Dấu ấn tín dụng chính sách trên cao nguyên Chư Sê

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -   Đến tháng 4/2025, là tròn 22 năm các chương trình tín dụng chính sách được triển khai tại huyện Chư Sê, nằm ở phía nam tỉnh Gia Lai, giúp cho vùng đất này có những đổi thay rõ rệt, no ấm, trù phú hơn hẳn những năm xưa. Và trong hành trình của tín dụng chính sách ấy, có vai trò quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện.
Cán bộ tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Sê luôn gắn bó, tận tâm hộ trợ người dân vay vốn, sử dụng vốn hiệu quả trong phát triển sản xuất.
Cán bộ tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Sê luôn gắn bó, tận tâm hộ trợ người dân vay vốn, sử dụng vốn hiệu quả trong phát triển sản xuất.

Thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách

Ngay từ những ngày đầu thành lập, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị xã hội nhận dịch vụ ủy thác, cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó của những cán bộ tín dụng chính sách nên nhiều công việc như hoàn thành việc nhận bàn giao tài sản, các nguồn vốn tín dụng thương mại, các nguồn vốn ngân sách địa phương, đặc biệt với quyết tâm tập trung huy động các nguồn lực tài chính cùng với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Tính đến 31/3/2025, kết thúc cuộc hành trình 22 năm của tín dụng chính sách và an sinh xã hội, NHCSXH huyện Chư Sê đã triển khai 14 chương trình tín dụng, vượt 12 chương trình so với năm 2003, với tổng dư nợ đạt 499.956 triệu đồng, tăng gấp 174 lần so với hồi đầu thành lập (2003), tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm 9,04% với hơn 10 ngàn khách hàng dư nợ, bình quân dư nợ gần 45 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn chiếm tỷ trọng có 0,11% trong tổng dư nợ.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Chư Sê họp đầu quý 2/2025.

Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Chư Sê họp đầu quý 2/2025.

Sau 22 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/ NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là khi triển khai Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đồng vốn từ NHCSXH huyện Chư Sê, đã đầu tư đúng đối tượng, đạt hiệu quả, giúp người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Cụ thể giai đoạn 2014-2024 nguồn vốn vay đã giúp cho 9.820 lượt hộ nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết tạo việc làm cho 2.904 lao động, giúp 2.261 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giải quyết cho 37 đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động, xây dựng 15.597 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp 78 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện Chư Sê những năm tháng qua được lãnh đạo với nhân dân vùng đất cao nguyên ngợi khen, tin tưởng. Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT - NHCSXH Chư Sê, bà Rmah HBé Nét khẳng định: Nguyên nhân làm cho vùng đất đỏ Ba zan phía nam tỉnh Gia Lai thì có nhiều, nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là NHCSXH đã tập trung nguồn vốn tín dụng khá lớn, gần 500 tỷ đồng ưu tiên, đầu tư cho hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH Chư Sê hoạt động hiệu quả , giải ngân nhanh giúp dân kịp vào vụ sản xuất.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH Chư Sê hoạt động hiệu quả , giải ngân nhanh giúp dân kịp vào vụ sản xuất.

Già làng A Mơ, ông Puh Lách chia sẻ: “Thật là thần kỳ hơn cả thần rừng, thần núi. Mới đó thôi, cái đói, cái rét cứ bám lấy dai dẳng từng nhà dân, khắp thôn làng nay đã bị đẩy lùi bởi được sự giúp đỡ của Nhà nước, của các cấp, các ngành cùng với sự đầu tư của các chương trình, dự án, trong đó có nguồn vốn ưu đãi do NHCSXH huyện cho dân mình vay thuận lợi”.

Nhiều năm qua, với đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức của NHCSXH huyện Chư Sê đã nỗ lực vượt khó, bám sát cơ sở, hối hả chuyển tải gần 500 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến khắp thôn làng, tổ dân phố thuộc 15 xã, thị trấn đến từng hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần làm cho Chư Sê ngày càng phát triển nhanh, bền vững, trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh Gia Lai. Đặc biệt kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm từ 20,76% xuống còn 3,03%, toàn huyện có 12/14 xã về đích nông thôn mới.

Đạt kết quả này, theo giám đốc kiêm Bí thư Chi bộ NHCSXH huyện Chư Sê, ông Nguyễn Đình Lý, trước hết do cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định việc giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, vừa cơ bản vừa lâu dài để từ đó tạo điều kiện cho NHCSXH tập trung huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối, trong đó, chú trọng khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động.

