Chuyện xây dựng 'phường văn hóa' ở làng quất Tứ Liên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm nay (8/10), phường Tứ Liên quận Tây Hồ, Hà Nội đón nhận danh hiệu “Phường văn hóa”. Như vậy, với việc phường Tứ Liên là “Phường văn hóa”, quận Tây Hồ đã cán đích mục tiêu 8/8 phường trên địa bàn quận xây dựng thành công mô hình “Phường văn hóa”.
Hội nghị thẩm định kết quả xây dựng “Phường văn hóa” phường Tứ Liên ngày 27/9/2024. (Nguồn: UBND phường Tứ Liên)
Hội nghị thẩm định kết quả xây dựng “Phường văn hóa” phường Tứ Liên ngày 27/9/2024. (Nguồn: UBND phường Tứ Liên)

Có một cuộc họp trong đêm…

Tại địa bàn Hà Nội, cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra những giây phút rất căng thẳng, cam go cho những vùng ven sông Hồng khi nước trên sông lên cao từng giờ. Tại phường Tứ Liên, ngày 11/9, khi nước sông đã đạt mức báo động 2, đã hơn 10h đêm nhưng vẫn chưa có cán bộ nào rời trụ sở về nhà. Căn cứ tình hình thực tế, một cuộc họp khẩn đã diễn ra, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai phường Tứ Liên đã lên phương án, kế hoạch vận động di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực đường Đê Quai. Lãnh đạo phường, quận đã xuống tận địa bàn trực tiếp chỉ đạo triển khai trong đêm bằng nhiều hình thức để vận động Nhân dân di dời nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Thực hiện phương án di chuyển người dân ra khỏi vùng trũng ngoài đê bị ngập úng khi nước lên cao, UBND phường đã chủ động rà soát lập danh sách số hộ dân cần sơ tán, đồng thời chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không người dân nào bị bỏ lại phía sau. Có thể thấy, cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại lớn, nhưng qua đó cũng thấy rõ quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ chính quyền phường đến các tổ dân phố, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc phòng, chống bão đã được nâng cao hơn bao giờ hết.

Cơn bão số 3 đã qua, nhưng câu chuyện về cuộc họp khẩn đêm 11/9 vẫn được kể trong nhiều câu chuyện tại phường Tứ Liên. Và ngày hôm nay khi phường đón nhận danh hiệu “Phường văn hóa” thì câu chuyện đó lại một lần nữa được nhắc lại. Bởi một trong những khía cạnh của mô hình “Phường văn hóa” đó là tinh thần vì cộng đồng, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Quyết tâm giữ vững danh hiệu “Phường văn hóa”

Phường Tứ Liên trước kia được gọi là làng Tứ Tổng. Từ năm 1961 đến năm 1995 là xã Tứ Liên thuộc huyện Từ Liêm. Từ năm 1995 tách khỏi huyện Từ Liêm và đổi tên thành phường Tứ Liên thuộc quận Tây Hồ. Tứ Liên là một vùng đất bồi với những dải đất phù sa màu mỡ. Người dân ở đây chủ yếu trồng trọt hoa màu như ngô, khoai, lạc, sắn. Sau thời kì đổi mới, Tứ Liên chuyển mình và phát triển thành làng quất nghệ thuật, đến nay đã được 30 năm.

Quất cảnh nghệ thuật ở Tứ Liên đã nổi tiếng gần xa 30 năm nay. (Nguồn: hanoimoi.vn)

Quất cảnh nghệ thuật ở Tứ Liên đã nổi tiếng gần xa 30 năm nay. (Nguồn: hanoimoi.vn)

Cách đây 15 năm, ngày 2/4/2009, quận Tây Hồ ban hành Đề án 03 về xây dựng “Phường văn hóa” và trở thành quận đầu tiên trên của TP Hà Nội triển khai xây dựng thành công mô hình “Phường văn hóa”. Với việc phường Tứ Liên là “Phường văn hóa”, quận Tây Hồ đã cán đích mục tiêu 8/8 phường trên địa bàn quận xây dựng thành công mô hình “Phường văn hóa”.

