là thành Nhà Mạc. Đến thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 20 (năm 1839) thành được xây lại và được đặt tên là Bảo Tĩnh Hải. Cùng thời gian hòn Pháo Đài được chọn là một địa điểm để canh gác của Thành nhà Mạc và lấy tên là hòn Pháo Đài, có chòi canh gác ngăn chặn và phát hiện tàu thuyền của địch xâm nhập vào Thành nhà Mạc cũng như lãnh thổ từ phía biển. Trên pháo đài có đặt những khẩu thần công, đại bác và những bệ phòng thủ để ngăn chặn sự xâm nhập của quân địch.

Hòn Pháo Đài khi nước rút. Ảnh: CTTĐT Vân Đồn

Hòn Pháo Đài khi nước rút. Ảnh: CTTĐT Vân Đồn

Đường lên Hòn Pháo Đài được ngăn cách bởi một con đường bằng đá, mỗi khi thuỷ triều rút chúng ta có thể đi bộ đến Hòn Pháo Đài, mỗi khi thuỷ triểu lên, đường bãi đã sẽ bị nước biển bao phủ, du khách có thể trải nghiệm cảm giác lội nước để có thể tiếp cận Hòn Pháo đài khi thuỷ triều lên.

Khi đặt chân lên đỉnh hòn Pháo đài, du khách sẽ thấy các dấu tích còn lại của nơi đặt các khẩu pháo thần công hướng thẳng ra biển, hiên ngang, sừng sững ngăn chặn quân thù tiến vào từ biển. Ngoài ra du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật từ hòn Pháo đài sẽ thấy hết vị trí quan trọng và phong cảnh hùng vĩ của biển đảo Ngọc Vừng.

Đình Ngọc Vừng.

Khu di tích Đình Ngọc Vừng. Ảnh: CTTĐT Vân Đồn

Khu di tích Đình Ngọc Vừng. Ảnh: CTTĐT Vân Đồn

Đình làng Ngọc Vừng thuộc thôn Bình Minh, xã đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn). Đình thờ 3 vị tướng họ Phạm đã có công lớn giúp tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt đoàn thuyền lương của tướng Nguyên Trương Văn Hổ trong chiến thắng Vân Đồn - Cửa Lục năm 1288 là Phạm Thuần Dụng, Phạm Công Chính và Phạm Quý Công (cả ba ông cũng đang được thờ tại xã Quan Lạn). Sau khi 3 vị tướng họ Phạm hy sinh, nhân dân Ngọc Vừng đã tôn xưng họ làm thành hoàng dựng đình để thờ phụng. Đình đã được vua Tự Đức, vua Thành Thái và vua Khải Định ban sắc phong là thành hoàng làng vào các năm 1850, 1889 và 1917.

Khu di tích tưởng niệm Bác Hồ

Ngày 12/11/1962, quân và dân đảo Ngọc Vừng đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Tại nơi Bác đến thăm, trò chuyện cùng quân dân Ngọc Vừng đã được xây dựng thành Di tích lưu niệm Bác Hồ.

Khu di tích tưởng niệm Bác Hồ. Ảnh: CTTĐT Vân Đồn

Khu di tích tưởng niệm Bác Hồ. Ảnh: CTTĐT Vân Đồn

Khu di tích tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng có tổng diện tích quy hoạch khoảng 6,3 ha, trong đó diện tích xây dựng là gần 2,5ha... Qua các giai đoạn dự án đầu tư tôn tạo, hiện nay khu di tích có diện mạo khang trang với khuôn viên vườn cây, ao cá, nhà trưng bày, nhà bia, nhà quản lý

Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng đã trở thành điểm đến du lịch, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, hằng năm thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Khu di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 401/QĐ-BVHTTDL ngày 24/2/2023 công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia.

Cột cờ Quốc gia đảo Ngọc Vừng

Cột cờ Quốc gia đảo Ngọc Vừng. Ảnh: CTTĐT Vân Đồn
Cột cờ Quốc gia đảo Ngọc Vừng. Ảnh: CTTĐT Vân

Đồn

Cột cờ Quốc gia đảo Ngọc Vừng theo thiết kế và thi công ban đầu của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Viettel, cột cờ cao 58m, được đặt trên đỉnh cao 37 núi Tùng Lý có độ cao 94,6m so với mực nước biển. Hiện nay Cột cờ quốc gia đảo Ngọc Vừng đã được xây dựng lại khang trang, sạch đẹp với chiều cao cột và kích thước lá cờ lấy chuẩn theo kích thước cột cờ Ba Đình (chiều cao cột 29m, khổ rộng lá cờ là: 24m2).

Cột cờ Quốc gia Đảo Ngọc Vừng là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói chung và cũng là niềm vinh dự của mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo nói riêng.

Như chúng ta đã biết đảo Ngọc Vừng là một xã đảo ở phía Đông Bắc của Tổ quốc và từ lâu được xem là mảnh đất thiêng liêng với nhiều cảnh đẹp rất bình dị nhưng cũng rất hữu tình. Đỉnh cột cờ vừa có giá trị lịch sử trong thời kỳ chiến tranh bởi ở đây là điểm cao lý tưởng để bao quát được toàn bộ hành động của kẻ thù và bảo vệ được đội hình chiến đấu.

Vị trí cột cờ là điểm cao quân sự, nếu quý khách muốn tham quan phải liên hệ trước và được sự đồng ý của lực lượng quân đội bảo vệ trên đảo bạn mới có thể lên tham quan.

