Đấu khẩu với khán giả, nghệ sĩ được, mất gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có không ít nghệ sĩ đã sa đà vào các cuộc tranh cãi, đấu khẩu với khán giả, không bên nào chịu nhường bên nào. Và kết quả là họ mất nhiều hơn được.

Những cuộc khẩu chiến không hồi kết

Nếu nói đến cuộc khẩu chiến đình đám nhất giữa nghệ sĩ và khán giả năm vừa qua, có lẽ đình đám nhất vẫn là câu chuyện “khán giả có nuôi nghệ sĩ hay không”.

Sự việc xuất phát từ bài viết của một đạo diễn sân khấu nội dung xoay quanh “Khán giả không nuôi nghệ sĩ” và “nghệ sĩ không cần tri ân khán giả”. Đạo diễn viết: “Xã hội luôn có sự phân công lao động nên bất cứ đóng góp của ngành nghề nào cũng được trân trọng… Vậy mà nghệ sĩ sống bằng nghề nghiệp thì phải mang ơn khán giả, phải nghĩ là được khán giả nuôi, phải tri ơn khán giả, phải quan niệm là chén cơm của mình là khán giả ban cho? Ủa, sao ngộ vậy?”.

Bên dưới bài viết, có không ít nghệ sĩ vào bày tỏ sự đồng tình với đạo diễn nói trên. Không chỉ thế, nhiều nghệ sĩ khác bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân, cho rằng “không có chuyện khán giả nuôi nghệ sĩ”.

Vị đạo diễn sân khâu châm ngòi cho cuộc khẩu chiến bằng phát ngôn “khán giả không nuôi nghệ sĩ”.

Vị đạo diễn sân khâu châm ngòi cho cuộc khẩu chiến bằng phát ngôn “khán giả không nuôi nghệ sĩ”.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang phân tích: “Người nghệ sĩ cũng cần khán giả đến xem, nhưng không cần khán giả nuôi. Nghệ thuật phải bỏ sức lao động mới có, khán giả cũng phải bỏ sức lao động thì mới có tiền mua vé vào xem nghệ sĩ trình diễn, để rồi người nghệ sĩ ngày mai lại ra chợ mua gạo của khán giả bán. Vậy thì cuối cùng ai nuôi ai? Không ai nuôi ai cả”.

Về phần mình, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên cho rằng, chữ nuôi có nghĩa là một bên cho và một bên nhận, bên nhận không cần phải trả lại bằng bất cứ hình thức nào. Chẳng hạn như cha mẹ nuôi con. Con không cần làm gì hết, cha mẹ vẫn nuôi, lo ăn, lo học, cấp dưỡng mọi thứ.

“Còn nói khán giả nuôi nghệ sĩ thì chỉ đúng nếu khán giả trả tiền mà nghệ sĩ không cần làm gì cả, không cần ca hát, đàn, diễn, múa... nói chung là chỉ “ngậm miệng ăn tiền. Đó mới gọi là nuôi”, Nguyễn Cao Kỳ Duyên khẳng định.

Một nghệ sĩ khác, MC Quốc Bình đồng quan điểm với đạo diễn Bùi Quốc Bảo: “Tất cả chúng ta hoạt động ở nhiều ngành nghề đều nuôi sống lẫn nhau chứ chẳng ai được người khác nuôi không cả”. Anh còn nhấn mạnh: “Đừng cho rằng khán giả là người nuôi sống nghệ sĩ nữa nhé, vì nghệ sĩ cũng phải bỏ tiền mình kiếm được để mua các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… do người khác tạo ra và như thế là nghệ sĩ cũng đang nuôi sống người khác đấy thôi”.

Còn không ít nghệ sĩ cũng lên tiếng, cho rằng quả thật nghệ sĩ không được khán giả nuôi, không cần tri ân khán giả, thậm chí cá biệt có người cho rằng khán giả phải “cảm ơn nghệ sĩ”. Những quan điểm này đã gặp phải làn sóng phẫn nộ từ công chúng. Khán giả cho rằng, nghệ sĩ suy nghĩ như thế là “vô ơn”, phủ nhận những thành quả đã đạt được đến từ sự yêu thương của khán giả.

Sự việc chưa dừng lại khi nhiều nghệ sĩ đăng đàn cãi nhau với khán giả trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội. Có những nghệ sĩ thì tự viết bài đăng đầy bức xúc trên trang cá nhân, kéo theo không ít nghệ sĩ khác vào mỉa mai, nói xấu khán giả. Cuộc khẩu chiến này kéo dài đến vài tháng trời, và cuối cùng, một số nghệ sĩ xin lỗi khán giả, một số nghệ sĩ khác vẫn tỏ thái độ bất cần.

Chuyện nghệ sĩ cãi nhau với khán giả không phải là chuyện hiếm hoi. Nữ ca sĩ chuyển giới Hương Giang cũng từng có một cuộc “khẩu chiến” quyết liệt với khán giả. Khi một bộ phận cư dân mạng lập các group “anti Hương Giang”, nữ ca sĩ đã đăng đàn chỉ trích ngược khán giả. Sau đó, cô dọa kiện những người nói xấu mình và đăng cả những hình ảnh để chứng minh cô đã báo công an làm việc với những người nói xấu cô trên mạng. Cuộc đấu khẩu qua lại cũng kéo dài nhiều tháng trời khiến cho hai bên không còn muốn nhìn mặt nhau.

