Đào tạo tài năng âm nhạc: Muốn tốt phải tránh xa cám dỗ thị trường?

(PLO) - “Chúng ta cũng đã đào tạo được một số ít tài năng âm nhạc nhưng thực sự những sản phẩm này còn mang nhiều tính tự phát, ngẫu nhiên, đặc biệt khi được nhìn nhận dưới góc độ quy mô đào tạo của một quốc gia”- GS.TS.NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đưa ra nhận định trong hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập và phát triển” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ít tài năng mang tầm quốc tế của nền âm nhạc Việt Nam.
Ít tài năng mang tầm quốc tế của nền âm nhạc Việt Nam.

Khiêm tốn giải thưởng quốc tế

Tại sao GS.TS.NSND Ngô Văn Thành  lại nói như vậy?. Trong khi một số sinh viên học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia “ẵm” được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: giải nhất châu Á của nhóm sinh viên Hà Nội Kèn- Piano ở Thái Lan năm 2005; ngũ tấu Kèn gỗ - giải nhất Concour Mùa thu 2017 tại Hà Nội; ở Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016 và Hội nghị Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam vinh dự nhận hai giải thưởng danh dự là giải tưởng niệm ACL Yoshiro Irino lần thứ 34, được trao cho nhà soạn nhạc Trần Lưu Hoàng, giảng viên khoa sáng tác của Học viện Âm nhạc Quốc gia và giải thưởng mang tên Tsang- Houei Hsu cho nhà soạn nhạc trẻ Nguyễn Minh Trang với nội dung tác phẩm ấn tượng nhất về nhạc cụ dân tộc; hay mới đây, giải Bạc cá nhân được trao cho nghệ sĩ đàn nhị Trần Văn Xâm, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia với tác phẩm “Kể chuyện ngày mùa” tại Liên hoan nghệ thuật hữu nghị Mùa xuân Bình Nhưỡng 2016 vốn được coi là một trong những liên hoan nghệ thuật quốc tế có quy mô lớn được tổ chức hết sức chuyên nghiệp trong khu vực.

Tuy nhiên, với các giải thưởng âm nhạc quốc tế, theo GS.TS.NSND Ngô Văn Thành, cho tới nay, kết quả đào tạo tài năng âm nhạc ở Việt Nam còn khá hạn chế. Các tài năng âm nhạc nước ta chưa thực sự đạt được thành tích tốt ở những giải thưởng quốc tế đòi hỏi trình độ chuyện nghiệp cao. So với các nước láng giềng trong khu vực châu Á, cũng ta mới chỉ có những bước tiến khá khiêm tốn. 

Con đường để trở thành nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm là một hành trình dài đầy gian khó, không chỉ cần năng khiếu, tâm huyết mà còn cần cả sự khổ luyện. Thế nhưng, khi thành tài, họ lại ít được biểu diễn; mức lương và thù lao cho mỗi buổi tập, buổi diễn quá ít ỏi so với các nghệ sĩ dòng nhạc giải trí. Trong khi ở những nước phát triển, những tài năng như họ có thể thu nhập hàng nghìn USD mỗi tháng từ các buổi diễn và công trình nghiên cứu.

Trước thực trạng đó, một số nghệ sĩ trụ lại với âm nhạc trong nước từ viết khí nhạc phải “chuyển kênh” sang những thể loại nhẹ nhàng hơn như ca khúc, nhạc phim, nhạc sân khấu, phối khí bài hát... để có thêm thu nhập. Nhân lực vốn đã ít, lại gặp phải sự khập khiễng trong điều kiện hoạt động, thế nên nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam càng trở nên trầm lắng. PGS. TS Nguyễn Minh Cầm rầu lòng, số lượng tác phẩm hợp xướng Việt Nam còn quá thiếu thốn, không đủ dùng để giảng dạy trong toàn khóa học 4 năm. Về thể loại cũng chưa đa dạng, về chất lượng cũng còn nhiều tác phẩm với những thủ pháp chưa chuẩn mực. Rất ít tác phẩm phù hợp dùng để giảng dạy những kỹ thuật chỉ huy khác nhau; dăm ba tác phẩm được sử dụng làm giáo trình thực tập dàn dựng trên thực tế. 