Hồ nước ngọt Cẩu Lẩu

Du khách khám phá hồ nước ngọt Cẩu Lẩu. Ảnh : QH
Du khách khám phá hồ nước ngọt Cẩu Lẩu. Ảnh : QH

Hồ có diện tích trên 9,1ha, là hồ thủy lợi với nguồn nước tự nhiên bắt nguồn từ khu vực Tùng Cẩm, Mắp bà Hiệu…nơi vốn là những cánh rừng nguyên sinh lâu đời. Hồ được xây dựng năm 2003 và hoàn thiện hệ thống cung cấp nước năm 2012. Nước trong hồ đóng vai trò chính cung cấp nước sinh hoạt cho cho 200 hộ dân và nước tưới cho trên 26 ha lúa của xã đảo.

Xung quanh hồ được bao phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng già. Mặt nước mênh mông trong suốt như thủy tinh, xanh thẳm màu ngọc bích, êm đềm, tĩnh lặng trong sự bao bọc của cảnh rừng nguyên sinh bạt ngàn.

Hồ Cẩu Lẩu là nước ngọt tự nhiên lớn nhất xã đảo không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp mà còn là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn đảo. Trong tương lai, đây sẽ là nguồn tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, hút khách tham quan đặt chân tới Ngọc Vừng.

Bến Cống Yên

Bến Cống Yên cùng bến Cống Hẹp là hai bến cảng thuộc khu vực phía bắc của đảo Ngọc Vừng, đây từng là hai bến thuyền sầm uất và quan trọng nhất thuộc hệ thống Thương cảng Vân Đồn dưới triều đại phong kiến từ thời Lý đến thời Nguyễn nhưng giai đoạn hưng thịnh nhất là vào thời Lý,Trần.

Hầu hết các tàu thuyền qua lại, trao đổi và giao lưu hàng hoá đều phải đi qua cảng Cống Yên mới đến được trung tâm Thương cảng. Do đó, Cống Yên có thể được coi là trạm trung chuyển tối quan trọng cho hoạt động thông thương thời bấy giờ, góp phần làm nên sự phát triển vượt bậc về thương mại cho hệ thống thương cảng Vân Đồn.

Bến Cống Yên đã thành cảng đón du khách hiện nay. Ảnh: QH
Bến Cống Yên đã thành cảng đón du khách hiện nay. Ảnh: QH

Hiện nay, Quảng Ninh đã đưa ra chính sách bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của di tích bến Cống Yên và Cống Hẹp nói riêng, cũng như hệ thống Thương cảng Vân Đồn nói chung.

Ngoài các điểm tham quan nói trên du khách có thể trải nghiệm các hoạt động cắm trại hay đạp xe khám phá quanh đảo. Những cung đường xanh mướt bóng phi lao, những bãi biển cát trắng trải dài mang đậm vẻ hoang sơ, không khí mát mẻ trong lành mang đậm mùi biển sẽ cho quý khách một thời gian không thể nào quên.

Ẩm thực trên đảo, cũng giống các đảo khác trên vùng đất mỏ, các loại hải sản tươi ngon của biển Ngọc Vừng như; ghẹ, tôm, ngao, cua, cá ...v.v sẽ là những mỹ vị của các bữa ăn trên đảo mà du khách không thể nào quên.

Một số hình ảnh trên đảo Vĩnh Thực.

Bản đồ tổng quan các điểm du lịch trênm đảo Ngọc Vừng. Ảnh: QH

Bản đồ tổng quan các điểm du lịch trênm đảo Ngọc Vừng. Ảnh: QH

Những cung đường rợp bóng phi lao. Ảnh: QH
Những cung đường rợp bóng phi lao. Ảnh: QH
Khu camping ven biển như trong cổ tích. Ảnh QH

Khu camping ven biển như trong cổ tích. Ảnh QH

Khu Camping về đêm. Ảnh: QH

Khu Camping về đêm. Ảnh: QH

Du khách tham gia hoạt động đốt lửa trại tại bãi biển. Ảnh: QH
Du khách tham gia hoạt động đốt lửa trại tại bãi biển. Ảnh: QH
Cùng trải nghiệm làm ngư dân trên đảo. Ảnh: QH
Cùng trải nghiệm làm ngư dân trên đảo. Ảnh: QH
Là một xã đảo thuộc huyện Vân Đồn, nhưng du lịch đảo Ngọc Vừng ít được du khách chú ý. Chỉ một vài năm gần đây, du khách mới bắt đầu đến đảo du lịch nhiều hơn.

Việc đi đến đảo Ngọc Vừng cũng đã thuận tiện hơn, khi có cả các hãng tàu cao tốc và tàu gỗ cùng khai thác lịch chạy tàu ra đảo. Hiện nay du khách có thể di chuyển ra đảo Ngọc Vừng từ bến tàu Vinashin, Hòn Gai, Hạ Long hoặc cảng Cái Rồng,Vân Đồn. Ngoài ra du khách cũng có thể di chuyển từ cảng Vũng Đục, TP Cẩm Phả. Giá vé tàu cao tốc vào khoảng 150.000 -180.000 đồng/ khách và thời gian di chuyển là 30- 40 phút. Vé tàu gỗ 70.000 -90.000 đồng/ khách và thời gian di chuyển khoảng 1giờ 30 phút.

Đọc thêm