Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên 'hồi sinh' đón Tết Nguyên đán

(PLVN) - Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) là hai biểu tượng đặc trưng thú chơi hoa cho Tết Nguyên đán của người dân đất Kinh kỳ. Năm nay, đợt bão số 3 làm nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều vườn cây cảnh ở đây bị thiệt hại nghiêm trọng. Những người trồng cây cảnh nơi đây đang dồn hết công sức để hồi sinh những vườn đào, quất để đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tại làng nghề trồng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) những ngày này nhiều hộ gia đình trồng đào ở đây đang tất bật hồi sinh những vườn đào sau bão. (Ảnh: Sức khỏe đời sống)

Nỗ lực vì một mùa quất, đào Tây Hồ khoe sắc

Không ít người nao nao khi nhớ tới không khí Tết của Hà Nội bằng những cành đào Nhật Tân, quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội). Mỗi dịp cuối năm, khi những cành đào được chở từ vườn về phố, người Hà Nội như thấy mùa xuân đến gần hơn. Những cành đào với những cánh hoa to, đẹp và dày không chỉ đem không khí Tết mà còn mang theo mong ước về một năm mới tràn đầy may mắn và rực rỡ. Cây quất quả vàng óng trĩu nặng trên cành, tạo nên hình ảnh của sự thịnh vượng và đoàn tụ.

Năm nay, do đợt bão số 3 vào đầu tháng 9, nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều vườn cây cảnh ở đây bị thiệt hại nghiêm trọng. Sau một tuần gây ngập úng, nước sông Hồng đã rút khỏi các vườn đào, quất Phú Thượng, Nhật Tân và Quảng An. Tuy nhiên, nhiều cánh đồng ở đây bị phủ một lớp bùn dày, đặc quánh. Nhiều vườn đào, quất chỉ còn lại những luống cây chết khô. Sau bão số 3 và trận lũ lịch sử, người dân làng đào Nhật Tân, Phú Thượng và làng quất cảnh Tứ Liên đang nỗ lực “hồi sinh” vườn cây, đồng thời xen canh hoa màu ngắn ngày đón Tết.

Tại làng đào Nhật Tân (phường Phú Thượng, Tây Hồ) có khoảng hơn 20.000 gốc đào bị chìm ngập trong nước lũ trước sự tiếc nuối, xót xa của nhiều người. Những gốc đào thế và đào cành được chăm bẵm kĩ càng chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới nhưng nước lũ dâng cao nên gần như mất trắng. Ngay khi nước sông vừa rút, gia đình anh Đỗ Ngọc Bảo và các gia đình trong làng Nhật Tân đã phải nhanh chóng hút nước, dọn sạch bùn từng gốc đào. Theo anh Bảo, khi nước đã ngập đến mức này thì coi như bộ rễ đã bị tổn thương rất nhiều, bây giờ nếu khô nhanh thì có thể cho thuốc kích rễ, tiếp tục bổ sung dinh dưỡng để đào phát triển, cố gắng cứu sống cây. Loại bỏ phần rễ cây đã bị úng, anh Bảo vẫn vững niềm tin vào khả năng “hồi sinh” của những nhánh đào, gốc đào còn lại này để phần nào níu kéo vụ mùa năm nay.

Để khôi phục những vườn đào bị tàn phá, ngoài việc chăm sóc số ít cây đào còn sống sót, nhiều gia đình ở Nhật Tân đã bắt đầu trồng lại. Những cây đào con được mang từ Thanh Hóa, Phú Thọ về trồng, chờ khoảng ba, bốn tháng rồi ghép mắt đào Nhật Tân. Do nhu cầu trồng lại đào sau lũ lớn khiến giá cây giống tăng vọt, gấp 7 - 8 lần. Thậm chí, nhiều người không thể mua được vì nguồn cung hạn chế. Theo người dân nơi đây, việc khôi phục từng gốc đào không chỉ tốn kém mà còn mất rất nhiều thời gian. Ít nhất ba năm nữa những cây đào con mới cho hoa, tức là đến năm 2026, người dân Nhật Tân mới có thể trở lại với mùa Tết như xưa.

Người dân đất Kinh kỳ mong đào Nhật Tân sớm hồi sinh, khoe sắc như xưa. (Ảnh: Thùy Dương)

Tại làng quất cảnh Tứ Liên, người dân cũng đang nỗ lực phục hồi, chăm sóc các chậu quất để phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Bà Trần Thị Tuyết có khoảng 7 sào đất trồng khoảng 1.000 cây quất. Do đê xa quá, gia đình bà Tuyết không kịp vận chuyển cứu cây, đành mất trắng 700 cây. Bà và gia đình phun nước rửa sạch vết bùn, chăm sóc 300 cây quất kịp cứu lên trên con đường nhỏ ở vị trí cao giữa cánh đồng hy vọng kịp đón Tết Ất Tỵ.

