Đào tạo lại hàng triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế

(PLVN) - Việc đào tạo nguồn lực để chuẩn bị cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là với lao động mới mà còn phải đào tạo ngay lại cả hàng triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân.

Các đại biểu tại tọa đàm
Các đại biểu tại tọa đàm

Đó là vấn đề được Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu tại tọa đàm “Để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5/3.

Tại tọa đàm, các ý kiến cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đến khả năng huy động, sử dụng có hiệu quả các loại nguồn lực khác, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức. Đây cũng chính là một trong những yếu tố mang tính quyết định để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã  hội) Trương Anh Dũng cho rằng, không phải cứ nhân lực trình độ cao là nhân lực chất lượng cao bởi trên thực tế, có những người lao động, học sinh – sinh viên được đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nhưng nếu được đào tạo một cách bài bản; có kiến thức, kỹ năng và năng lực tốt vẫn có thể coi là nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Dũng, Việt Nam hiện đang ở thời kỳ dân số vàng, với trên 55 triệu người trong độ tuổi lao động, đa số là lao động trẻ. Đây là điều kiện tốt để chúng ta có thể khai thác, tận dụng cơ hội để bứt phá. Tuy nhiên, điểm hạn chế hiện nay là cơ cấu và trình độ của lực lượng lao động của chúng ta còn nhiều vấn đề. Trong 55 triệu lao động này mới chỉ có khoảng 23 - 24% là đã qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ. Năng suất lao động của chúng ta hiện so với các nước phát triển hiện còn khoảng cách đang rất lớn. 

Đề cập đến xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới cho hay, Việt Nam có chỉ số xếp hạng 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, chúng ta có thời kỳ sử dụng chỉ tiêu lao động qua đào tạo, phổ cập nghề nghiệp cho người lao động để tiếp cận được thị trường, chủ yếu lao động phổ thông. Qua cả chặng đường dài đó, đến nay, chúng ta đã đạt được tỉ lệ 60% lao động đã qua đào tạo. 

Ông Lợi cho rằng, việc đáng lưu ý của Việt Nam là phải xem xét 25% lao động qua đào tạo đó. “Chỉ tiêu lao động qua đào tạo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó trong giai đoạn chúng ta tiếp cận với nền công nghiệp cao. Giờ chúng ta không nên xem chỉ tiêu lao động qua đào tạo 60% đó là thành tựu mà vấn đề quan trọng là phải tập trung để đào tạo một cách bài bản mà hiện chúng ta mới đạt khoảng 25%”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, đào tạo nghề phải gắn với giáo dục phổ thông. Đánh giá việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra phương thức mới là phân luồng học sinh để học sinh lớp 9 sau đó có thể không vào cấp 3 mà vào luôn cao đẳng nghề, đào tạo xong nghề đó thì có bằng phổ thông trung học, ông Lợi cho rằng đây là cách đào tạo rất đúng để chúng ta đi trước đón đầu, rút ngắn thời gian học của các học sinh, hướng tới việc chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 “Nếu chúng ta không chuẩn bị, không đi trước đón đầu thì quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn dắt lao động của chúng ta đi đến tình trạng không kiếm được việc làm, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường”, ông Lợi nói và lưu ý đến việc phải đào tạo ngay lại cả hàng triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân, nhất là các ngành sử dụng lao động phổ thông như dệt may, da giày…

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng nhấn mạnh yêu cầu phải kết hợp đào tạo cả ở doanh nghiệp và nhà trường. Theo ông, doanh nghiệp đào tạo để sử dụng ngay và có thể đào tạo để cung cấp lao động cho doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. Cùng với đó, việc này còn giúp việc đào tạo gắn nhiều với thực hành thay vì lý thuyết. “Nhà trường phải đào tạo cái xã hội cần, các trường nghề phải đi theo hướng đó, phải đi trước đón đầu, đào tạo cái trong tương lai xã hội cần”, ông nói thêm.

Đọc thêm