Đấu giá trực tuyến để hạn chế “quân xanh, quân đỏ”

(PLO) - Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đưa ra tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Đấu giá tài sản; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức sáng 12/12.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại buổi họp báo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại buổi họp báo.

Bổ sung đấu giá trực tuyến

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Luật Đấu giá tài sản sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay; đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan và đã có sự tham khảo kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Trong đó, Luật đã quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ” móc nối, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá như việc bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến. Luật cũng quy định việc niêm yết thông tin đấu giá tài sản phải được công khai rộng rãi, minh bạch; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, thuận lợi; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá; thủ tục đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai, liên tục nhằm tránh tình trạng cản trở hoặc hạn chế người tham gia đấu giá. Luật xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đấu giá nhằm tránh gây thất thoát tài sản nhà nước.

Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá. Theo đó, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết Luật Đấu giá tài sản có 8 chương, 81 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Riêng quy định tại khoản 4 Điều 80 về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản; chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí dịch vụ đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản… có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017. 

243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng thông tin, Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư được xây dựng trên cơ sở cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm; bổ sung một số ngành, nghề cần thiết nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. 

Quán triệt quan điểm trên, theo Thứ trưởng Đông, ngoài việc bổ sung ngành “kinh doanh pháo nổ” là ngành cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư, Luật còn bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí và mục đích quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư hoặc ngành, nghề có thể quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các ngành, nghề mà qua rà soát được xác định không phải ngành, nghề kinh doanh.

Luật cũng bổ sung 15 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa đổi, tách, hợp nhất 67 ngành, nghề thành 48 ngành. Để bảo đảm thực hiện quy định về việc bãi bỏ ngành “Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu” và “Kinh doanh dịch vụ lập, thẩm tra xây dựng dự án đầu tư xây dựng”, Luật bãi bỏ khoản 1 Điều 19 Luật Đấu thầu và Điều 151 Luật Xây dựng. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, trừ quy định về 2 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: “Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” và “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân

Cũng trong sáng qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Thông tin về Luật này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có 9 chương, 68 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo… Luật cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” bằng quy định chủ thể thực hiện quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người.

Phó Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà cho biết thêm, Luật có 12 điểm mới căn bản so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; khẳng định đúng với quan điểm của Hiến pháp 2013 là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người chứ không phải là quyền công dân như trước đây bằng việc dành hẳn 1 chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo tốt nhất quyền của tổ chức cá nhân khi tham gia các hoạt động của tổ chức tôn giáo… Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.

Đọc thêm