Chị Thu Hà, chủ vườn quất Hà Tiên (Tứ Liên, Tây Hồ) cũng đang nỗ lực phục hồi, chăm sóc các chậu quất để phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Sau bão, gia đình chị may mắn giữ lại gần 100 cây có cơ hội sống sót nếu chăm sóc tốt. Chị Liên không khỏi vui mừng, sau một thời gian chăm sóc, các chậu quất bị ngập trước đó đã mọc ra nhiều lá non, xanh tốt. Nhiều chồi non xanh biếc đang bung tỏa mạnh mẽ sau thiên tai.

Đáp ứng được thú vui tao nhã của người dân đất Kinh kỳ

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, 152ha trồng đào, quất, hoa màu tại khu vực bãi sông Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ đã bị ngập trong nước, thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo quận, trực tiếp là Bí thư Quận ủy Lê Thị Thu Hằng trong chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão, lũ, quận Tây Hồ đã khẩn trương triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh và giúp người dân ổn định cuộc sống. Cùng với việc giãn nợ, cho vay vốn phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, quận đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan hướng dẫn người dân khẩn trương tổ chức canh tác lại cây ngắn ngày nhằm bảo đảm cuộc sống.

“Nhằm phục hồi sản xuất nông nghiệp cho người dân canh tác tại khu vực ngoài bãi, quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch, bố trí khoảng 85 tỷ đồng để cho vay, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội”, lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết.

Người dân hy vọng một mùa quất, đào Tây Hồ khoe sắc. (Ảnh: Trang Nhung)

Trưởng Phòng Kinh tế quận Tây Hồ Trần Gia Hùng cho biết, đối với những cây có thể phục hồi, quận đã liên lạc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả trung ương để có hướng dẫn về mặt kỹ thuật giúp người dân; đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật và hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các diện tích còn lại.

Theo những người dân Tây Hồ, trong cái rủi cũng có cái may. Dù bị mất tới 80% vườn cây quất, đào nhưng nhìn ở góc độ khác thì cơn lũ cũng có thể mang lại cơ hội mới, bởi lớp phù sa sông Hồng bồi đắp cho đất đai. Không có gió sông Hồng thì không có đào Nhật Tân. Không có phù sa sông mẹ thì không có quất Tứ Liên.

Còn cây là còn hy vọng, còn đất là còn cơ hội tái canh tác. Những người dân Tây Hồ hy vọng, dù không thể đáp ứng được quất đào cho các tỉnh, thành, nhưng, họ sẽ cố gắng chăm sóc cây để có thể đáp ứng phần nào thú vui tao nhã của người dân đất Kinh kỳ đón Tết Ất Tỵ đầy sắc xuân. Bởi, mỗi cành đào, cây quất đều chất chứa những giá trị văn hóa đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Những cành xanh đang mơn mởn tại các làng hoa, mang tới hy vọng về một mùa đào, mùa quất Tây Hồ sẽ lại khoe sắc rực rỡ, mang lại không khí Tết Nguyên đán tràn đầy sức sống như xưa.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5642/QĐ-UBND về việc công nhận khu du lịch cấp thành phố đối với Khu du lịch Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội). Phường Nhật Tân là một trong những khu vực có cảnh quan đẹp nổi tiếng của Thủ đô. Hiện nay, khu vực trồng đào ở bãi sông Hồng là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn với nghề trồng đào có hàng trăm năm nay. Khu vực bãi sông còn có những trang trại trồng hoa, nổi bật nhất là khu vực bãi đá sông Hồng.

Địa bàn phường Nhật Tân nằm bên hồ Tây - thắng cảnh bậc nhất của Hà Nội, trên địa bàn có đình Nhật Tân, chùa Tảo Sách. Quận Tây Hồ cũng đã triển khai hoạt động của phố đi bộ Trịnh Công Sơn trong những năm gần đây và từng bước trở thành một địa chỉ hấp dẫn. Ngoài ra, địa bàn phường Nhật Tân còn có thung lũng hoa hồ Tây, Công viên nước hồ Tây, nhà hàng Sen Tây Hồ… và nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí khác tạo nên một tổng thể nhiều hoạt động thu hút khách du lịch.

Khu du lịch Nhật Tân đã đón du khách từ năm 1999. Đến nay, khu du lịch này đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi, khám phá, thưởng thức ẩm thực đặc trưng địa phương và các vùng miền. Hiện nay, các sản phẩm du lịch chính được khai thác tại đây gồm: Du lịch văn hóa, kiến trúc, lịch sử; du lịch sinh thái, ẩm thực, vui chơi giải trí, mua sắm... Trong khu du lịch có 19 cơ sở lưu trú du lịch với 102 phòng. Các dịch vụ vui chơi, giải trí trong nhà và ngoài trời với diện tích 100.000m2.

Với sự nổi tiếng sẵn có của làng đào Nhật Tân, vẻ đẹp của hồ Tây và một số điểm đến, việc công nhận Khu du lịch Nhật Tân là khu du lịch cấp thành phố sẽ tạo điều kiện để quận Tây Hồ triển khai các hoạt động quảng bá thu hút khách du lịch.