Tại phường Tứ Liên, ông Đoàn Văn Dương - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường cho biết, việc xây dựng “Phường văn hoá” theo Đề án 09-ĐA/QUTH ngày 14/7/2021 của Quận ủy Tây Hồ bao gồm 5 tiêu chuẩn, 31 tiêu chí. “Nghị quyết Đảng ủy đã xác định “Phấn đấu xây dựng phường Tứ Liên trở thành phường văn hóa”, đây là định hướng chỉ đạo căn bản làm cơ sở cho việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn tham gia vào việc tổ chức vận động Nhân dân thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng phường văn hóa. Đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn phường ổn định. Các hoạt động quản lý và phong trào thi đua nhiều năm qua đã đạt được nhiều kết quả, tạo thành động lực, làm cơ sở từng bước xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa đô thị đang trên đà phát triển. Công tác thông tin tuyên truyền, cổ động được thực hiện tốt. Hệ thống đài truyền thanh không dây được đầu tư và hoạt động ổn định. Hệ thống hạ tầng đường, điện, nước được quan tâm đầu tư. 100% nhà sinh hoạt địa bàn dân cư được khai thác, sử dụng khá hiệu quả. Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước được nâng cao. Công tác giáo dục được quan tâm, Trường Mầm non, Trường Tiểu học Tứ Liên và Trường THCS Tứ Liên được công nhận là Trường chuẩn Quốc gia (cấp độ 1), chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Phường đạt phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Phường tiếp tục duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới…”, ông Đoàn Văn Dương cho biết.

Tại Hội nghị thẩm định kết quả xây dựng “Phường văn hóa” tại phường Tứ Liên cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03 của Quận ủy về xây dựng phường văn hóa đã đánh giá cao các kết quả mà phường Tứ Liên đã cố gắng phấn đấu hoàn thành trong thời gian vừa qua. Nhìn lại thời gian qua, các công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng “Phường văn hóa” của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đều có những bước tiến vượt trội, quyết liệt để đến nay, phường đã hái được “quả ngọt” danh hiệu “Phường văn hóa”, theo ông Hoàng.

Ông Trịnh Chí Thanh - Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường cho biết, trong quá trình xây dựng “Phường văn hóa”, dù gặp không ít khó khăn nhưng toàn hệ thống chính trị phường đã đoàn kết, quyết tâm, vượt qua khó khăn xây dựng các chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện và vận động Nhân dân thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng “Phường văn hóa. “Phường Tứ Liên sẽ quyết tâm giữ vững danh hiệu “Phường văn hóa” và tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và tiến tới xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị” - ông Trịnh Chí Thanh nhấn mạnh.

Có thể thấy, ở quận Tây Hồ, những kết quả đạt được của mô hình “Phường văn hóa” đã góp phần mang lại sự đổi thay không nhỏ. Sự đổi thay dễ nhận thấy nhất đó là các phường đều có ít nhất 85% số hộ, 75% số tổ dân phố văn hóa; không để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình; không có tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm. Người dân sống và ứng xử văn minh, thanh lịch; không chửi bậy, đánh nhau, say rượu, bia gây mất trật tự công cộng. Các tuyến đường, ngõ phố xanh, sạch, thông thoáng hơn; hầu như không còn điểm tập kết rác tự phát, không còn những đám đông tụ tập gây mất an ninh, trật tự. Việc cưới, việc tang từng bước đi vào nền nếp với 100% cán bộ, đảng viên tổ chức tiệc cưới cho bản thân hoặc con cái theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội. Theo thống kê, số hộ dân được công nhận “Gia đình văn hóa - sức khỏe” giai đoạn 2020 - 2022 đạt trung bình 94,4%; số tổ dân phố được công nhận “Tổ dân phố văn hóa” giai đoạn 2020 - 2022 đạt trung bình 94,1%...

Đọc thêm