Xu hướng “nhẹ hóa” đào tạo chuyên nghiệp

Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cũng chỉ ra điểm yếu của đào tạo âm nhạc Việt Nam. Theo đó, xu hướng “nhẹ hóa” đào tạo chuyên nghiệp khiến nhiều nhà chuyên môn lo ngại. Bởi theo họ “hàn lâm là hàn lâm”, âm nhạc bác học không phải thứ đem ra làm đại trà. Các nhà chuyên môn, cả thầy lẫn trò cứ “việc ta- ta làm”, khỏi bận tâm đến đời sống âm nhạc thị trường bình dân làm gì. 

Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo với thiết chế và cơ chế bao cấp đã không còn đáp ứng được yêu cầu đào tạo tài năng trong giai đoạn mới. Cho đến nay, cả nước chỉ còn vài nhạc viện vẫn kiên trì đào tạo tài năng ở một số môn nghệ thuật nhất định. Hầu hết, quy mô đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp bị thu hẹp dần, chỉ còn được duy trì một cách đối phó, khiến cho chất lượng nguồn nhân lực cũng suy giảm dần. Các cơ sở đào tạo cũng rất lúng túng khi bị chi phối bởi cơ chế thị trường, hoặc bất đắc dĩ chạy theo cơ chế thị trường, không có cơ chế tự chủ rõ ràng để có thể mạnh dạn xây dựng những khung chương trình theo chuẩn quốc tế.

Hiện tượng “chảy máu” nhân tài ở nước ta đương nhiên cũng xảy ra với Học viện Âm nhạc Quốc gia. Chỉ có số ít người như NSUT Bùi Công Duy, Trinh Hương chọn quê hương làm nơi lập nghiệp của mình sau một thời gian dài học tập ở nước ngoài. Còn lại, hầu hết những tài năng âm nhạc kia đều sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Nguyễn Công Thắng (giải nhất violon cuộc thi quốc gia Âm nhạc mùa thu 1990) sau đó du học ở Nga, Hồng Kông và hiện nay đang làm giảng viên tại Thái Lan; Đỗ Phượng Như là niềm tự hào của nhạc hàn lâm Việt khi giữ vị trí solist trong dàn nhạc Moscow Philharmonic Orchestra; Lê Phi Phi học chỉ huy ở Nga rồi chỉ huy một dàn nhạc ở quốc gia này... Theo nhiều nhà chuyên môn, các nghệ sĩ nhạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài không trở về đâu phải lỗi của họ. Nếu trong nước có được môi trường tốt cho hoạt động nghề nghiệp chắc chắn thu hút họ quay về nhiều hơn, nếu như không định cư  thì cũng thường xuyên về giảng dạy hoặc biểu diễn. 

GS. TS Ngô Văn Thành kiến nghị, Nhà nước nên tập trung kinh phí cho các ngành đào tạo tài năng mũi nhọn có nhu cầu trình độ cao để tập trung phục vụ mục tiêu hội nhập quốc tế, không dàn trải nguồn kinh phí cho mục tiêu đào tạo đại trà. Học viện sớm thành lập Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ biểu diễn âm nhạc, được Nhà nước tạo điều kiện cơ chế, chính sách, tài chính và chế độ đãi ngộ thích đáng cho đội ngũ giáo viên học học sinh tài năng; xây dựng đề án mở các cuộc thi tài năng âm nhạc chuyên nghiệp cấp quốc gia, quốc tế, mở các cuộc thi từ trình độ thấp đến cao theo hướng chuyên nghiệp quốc tế, tạo điều kiện cho các tài năng có môi trường khuyến khích phát triển; phát triển mạng lưới phát hiện năng khiếu âm nhạc đặc biệt trên phạm vi toàn quốc làm nguồn cung cấp cho các lớp tài năng âm nhạc chuyên biệt…