Cụ thể, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, HĐND và UBND huyện Chư Sê đã ưu tiên chuyển gần 15 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH, nâng tổng nguồn vốn chính sách toàn huyện đến 31/3/2025 đạt 500 tỷ đồng.

Đổi mới quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách

Song song với việc thực hiện tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, NHCSXH huyện Chư Sê đã khẩn trương xây dựng và thực hiện được mô hình tổ chức cũng như phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực hiện của địa phương. Đó là mạng lưới có độ che phủ khắp địa bàn miền núi rộng lớn, bao gồm gần 15 Điểm giao dịch tại xã và 261 Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, làng, tổ dân phố, không những làm điều kiện tiên quyết để xóa tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước, mà còn tạo thuận tiện cho việc chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng, đến đủ các địa chỉ và đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, an toàn, tiết kiệm.

Giám đốc NHCSXH huyện Chư Sê - ông Nguyễn Đình Lý.

Giám đốc NHCSXH huyện Chư Sê - ông Nguyễn Đình Lý.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ công nhân viên chức của NHCSXH huyện thường xuyên được đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhiệm vụ được giao, luôn tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Cùng với đó, đơn vị còn chú trọng thực hiện phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay từ NHCSXH, phương thức cho vay này đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội từ huyện đến thôn, làng, tổ dân phố tạo nên một kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hữu hiệu, tin cậy đối với nhân dân, góp phần tiết giảm chi phí xã hội. Qua đó các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng phát huy được thế mạnh, khả năng của mình trong việc tập hợp lực lượng, củng cố hoạt động của tổ chức Hội, đoàn thể.

Hiện tại, 4 tổ chức chính trị xã hội huyện là các Hội nông dân, phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên tham gia quản lý 11.376 hộ vay vốn, với số tiền 456 tỷ đồng, chiếm 99,82% tổng dư nợ tín dụng

"Công cụ" hữu hiệu giúp dân giảm nghèo bền vững, xây đời sống mới

Phó chủ tịch UBND xã Trịnh Khắc Dương cho biết, từ nguồn vốn ưu đãi, UBND xã đã xây dựng kế hoạch rà soát đối tượng thụ hưởng bình xét hộ dân để hỗ trợ. Hiện nay các dự án đã trình UBND huyện phê duyệt như: Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với số vốn nhà nước 1,624 tỷ đồng (người dân đổi ứng làm chuồng trại và quay vòng vốn), UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai cho 122 hộ nghèo và cận nghèo tham gia dự án.

Cán bộ NHCSXH tới thăm mô hình kinh tế của người dân.

Cán bộ NHCSXH tới thăm mô hình kinh tế của người dân.

Đối với các dự án khác, UBND xã đang tiến hành hoàn thiện, trình thẩm định hỗ trợ giúp người dân tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi trong đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên.

Từng thuộc diện hộ nghèo của xã Ayun, gia đình ông Đinh Huin (làng A Chông) đã sử dụng nguồn vốn chính sách nuôi 3 con bò sinh sản, đến nay đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên 7 con. “Gia đình mình được Nhà nước hỗ trợ vay vốn để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, gia đình còn có 1 ha mì và lúa. Nhờ được hướng dẫn về kỹ thuật trồng chăm sóc nên cây trồng phát triển tốt. Gia đình mình cố gắng năm nay sẽ thoát nghèo”, ông Huin phấn khởi nói.

Nhờ nguồn vốn tín dụng nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

Nhờ nguồn vốn tín dụng nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

Để duy trì và tiếp tục phát huy những thành tích đạt được NHCSXH huyện Chư Sê đã chủ động tập trung huy động mọi nguồn lực, đồng thời tích cực truyền tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, đối tượng thụ hưởng, tăng cường củng cố hoạt động ủy thác của các hội đoàn thể, phấn đấu thực hiện hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30/12/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; đặc biệt khẩn trương bố trí, sắp xếp lại mạng lưới Điểm giao dịch xã và cán bộ tín dụng phù hợp nhằm đảm đương nhiệm vụ.: gần dân, phục vụ tốt hơn các đối tượng, chính sách ngay sau khi địa bàn sau sát nhập rộng lớn và dư nợ tín dụng chính sách cũng tăng thêm.

Đọc thêm