Những DN mà họ chấp nhận rời bỏ đa số là "những đứa con đầu lòng", nơi khơi nghiệp thành công... làm nên tên tuổi của các doanh nhân lớn, nhưng nay họ chấp nhận rời bỏ để tiếp tục một giai đoạn mới đầy thách thức và tham vọng.
Trao đổi mới đây, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T cho biết: "Với SHB, khi thực thi Luật sửa đổi bổ sung Các tổ chức tín dụng sẽ không có ảnh hưởng nhiều. Tôi sẽ tiếp tục làm Chủ tịch HĐTQ Ngân hàng SHB".
Theo ông Hiển, với các DN mà ông đang quản trị thì thực tế nhiều năm qua ông giữ chức danh chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc nhưng ông không cần phải dành quá nhiều thời gian, bởi 80-90% thời gian tôi dành để quản trị hệ thống Ngân hàng SHB.
|
Ông Đỗ Quang Hiển. |
"Ngân hàng SHB là trí tuệ, là tâm huyết của tôi. Các DN khác tôi đã xây dựng các hệ thống quản trị, quản lý doanh nghiệp và đội ngũ lãnh đạo ở đó họ thay mặt tôi quản trị, quản lý và thực tế nó vẫn đang hoạt động ổn định. Do vậy, các DN này sẽ không ảnh hưởng nhiều khi thực thi Luật sửa đổi bổ sung Các tổ chức tín dụng", ông Hiển chia sẻ.
Trong một buổi toạ đàm cuối 2017 đón năm mới 2018 với toàn thể cán bộ công nhân viên, ông Đỗ Minh Phú - Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng cho biết, ông sẽ rời ghế Chủ tịch Tập đoàn DOJI sau hơn 1/4 thế kỷ gắn bó để tiếp tục làm Chủ tịch của TPBank.
Hay như Chủ tịch Sacombank Dương Côn Minh cũng tuyên bố "Tôi sẽ từ chức khỏi vị trí Chủ tịch Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu của Sacombank".
|
Chủ tịch Sacombank Dương Côn Minh |
Phát biểu tại sự kiện chào sàn 500 triệu cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), bà Thái Hương đã chính thức thông báo về quyết định sẽ chọn làm Tổng giám đốc BacABank, đồng thời rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó.
Theo bà Thái Hương, quyết định trên nhằm đáp ứng với quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Còn quyết định từ bỏ TH True Milk là bởi bà đã hoàn thành sứ mệnh tại TH và thấy đã đến lúc nhường lại cho lớp trẻ.
|
Bà Thái Hương. |
Song, bà Thái Hương cũng cho hay, bà sẽ tiếp tục giữ vai trò là người sáng lập, nhà tư vấn và sẽ thực hiện giám sát bước đường phát triển tiếp theo của TH True Milk.
Tham vọng mới, thách thức mới
Cũng giống như bà Thái Hương, trước quyết định từ bỏ ghế Chủ tịch Tập đoàn DOJI, ông Đỗ Minh Phú chia sẻ, ông đã suy nghĩ rất nhiều và cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ, sự hỗ trợ để cho ông lựa một trong hai đơn vị. Khi đặt câu hỏi về sự lựa chọn để có được một lời khuyên thì hầu hết họ đều muốn ông ở lại với đơn vị mình.
"Quả thật là một sự lựa chọn khó khăn. Tôi đã khai sinh, chắt chiu và đồng hành cùng DOJI kể từ những ngày đầu tiên. Quá trình hình thành một tên tuổi, một phong cách doanh nhân, hình thành một tính cách... đó chính là giai đoạn tôi hoạt động tại DOJI trong gần 1/4 thế kỷ.
|
Ông Đỗ Minh Phú. |
Với TPBank, tuy thời gian ngắn mới chỉ hơn 5 năm nhưng là quãng thời gian đẹp và đầy thách thức nhất. Tôi cảm nhận mình đã làm được một số việc, song vẫn còn quá nhiều việc cần phải làm và tôi cần phải có trách nhiệm nhiều hơn với nơi này. Tôi vẫn còn trách nhiệm với DOJI, còn trách nhiệm với TPBank nhưng bắt buộc phải có sự lựa chọn", ông Phú tâm sự.
Theo ông Phú, Tập đoàn DOJI sẽ còn nhiều công việc phải làm nhưng DOJI đã có một thế hệ kế cận có thể đảm đương được những công việc đó và ông tin tưởng họ sẽ làm được. DOJI đã có bước chuẩn bị và quá trình làm việc đó sẽ không quá khó khăn và quá căng thẳng. Trong khi, TPBank còn rất nhiều việc phải làm. Cho nên sự lựa chọn này, với tôi là tất yếu.
Còn với ông Đỗ Quang Hiển, lựa chọn tiếp tục làm Chủ tịch Ngân hàng SHB vì thấy cần phải có trách nhiệm ở đó. Trách nhiệm ở đó, trước mắt đó là việc tiếp tục triển khai SHB giai đoạn 2 sau khi thành công của việc sáp nhập Habubank vào SHB trong 3 năm qua; đó là xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ theo hướng hiện đại trong thời đại công nghệ 4.0.