Đào tạo cấp bằng lái ô tô: Không siết chặt sẽ nhiều hệ lụy!

(PLO) -Trước thông tin thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm, thời gian qua, số người đăng kí học lái ô tô tăng mạnh. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo cấp bằng lái ô tô cũng rất… phập phù, và nếu không có sự quản lý chặt chẽ, sẽ gây ra không ít hệ luỵ cho giao thông đô thị.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên 140 ngàn người tham gia thi giấy phép lái xe ô tô tại TP HCM, đó là con số thống kê năm 2017. Nguyên nhân phần lớn là do thông tin thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm mạnh trong năm 2017. Ngay cả trong năm 2016, do sự bùng nổ của lực lượng taxi công nghệ, lượng người mua xe và học bằng lái cũng tăng vọt so với các năm trước đó. 

Tính đến năm 2018, TP HCM có trên 70 cơ sở đào tạo giấy phép lái xe. Tuy nhiên, đó chỉ là con số thống kê chính thống. Ngoài ra còn có những cơ sở “chui” và cả những cá nhân nhận cung cấp dịch vụ bằng lái xe “từ A đến Z”.

Trước sự cạnh tranh mạnh trên thị trường đào tạo cấp bằng lái xe, nhiều trung tâm đào tạo đã tung những “chiêu” lập lờ nhằm kéo khách hàng. Không ít trung tâm quảng cáo đào tạo bằng lái xe không quên kèm theo câu “100% có bằng”. Trên thực tế, cam kết này rất nguy hiểm bởi đào tạo, sát hạch là một chuyện, còn có bằng hay không còn phải tuỳ vào việc người học có đạt yêu cầu để cấp bằng hay không. Một số cơ sở còn có dịch vụ không chính thống là “bao đậu lý thuyết” đối với những học việc đóng thêm chi phí. 

Cũng để tăng tính cạnh tranh, không ít cơ sở đào tạo bằng lái đưa ra những mức giá hấp dẫn. Giá thị trường dành cho gói đào tạo và thi bằng lái ô tô 4 (B2) chỗ hiện nay trung bình từ 8- 15 triệu đồng tuỳ vào trung tâm. Tuy nhiên, vẫn có những cơ sở sẵn sàng đưa các mức giá khuyến mãi thấp hơn 5, 6 triệu đồng, thậm chí là 4 triệu đồng. Nếu tính mức giá trung bình thị trường một giờ thực hành là 200 ngàn đồng, học viên cần học ít nhất 10 giờ, nghĩa là 2 triệu đồng. Cộng với chi phí nộp cho Sở Giao thông Vận tải để làm hồ sơ thi là 3 triệu, chi phí đào tạo lý thuyết, cơ sở vật chất… Chỉ cần làm một bài toán nhỏ để thấy mức giá học bằng lái xe nhiều trung tâm đưa ra là “không tưởng”. Và cách để những cơ sở này “bù lỗ” là cắt xén giờ thực hành của học viên, khiến tỉ lệ thi đậu của học viên giảm xuống, hoặc có đậu chỉ là “ăn may”, cho ra đời những tài xế chất lượng kém.

Cạnh lực lượng các cơ sở đào tạo cấp phép lái xe là lực lượng “giáo viên tự do” kiêm cò giấy phép. Các giáo viên này đa phần xuất thân từ các cơ sở đào tạo, nhưng nhân dạy học viên không qua các cơ sở chính thống, tự mở lớp kèm riêng cho học viên, kiếm nguồn học viên bằng quảng cáo qua mạng hoặc giới thiệu truyền miệng. Các thầy dạy lái xe này cũng nhận luôn phần đăng kí sát hạch cho học viên, thậm chí nhiều người cũng sẵn sàng “bao đậu lý thuyết, bao đậu toàn phần”… Tính trên cả nước, trong năm qua, các lực lượng thanh tra trong ngành đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính gần 120.000 vụ việc vi phạm về cấp phép lái xe với số tiền xử phạt trên 365 tỷ đồng.

Có thể thấy, thị trường đào tạo lái xe ô tô hiện đang khá rối loạn, lủng củng về mặt chất lượng cộng với lượng học viên tham gia thi bằng lái ngày một tăng, số xe đăng kí ngày một nhiều, trong khi bài toán quy hoạch giao thông còn chưa có lối thoát, khiến cho áp lực lên giao thông đô thị TP HCM nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn. Nếu không có một phương án quản lý khả thi nhằm siết chặt chất lượng lẫn số lượng đào tạo cấp phép lái xe, thì có lẽ, trong thời gian tới, giao thông đô thị vẫn tiếp tục là một “bài toán khó” dài dài.

Đọc thêm