Đáp ứng của giám định pháp y đối với thảm họa: Cần được quan tâm để góp phần giảm bớt nỗi đau cho cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xã hội ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống của con người cũng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, con người không thể tránh khỏi những thảm họa bất ngờ và khủng khiếp. Những thảm họa đó cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và để lại nỗi đau cho hàng nghìn thân nhân của họ.
Hoạt động giám định ADN tại Trung tâm Pháp y Hà Nội.
Hoạt động giám định ADN tại Trung tâm Pháp y Hà Nội.

Đối với lĩnh vực y tế, khái niệm “đáp ứng y tế đối với thảm họa” nhằm giảm nhẹ tổn thất về sinh mạng con người trong lúc thảm họa xảy ra; nhanh chóng tìm và đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, phục hồi sức khỏe, giảm thiểu di chứng cho nạn nhân; phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường sau khi thảm họa xảy ra là không mới. Tuy nhiên, đối với công tác giám định pháp y, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm nhiều, trong khi đó với những thảm họa có số lượng lớn người tử vong, vai trò của công tác giám định pháp y vô cùng quan trọng trong việc xác định nguyên nhân, nhanh chóng nhận dạng các nạn nhân để trao trả thân nhân, góp phần giảm bớt nỗi đau cho cộng đồng.

Những nỗi đau có thật

Về khái niệm thảm họa, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nêu rõ: “Thảm họa là một sự cố xảy ra làm rối loạn các điều kiện sống bình thường và gây ra sự đau khổ, tổn thất vượt quá mức khả năng tự khắc phục của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa”. Thảm họa xảy ra gây ảnh hưởng to lớn đến kinh tế, xã hội và sức khỏe của nhiều cộng đồng, nhiều quốc gia.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về thảm họa của Liên Hợp quốc, có 4 nhóm nguyên nhân gây ra thảm họa, là: thiên nhiên (do các yếu tố sinh học, địa lý, thủy văn và biến đổi khí hậu…); yếu tố công nghệ, kỹ thuật (các vụ nổ lớn, các sự cố tai nạn về phóng xạ - hạt nhân, rò rỉ phóng thích hóa chất độc hại, sự cố tràn dầu, các vụ sụp đổ công trình và tai nạn giao thông nghiêm trọng…); yếu tố xã hội (các vụ khủng bố đông người, bạo loạn hoặc tình trạng cuồng loạn của một cộng đồng cư dân…); tình trạng khủng hoảng, khẩn cấp của một cộng đồng hoặc một quốc gia (chính quyền bị mất sự quản lý, kiểm soát toàn bộ hoặc một phần do sự xung đột từ bên trong hay bên ngoài; bạo lực lan rộng làm chết nhiều người; nhân quyền bị vi phạm; nhiều người bị mất nơi sinh sống; trật tự xã hội và nền kinh tế bị phá vỡ, suy thoái…). Để thực hiện việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, theo Liên Hợp quốc, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và mỗi địa phương cần chuẩn bị, triển khai đầy đủ có hiệu quả các hoạt động trong cả 3 giai đoạn trước, trong và sau thảm họa.

Trên đây là các nội dung nêu bật sự đáp ứng y tế đối với thảm họa, còn riêng đối với giám định pháp y đối với thảm họa, việc có số lượng lớn người tử vong trong các thảm hoạ, công tác giám định pháp y không chỉ đặt ra vấn đề mổ pháp y để tìm nguyên nhân tử vong (với trường hợp có thi thể có dấu vết đặc biệt) mà còn là vấn đề nhanh chóng nhận dạng các nạn nhân trong vụ việc để trao trả thân nhân, góp phần giảm bớt nỗi đau cộng đồng.