Nhiều nghệ sĩ khác cũng từng sa đà vào các cuộc từ tranh luận đến cãi nhau với khán giả. Có nghệ sĩ, bức xúc vì khán giả nói xấu mình. Có nghệ sĩ, bị chê sản phẩm không tốt, hát chưa hay, diễn còn cứng, liền lên đáp trả chan chát với khán giả, cho rằng khán giả thiếu công bằng, hoặc thậm chí chưa hiểu hết ý đồ của nghệ sĩ. Và lẽ dĩ nhiên, những lời đáp trả đó dễ dàng dẫn đến những mâu thuẫn gay gắt giữa đôi bên.

Hoa hậu chuyển giới Hương Giang đánh mất tình cảm trong lòng người hâm mộ bởi “khẩu chiến” với khán giả.

Hoa hậu chuyển giới Hương Giang đánh mất tình cảm trong lòng người hâm mộ bởi “khẩu chiến” với khán giả.

Được gì và mất gì?

Nếu nói nghệ sĩ tranh cãi với khán giả sẽ được những gì, có lẽ khó ai trả lời. Hoặc, thứ duy nhất mà họ đạt được chính là sự thỏa mãn cơn nóng giận nhất thời, là cái tôi được hả dạ.

Nhưng, trong cuộc tranh luận với khán giả, dầu hai bên, bên nào đuối lý đi nữa, thì phần thua bao giờ cũng thuộc về nghệ sĩ. Đó là cái “thua” về lòng người, về cảm tình. Bởi, sau mỗi một cuộc khẩu chiến như thế, trong mắt khán giả, nghệ sĩ chỉ là một kẻ háo thắng, thích cãi cọ, thiếu tôn trọng khán giả.

Như cuộc “khẩu chiến” dai dẳng khán giả có nuôi nghệ sĩ hay không nói trên, dù không phân định đúng sai, nhưng câu nói ấy mãi mãi còn đó, như cái dằm trong lòng khán giả. Từ sau cuộc cãi nhau đình đám ấy, dường như vị thế của làng giải trí Việt đã ít nhiều sứt mẻ đi trong lòng công chúng.

Hơn nửa năm trôi qua, nhưng giờ đây, thi thoảng, có scandal nào xảy ra đối với nghệ sĩ, vẫn không ít khán giả nhắc lại chuyện cũ, để khẳng định rằng, nghệ sĩ có coi khán giả là người nuôi sống mình đâu, khán giả có là gì trong lòng của nghệ sĩ đâu? Một hố sâu ngăn cách giữa khán giả và nghệ sĩ cũng đã hình thành từ ngày ấy, mà không biết các nghệ sĩ, với bao nhiêu thời gian và nỗ lực mới có thể lấy lại được.

Hay như sự việc của Hương Giang. Cô từng là một nghệ sĩ đáng nể trong lòng công chúng. Công chúng yêu mến, nể phục bởi cô là nghệ sĩ chuyển giới đầu tiên trong nước đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp nghệ thuật đến như thế. Cô đã vượt qua hoàn cảnh, qua mọi định kiến để khẳng định chính mình trong làng giải trí Việt Nam và khu vực.

Thế nhưng, dường như mọi tình yêu mến ấy đã không còn nữa sau những cuộc cãi vã vô bổ. Dù rằng cuối cùng Hương Giang đã phải “chịu thua”, viết tâm thư xin lỗi, nhưng mọi thứ đã quá trễ tràng.

Chuyện nghệ sĩ bị “anti”, bị khán giả không ưa, nói thế này thế kia cũng là chuyện thường trong làng giải trí. Nhưng đáng ra, Hương Giang nên tiếp nhận những lời nói không hay, sự không thích của khán giả với một tâm thế khác, mang theo sự cầu thị thì từ đầu, mọi chuyện đã khác đi nhiều. Nếu mở lòng ra với khán giả, cô có thể sẽ “hóa thù thành bạn”, biến lượng antifan thành khán giả trung thành. Đáng tiếc, để cho sự ngạo mạn và cái tôi lấn át, cô đã đánh mất đi sự quý trọng của khán giả.

Đến nay, dù mọi chuyện đã qua khá lâu, nhưng Hương Giang vẫn không thể trở lại vị trí như xưa trong lòng khán giả lẫn trong showbiz Việt.

Nghệ sĩ, nếu phát sinh mâu thuẫn với khán giả, có lẽ việc đầu tiên nên làm là nhìn nhận đúng sai từ phía bản thân mình, đồng thời, coi những lời chỉ trích là động lực để thay đổi, với tâm thế học hỏi, tiếp thu và sửa mình, thì sẽ dễ dàng dập tắt được ngọn lửa khẩu chiến, giữ vững được vị trí trong lòng người hâm mộ.

Nhưng có lẽ, tốt hơn hết, một nghệ sĩ có bản lĩnh, có tầm sẽ không bao giờ để xảy ra những cuộc tranh luận, dù lớn dù nhỏ với người hâm mộ. Những nghệ sĩ bản lĩnh hầu như có thể ngăn chặn những cuộc tranh cãi trước khi nó kịp bùng ra bởi trong lòng họ, khán giả luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Họ yêu quý, tri ân khán giả và lấy cả tấm lòng ra đối đãi với khán giả.

Ta có thể thấy được hành xử chuẩn mực ấy ở nhiều ngôi sao danh tiếng trong làng nghệ thuật Việt: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, hay những thế hệ nghệ sĩ kế cận như Mỹ Tâm, Lam Trường, Đan Trường... Họ chính là những tấm gương để các nghệ sĩ trẻ đang đặt cái tôi quá cao cần học hỏi. Bởi, “bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”.