Nhiều chuyên gia đề xuất đưa phân bón và vật tư nông nghiệp vào diện chịu thuế VAT

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lo ngại ngành phân bón trong nước có nguy cơ “đi thụt lùi” vì mất sức cạnh tranh với phân bón ngoại, người nông dân phải mua với giá cao khi doanh nghiệp đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm… nhiều chuyên gia đồng thuận đề xuất đưa phân bón và vật tư nông nghiệp vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) với mức thuế suất 5%.
Theo các chuyên gia, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% là phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% là phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Không áp thuế, Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân đều chịu thiệt

Phân bón là vật tư quan trọng số một bởi nó chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt chiếm 64 - 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Nhằm hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân, tháng 11/2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13), chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế. Tưởng chừng khi thay đổi chính sách như vậy sẽ có lợi cho doanh nghiệp và người nông dân, nhưng trên thực tế, khi mặt hàng này không chịu thuế thì ngành sản xuất phân bón trong nước lại phát sinh nhiều bất cập.

Chia sẻ tại hội thảo “Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp” tổ chức ngày hôm qua, TS. Bùi Thị Mến, Chủ nhiệm bộ môn Thuế - Tài chính công, Học viện Ngân hàng cho biết, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Phần lớn các nước này đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT ở khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.

TS. Bùi Thị Mến, Chủ nhiệm bộ môn Thuế - Tài chính công, Học viện Ngân hàng phát biểu tại buổi Hội thảo.

TS. Bùi Thị Mến, Chủ nhiệm bộ môn Thuế - Tài chính công, Học viện Ngân hàng phát biểu tại buổi Hội thảo.

Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại gặp nhiều khó khăn do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm. Điều này khiến giá thành sản phẩm tăng 5 - 8%, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Đồng thời không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Theo TS. Bùi Thị Mến, việc chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế không chỉ doanh nghiệp chịu thiệt mà Nhà nước và nông dân cũng đều chịu thiệt. “Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%. Còn nông dân phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm - như vậy mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân cũng không đạt được” - TS. Bùi Thị Mến nhận định.

Nên đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%

Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp bao gồm nhiều loại nhưng thị phần trị giá lớn nhất vẫn là các mặt hàng là phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; thức ăn chăn nuôi.

Từ năm 2008 trở về trước các mặt hàng này thuộc diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%, đồng thời thuế VAT của nguyên liệu, vật tư đầu vào được khấu trừ toàn bộ. Tuy nhiên, tại lần xem xét sửa đổi các Luật về thuế (năm 2014), các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất phân bón, cơ khí nêu ra rất nhiều khó khăn và các Hiệp hội doanh nghiệp các ngành hàng này đã có đề xuất rất gay gắt, quyết liệt là đưa vào diện chịu thuế suất 0%.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chia sẻ tại Hội thảo.

“Sau 8 năm thực hiện, quy định không chịu thuế đã gây khó khăn cho cả nông dân và các doanh nghiệp sản xuất vì chúng ta đã hạ dần mức bảo hộ về thuế đối với các mặt hàng này và áp thuế VAT thống nhất giữa hàng nhập khẩu với hàng cùng loại sản xuất trong nước nên hàng nhập khẩu luôn bám theo hàng trong nước để hưởng lợi”, ông Phụng nói.

Cũng theo ông Phụng, nền kinh tế của Việt Nam chuyển dần sang kinh tế thị trường nên giá bán do doanh nghiệp và người mua đồng thuận, khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón và máy nông nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào buộc phải cộng vào giá thành, nên sẽ tăng giá bán cho người nông dân, như vậy người nông dân sẽ là đối tượng chịu thiệt và không đảm bảo được mục tiêu của chính sách là hỗ trợ cho người nông dân.

Từ đó, ông Phụng cho rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên sửa đổi thuế VAT đối với phân bón theo hướng quay trở lại như năm 2008 trở về trước. Tức là đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%.

Theo ông Phụng, không chỉ sửa đổi đối với phân bón mà nên áp dụng đối với cả máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp.

“Việc đưa vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% không chỉ phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế, mà cũng là mở rộng diện chịu thuế, mở rộng cơ sở thuế như Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030”, ông Phụng bày tỏ.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thùy Dương - Viện Ngân hàng, Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc Dân).

PGS.TS. Nguyễn Thị Thùy Dương - Viện Ngân hàng, Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc Dân).

Đồng tình ý kiến, PGS.TS. Nguyễn Thị Thùy Dương - Viện Ngân hàng, Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc Dân) cho rằng, hiện nay Việt Nam đang nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Các nước này phần lớn đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT. Mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế VAT tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập, cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất tại thị trường Việt Nam.

Trước thực tiễn trên, bà Dương đề xuất chuyển phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, bà Dương cho rằng cần xem xét hài hoà với các thuế khác đánh vào mặt hàng phân bón như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đồng thời, cần kiểm soát hoạt động xuất khẩu phân bón để không làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước. “Thuế suất thuế xuất khẩu phân bón cần thống nhất theo mã HS và duy trì ở mức cao hơn 0% (phân bón DAP, NPK hiện vẫn có mức 0%)”, bà Dương nói.

Tại Hội thảo, nhiều diễn giả như: PGS.TS. Lý Phương Duyên, Giảng viên cao cấp Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính; Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Manabox Việt Nam… cũng đều nhất trí rằng, trong quá trình sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng tới đây, cần đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Huỳnh Tất Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, phân bón là một trong những vật tư quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, Việt Nam sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón, và vẫn phải nhập khẩu các loại phân bón chưa tự sản xuất được. Vì vậy, những chính sách về thuế về vật tư nông nghiệp, đặc biệt liên quan đến phân bón rất quan trọng. Chính sách thuế đưa ra cần có sự điều tiết hài hòa, để tất cả các thành phần tham gia đều có lợi ích chung, bền vững, duy trì được sự ổn định.

Đọc thêm