Vụ sạt lở mỏ đá tại công trường xây dựng thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) cuối năm 2007 là bằng chứng rõ ràng về vai trò của giám định pháp y trong việc nhận dạng nạn nhân, bởi hầu hết các thi thể tại hiện trường đều không còn nguyên vẹn do bị khối lượng lớn đất đá đè lên khiến các dấu vết cá nhân trên cơ thể đều bị hủy hoại nghiêm trọng. Sau 14 ngày lặn lội tại hiện trường để nhận dạng nạn nhân, giám định viên, bác sĩ Ngô Hường Dũng - Viện Pháp y Quốc gia từng cho biết, việc chuẩn bị đối phó với thảm họa là vô cùng quan trọng từ trang thiết bị cho tới công tác tập huấn, kết nối thông tin... Cũng theo ông Ngô Hường Dũng, tại thời điểm đó, nếu cơ quan pháp y ở địa phương hoặc Trung ương là thành viên của Ban tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với vai trò tham mưu và đưa ra những phương án tác nghiệp kịp thời thì việc xác định nguyên nhân tử vong, danh tính nạn nhân sẽ rút ngắn thời gian hơn, để người thân nạn nhân đỡ phải khắc khoải chờ đợi đau đớn trong thời gian dài.

Hay mới đây nhất, vụ cháy “chung cư mini” ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vào tháng 9/2023 với 56 người tử vong, lực lượng giám định pháp y cũng gặp không ít khó khăn khi giám định nhằm đưa ra kết quả nhận dạng nạn nhân sớm nhất.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội (TTPYHN) - đơn vị trực tiếp tham gia nhận dạng nạn nhân trong vụ cháy cho biết: “Ngay khi nhận được yêu cầu của Công an thành phố Hà Nội, Trung tâm đã báo cáo ngay cho Sở Y tế, lập tức huy động toàn bộ các giám định viên, thư ký giám định tham gia cùng lực lượng Phòng PC09 Công an Hà Nội triển khai công tác ghi nhận các dấu hiệu để nhận dạng của các nạn nhân, thu thập thông tin chi tiết của các gia đình có nhân thân chưa được tìm thấy. Sau đó bằng những biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm để xác định nhân thân cho các nạn nhân. Đến rạng sáng (1h30) ngày 14/9/2023 thì 100% nạn nhân đã được xác định danh tính và trao trả cho thân nhân”.

Có trường hợp gia đình có 7 người tử vong trong vụ cháy, nhưng thi thể để ở 4 bệnh viện nên không chỉ người nhà, mà giám định viên pháp y cũng phải đi lại vất vả để thực hiện công việc nhận dạng. Trong số 7 người tử vong, một thi thể phải làm giám định ADN để xác định danh tính.

Việc đáp ứng của giám định pháp y đối với thảm họa là rất quan trọng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Việc đáp ứng của giám định pháp y đối với thảm họa là rất quan trọng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Nỗ lực để nhanh chóng nhận dạng nạn nhân

Tại các thành phố lớn, nhất là ở các nước đang phát triển, có thể xảy ra một số thảm họa như: cháy tại các khu đông dân, các khu chung cư; sập nhà cao tầng, sập cầu, cống, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hoá chất với số lượng người mắc lớn, tai nạn giao thông liên hoàn… Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc đáp ứng của giám định pháp y đối với thảm họa còn rất nhiều lúng túng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, “từ vụ việc đám cháy “chung cư mini” vừa qua tại Hà Nội, TTPYHN là một trong những đơn vị hỗ trợ giải quyết việc tìm người thân cho các gia đình nạn nhân, đưa ra một số kinh nghiệm để giúp chính quyền và các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết hậu quả vụ việc.

Cụ thể, bên cạnh việc các cơ quan chức năng nhanh chóng giải phóng hiện trường, chấm dứt cháy nổ, tai nạn, đưa các nạn nhân còn sống ra khỏi nơi nguy hiểm, đưa đi cấp cứu tại các cơ sở khám, chữa bệnh hoặc lập cơ sở sơ cứu, cấp cứu dã chiến ngay gần hiện trường vụ việc (tuỳ theo mức độ, tính chất nghiêm trọng của vụ việc); các cơ quan điều tra nhanh chóng thu mẫu, dấu vết tại hiện trường phục vụ công tác điều tra sau này..., thì tiếp theo là việc giải quyết các nạn nhân đã tử vong, giải quyết các vấn đề an sinh, trật tự xã hội và các vấn đề môi trường khác.

