Đau lòng nghề hít thuốc độc, "tay không" nhặt kim tiêm

Phế liệu được thu mua về đây mang ra phân loại có cả kim tiêm (rác thải y tế), các chai nhựa chứa thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Đối với những phế thải độc hại này, người lao động vẫn phân loại bằng tay. Chị Thu giải thích, “đeo găng tay vào làm không thật tay, năng suất thấp".

[links()]Như PLVN đã phản ánh, phường Tràng Minh, quận Kiến An (TP.Hải Phòng) "nổi danh" là phường ô nhiễm, phường ung thư. Tại đây, có những người chuyên nghề hít khí thái CO2 để phân loại nhựa.

Số ca mắc ung thư tại Tràng Minh tăng qua các năm

Nhọc nhằn mưu sinh

Theo ông Bùi Lâm Hiển, Chủ tịch UBND phường Tràng Minh, nghề thu mua, tái chế phế liệu trên địa bàn không kén người làm, phụ nữ, người già tổ chức thu mua, phân loại, vệ sinh phế liệu giấy, phế liệu nhựa trước khi tái chế; thanh niên trai tráng làm những việc nặng hơn như bốc vác, đóng gói, phân loại phế liệu cứng như tôn, sắt thép, phế liệu độc hại, đứng máy say, máy nghiền phế liệu.

Theo ông Hiển, ngoài ra, nhiều người dân trên địa bàn còn cùng với chiếc xe đạp rong ruổi các làng trên, xóm dưới của các huyện ngoại thành Hải Phòng để thu mua phế liệu "di động".

Bà Phạm Thị Thảo (58 tuổi, ở cụm 2 phường Tràng Minh) bị tai nạn trong một lần đi thu mua phế liệu, giờ chuyển sang làm cho cơ sở tái chế phế liệu của ông Trần Văn Vĩnh ngay sát nhà. Bà Thảo cho biết, cả nhà có 4 người thì bà cùng hai người con lớn cùng làm việc "nhặt rác", phân loại phế thải, mỗi ngày cũng được gần 100.000 đồng”, thu nhập cũng tạm đủ cho cuộc sống gia đình.

Không chỉ có người dân trên địa bàn phường Tràng Minh, nhiều lao động phổ thông các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Dương cũng gia nhập đội quân "chế biến" rác tại phường Tràng Minh. Chị  Phạm Minh Thu (30 tuổi ở Nam Cao - Kiến Xương - Thái Bình) có hoàn cảnh éo le, cháu bé thứ 2 của vợ chồng chị mới được 5 tháng tuổi thì anh chồng bị đổ bệnh. Bao nhiêu vốn liếng của hai vợ chồng cùng khoản vay của họ hàng để lo chạy chữa nhưng anh vẫn không qua khỏi.

Để lại cháu bé thứ hai cho cho bà nội chăm sóc, chị mang cháu lớn 5 tuổi cùng một tốp người làng ra Tràng Minh để mưu sinh. Thương cảm cho hoàn cảnh của chị, anh Phạm Viết Quang, chủ cơ sở tái chế phế thải tại cụm 4, phường Tràng Minh đã cho cả hai mẹ con chị được ở lại xưởng để đỡ tiền thuê nhà trọ. Ở đây, mùi phế thải rất khó chịu nhưng bù lại, mỗi tháng em lại dành thêm được ít tiền gửi về quê cho bà nuôi cháu bé, chị Thu tâm sự.

Nguy hiểm rình rập

Anh Phạm Viết Quang cho biết, những lao động là nam giới làm việc phân loại, vệ sinh, tái chế phế liệu thường được trả lương cao bình quân cao hơn. Tuy nhiên, mức độ độc hại đối với các lao động này cũng tăng theo thu nhập mà người làm công nhận được.

Công việc thường ngày của số lao động nam giới làm việc tại các cơ sở tái chế phế liệu là hít khí thải CO2. Theo đó, công đoạn phân loại phế liệu nhựa, vỏ máy tính, vỏ tivi… được thực hiện rất thủ công, người lao động sử dụng bật lửa đốt trực tiếp vào từng miếng phế liệu rồi xem phản ứng để nhận biết, phân loại các loại phế liệu nhựa cho chủ cơ sở tái chế.

Cũng ít người làm nghề phân loại nhựa dùng khẩu trang để hạn chế việc trực tiếp hít khí độc. Anh Vũ Quang Linh thợ phân loại phế liệu nhựa than phiền, cuối ngày về nhà mệt lử, váng đầu, không muốn ăn cơm.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Toán (Viện hóa học Việt Nam) cho biết: “ Nhựa bị đốt cháy các khí độc thải ra có thành phần cacbon có thể gây ngộ độc, người thường xuyên tiếp xúc, hít phải khí thải này sẽ bị ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, mắt, da liễu, rối loạn các chức năng tiêu hóa và có thể gây ung thư”

Nguy hiểm hơn khi phế liệu được thu mua về đây mang ra phân loại có cả kim tiêm (rác thải y tế), các chai nhựa chứa thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Đối với những phế thải độc hại này, người lao động vẫn thực hiện phân loại bằng tay. Chị Thu giải thích, “đeo găng tay vào làm không thật tay, năng suất thấp".

Lãnh đạo Phòng Y tế quận Kiến An bày tỏ, người lao động tại các cơ sở sơ chế, tái chế cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, các chủ cơ sở chế biến phế thải thường bỏ qua những quy định này. Do vậy, người lao động phải tự biết bảo vệ mình, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Theo thống kê của Phòng TN&MT quận Kiến An, mỗi ngày, 87 cơ sở tái chế trên địa bàn phường Tràng Minh sơ chế tới 40 tấn phế liệu. Các cơ sở này sử dụng khoản hơn 1.100 lao động phổ thông vào việc tái chế phế liệu.

Đông Bắc

Đọc thêm