Hàng trăm lượt hộ nghèo được tiếp cận vốn chính sách
Khi khai trương và đi vào hoạt động ngày 30/05/2003 theo Quyết định số 60/QĐ-HĐQT ngày của chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng chỉ có đội ngũ cán bộ, nhân viên trên 20 người và nguồn vốn hoạt động 102 tỷ đồng nhận bàn giao từ các Ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để cho vay chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm.
Đến nay, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được bộ máy hoạt động gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả: ngoài bộ máy điều hành, tác nghiệp gồm 129 cán bộ, viên chức tại Hội sở tỉnh và 11 Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thành phố (bình quân 01 Phòng giao dịch có 09 người), chi nhánh còn có sự tham gia quản trị của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở với 286 thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, trong đó có 147 Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Ông Huỳnh Thanh Lân- Giám đốc NHCSXH Lâm Đồng cho biết, NHCSXH tỉnh đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên) thông qua mạng lưới trên 2.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, tổ dân phố trong tỉnh. Qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Năm 2003, chi nhánh mới thực hiện 3 chương trình cho vay là: hộ nghèo, học sinh và sinh viên và giải quyết việc làm, đến nay đã cho vay 13 chương trình tín dụng và đều hướng tới giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, tạo thêm nguồn nhân lực có tri thức, có tay nghề.
Trong 15 năm qua, chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng đã chuyển tải nguồn vốn hơn 7.300 tỷ đồng đến trên 529 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách nhanh chóng, thuận lợi. Dư nợ tính đến hết tháng 6/2017 đạt 2.759 tỷ đồng, tăng 28,3 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 26,7%, với trên 98 nghìn khách hàng đang dư nợ. Từ đó cho thấy các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện đang dần phủ kín các nhu cầu cơ bản của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hướng đến nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn so với mặt bằng chung trong xã hội.
Xuất phát từ nhu cầu của người dân được thực hiện dịch vụ ngân hàng ngay tại cơ sở, với sự giúp đỡ và tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đến nay chi nhánh đã thành lập 147 Điểm giao dịch xã tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, làm việc theo lịch cố định hàng tháng (kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ) đã tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiếp cận vốn tín dụng chính sách của người dân.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm là khá cao cùng với chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao. Đến hết tháng 6/2017, nợ xấu chỉ chiếm 0,44% tổng dư nợ (trong đó nợ quá hạn chiếm 0,19%, nợ khoanh chiếm 0,25% trên tổng dư nợ). Tỷ lệ thu lãi hàng năm đều đạt trên 98%.
Giám đốc NHCSXH Lâm Đồng vui mừng cho hay: “Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đầu tư cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới đã góp phần giúp 58 xã và huyện Đơn Dương được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới”.
Đảm bảo 100% hộ có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận tín dụng chính sách
Trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tình hình thực tế tại địa phương, mục tiêu tổng quát của NHCSXH từ nay đến năm 2020 là “Xây dựng hệ thống NHCSXH trở thành một Ngân hàng hiện đại, vừa làm tốt chức năng tín dụng ưu đãi của Nhà nước vừa phát triển nhiều dịch vụ tài chính đối với người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác”.
Đặc biệt, hướng tới việc 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 8-10%; hàng năm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 1,5 - 2%, tạo việc làm mới từ 7.000 - 9.000 lao động; duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2% tổng dư nợ; triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin mới theo hướng hiện đại, phù hợp thông qua các sản phẩm dịch vụ mới như Internet Banking, Mobile Banking, phát hành thẻ.
Qua 15 năm hoạt động, được sự quan tâm chỉ đạo của NHCSXH, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp đầy trách nhiệm của các cơ quan, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, sự hợp tác của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm.
NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2013; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2007; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH công nhận là đơn vị xuất sắc nhất toàn hệ thống năm 2010, đơn vị xuất sắc nhất khu vực Tây Nguyên trong 07 năm và nhiều hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành và của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc NHCSXH Lâm Đồng hy vọng rằng, sau những thành quả đạt được trong 15 năm hình thành và phát triển, với chặng đường tiếp theo, chi nhánh NHCSXH Lâm Đồng tiếp tục phấn đấu, đoàn kết, đồng tâm nhất trí, củng cố những thành quả đã đạt được, tận dụng những thuận lợi và cơ hội mới, phát huy bài học kinh nghiệm, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dụng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.