Đối với việc có số lượng lớn người tử vong trong các thảm hoạ, công tác giám định pháp y không chỉ đặt ra vấn đề mổ pháp y để tìm nguyên nhân tử vong mà còn là nhanh chóng nhận dạng các nạn nhân trong vụ việc để trao trả thân nhân. Đầu tiên tập trung các nạn nhân về nơi có đủ điều kiện bảo quản thi hài nạn nhân và yêu cầu các gia đình tập trung về cùng một địa điểm; Ghi nhận các dấu vết nhận dạng cơ thể (hình xăm, đặc điểm răng, tóc, sẹo mổ…), quần áo, trang sức… của từng nạn nhân; tạo bản ảnh riêng của từng người. Nên phân loại nạn nhân nam, nữ, trẻ em, người già và trung niên để phân nhóm nhận dạng cho các gia đình dễ tiếp cận thông tin, giảm bớt tình trạng người nhà chạy các nơi để tìm người thân. Sau khi sơ bộ nhận dạng được nạn nhân qua ảnh sẽ cho các gia đình lần lượt vào nhận dạng trực tiếp. Công tác khám giám định pháp y sẽ làm là thực hiện khám ngoài và thu mẫu máu hoặc mô, tóc để làm xét nghiệm cần thiết (độc chất, ADN…).

Đối với những trường hợp thi thể bị biến dạng không thể nhận dạng hoặc nghi ngờ không chắc chắn đúng người thân sẽ tiến hành thu mẫu của gia đình nạn nhân (người có quan hệ huyết thống với nạn nhân) để tiến hành giám định ADN xác định danh tính.

Các trường hợp đã chắc chắn nhận dạng được người thân thì các cơ quan chức năng tiến hành trao trả nạn nhân cho gia đình để tiến hành mai táng (làm hồ sơ giao nhận, có bản ảnh, thông tin cụ thể của nạn nhân, địa chỉ, tên tuổi… và thông tin cụ thể của người nhà, địa chỉ đưa thi thể nạn nhân về, ký cam kết về pháp y tử thi….). Những trường hợp cần đợi kết quả xét nghiệm ADN thì tiếp tục lưu bảo quản tử thi chờ kết quả xét nghiệm”.

Cũng theo bà Yến, sau khi đã đưa hết nạn nhân còn sống và đã tử vong ra khỏi hiện trường, các cơ quan tiến hành nghiên cứu hiện trường xong thì bên cạnh việc chính quyền xử lý, dọn dẹp hiện trường, hỗ trợ cho gia đình người bị nạn, các TTPY vẫn tiếp tục thực hiện các xét nghiệm cần thiết đối với các mẫu đã thu được của nạn nhân theo yêu cầu của cơ quan điều tra và gia đình nạn nhân, cho đến khi 100% nạn nhân được gia đình nhận dạng và cả trong công tác giám định pháp y thương tích (nếu có).

Thông thường sau mỗi vụ thảm họa, khi thời gian tìm kiếm nạn nhân kéo dài thì việc xác nhận danh tính nạn nhân bằng nhận diện khuôn mặt, vóc dáng, vân tay, vết bớt, vết xăm… không thể đưa ra được một câu trả lời chính xác. Các chuyên gia phải nhờ đến xét nghiệm ADN để có thể xác định danh tính và trả nạn nhân về gia đình của họ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp y, trong nhiều trường hợp việc xét nghiệm ADN nạn nhân để đối chiếu với thân nhân của họ mất rất nhiều thời gian vì con số nạn nhân không hề nhỏ. Vì thế, từ góc nhìn của giám định pháp y, thẻ ADN cá nhân cũng góp một vai trò không nhỏ trong vấn đề này. Nếu như mỗi người đều có một thẻ ADN cá nhân thì chắc chắn việc xác định danh tính sẽ đơn giản hơn rất nhiều, rút ngắn thời gian cho nhà chức trách và có thể xoa dịu phần nào nỗi đau cho thân nhân của họ.

Đọc thêm