Dấu ấn mới ngành Nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Tính hết tháng 11/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 48 tỷ USD với 9 mặt hàng trong nhóm xuất khẩu tỷ đô. Có thể nói, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế và ngày càng có nhiều dấu ấn mới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh khủng hoảng tại một số lĩnh vực trên toàn cầu, xuất khẩu nông sản vẫn là mặt hàng thích ứng tốt bậc nhất so với các ngành hàng khác. Trước hết từ nhu cầu ăn để tồn tại, từ an ninh lương thực; sau nữa là nhờ chất lượng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Những sản phẩm nông nghiệp đã và đang góp phần tạo nên thương hiệu Việt Nam.

Quá trình cơ cấu nông nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo sự ổn định xã hội.

Ở góc độ chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Có nhiều vấn đề từ chính sách vĩ mô, quy hoạch, đầu tư, phát triển nông nghiệp xanh, chính sách thuế, thông tin, kết nối...

Tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC)” tại Nhật Bản (ngày 18/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói đến việc phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Việt Nam. Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" được xem là một sự thay đổi to lớn đối với ngành hàng lúa gạo tại vựa lúa lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết. Làm sao để thực hiện mô hình trên thửa ruộng có lúa, có cả cá. Rồi còn những câu chuyện về đầu tư cho nông nghiệp, nông dân có thể gặp rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hết…

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, một số đại biểu đã đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp; tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân; tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công trình phục vụ phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh đó, là vấn đề quy hoạch trong nông nghiệp; ngành ngân hàng cần có thêm các chính sách hiệu quả đồng hành với DN nông nghiệp, dành ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn để hóa giải những thách thức mà các DN trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp phải...

Những tồn tại "được mùa - mất giá", "giải cứu nông sản", trong tương lai cần được sớm chấm dứt, để nông dân yên tâm sản xuất trên đồng ruộng, vườn tược. Đất nước xuất phát từ nông nghiệp, nông dân Việt Nam vốn làm lúa giỏi, là những yếu tố thế mạnh cần phát huy tối đa.

Đọc thêm