Đậu nành + bắp + hương vị cho “ra lò” hàng ngàn gói cà phê chồn

(PLO) - Ngày 21/4, UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Hoàng Phú An (trụ sở chính tại số 16/1 Nguyễn Tất Thành, phường 2, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) 200 triệu đồng vì có hành vi sản xuất cà phê giả; đình chỉ hoạt động 12 tháng một phần cơ sở này và yêu cầu chủ cơ sở nộp lại số lợi bất hợp pháp trị giá 39 triệu đồng do thực hiện hành vi sản xuất hàng giả.
Thành phần gói cà phê nhãn Chồn Trắng Tuy Hòa hầu như không có cà phê
Thành phần gói cà phê nhãn Chồn Trắng Tuy Hòa hầu như không có cà phê

Cà phê chỉ chiếm 0,05%

Trước đó, vào ngày 9/4, đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở Công thương tỉnh Phú Yên bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hoàng Phú An tại thôn Bàn Nham Bắc (xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này chế biến thực phẩm không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, các nguyên liệu để trực tiếp dưới nền đất bẩn.

Ngoài ra, tại xưởng còn có 1.200 gói cà phê mang nhãn hiệu Chồn Trắng Tuy Hòa, trọng lượng 0,5kg/gói). Thanh tra Sở Công thương tỉnh Phú Yên đã gửi mẫu cà phê Chồn Trắng Tuy Hòa vào Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực miền Trung (Viện Pasteur Nha Trang, ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để kiểm nghiệm.

Kết quả, sản phẩm cà phê Chồn Trắng Tuy Hòa không có thành phần cà phê theo công bố chất lượng sản phẩm của sản phẩm này. Thay vào đó, thành phần chính của sản phẩm này là đậu nành, bắp, hương vị và ít cà phê hạt chỉ chiếm 0,05%. Sở Công thương tỉnh Phú Yên đề nghị UBND tỉnh xử phạt hành chính cơ sở này về hành vi sản xuất hàng giả.

Ông Dương Phú Sơn - Chánh Thanh tra Sở Công thương tỉnh Phú Yên, cho biết: “Với sản phẩm cà phê bình thường sẽ có hàm lượng caffeine từ 1% trở lên. Chúng tôi chỉ tập trung kiểm tra xem đây có phải là sản phẩm cà phê hay không, nên không kiểm tra kỹ các chất liệu khác trong mẫu sản phẩm cà phê Chồn Trắng Tuy Hòa. Kết quả cho thấy, hàm lượng cà phê hạt quá thấp dưới mức cho phép”.

Tuy nhiên sau đó, ông Lê Văn Thước - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phú An phản đối quyết định xử phạt này. Theo ông Thước, do thị hiếu của người tiêu dùng, một số cơ sở chế biến cà phê thường pha trộn bột cà phê và bột ngũ cốc gồm bắp, đậu nành, hương vị. Do vậy, công ty sản xuất gia công bột ngũ cốc cho một cơ sở cà phê khác ở TP.Nha Trang để chế biến cà phê.

Công ty muốn tận dụng lại bao bì cũ tồn kho từ trước để đóng gói số bột ngũ cốc này, chứ không cố ý làm cà phê giả. Ông Thước cũng cho rằng, việc mình ký vào biên bản vi phạm trước đó của Sở Công thương tỉnh Phú Yên là vì ông chưa hiểu kỹ văn bản này.

Được biết, Công ty TNHH Hoàng Phú An do ông Thước làm Giám đốc, đăng ký lần đầu ngày 2/11/2011 và đăng ký thay đổi lần thứ 3 vào ngày 28/1/2015.

Sẽ kiên quyết xử lý

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Tấn Cam - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên, cho biết: “Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã cho đóng gói sản phẩm hoàn chỉnh, mang nhãn hiệu cà phê Chồn Trắng Tuy Hòa nên việc chủ cơ sở này cho rằng sản phẩm tận dụng bao bì là không hợp lý; đoàn kiểm tra cũng cho ông Thước đọc kỹ biên bản trước khi ký vào”.

Trước sự lên tiếng phản đối của ông Thước về việc xử phạt của cơ quan chức năng, ông Cam khẳng định, Sở Công thương tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục làm việc với Công ty TNHH Hoàng Phú An để xác định hành vi làm hàng giả của đơn vị này; kiên quyết xử lý nếu cơ sở này có hành vi sản xuất hàng giả để bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Sau khi phát hiện hành vi Công ty TNHH Hoàng Phú An, chúng tôi cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường nếu phát hiện có sản phẩm cà phê Chồn Trắng Tuy Hòa thuộc lô hàng này (ngày sản xuất: tháng 1/2018, hạn sử dụng: tháng 1/2019) thì tiến hành tịch thu, xử lý theo quy định”, ông Cam cho biết.

Theo các chuyên gia, cà phê pha trộn, có sử dụng nhiều hóa chất lại rất độc hại, có thể là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư, có hại cho sức khỏe người dùng. Một số cơ quan trực tiếp bị ảnh hưởng bởi cà phê trộn là các cơ quan nội tạng, nhất là gan. 

Khi gan không đào thải được lượng mangan quá tải, người uống sẽ gặp một số triệu chứng tương tự bệnh Parkinson, nhẹ thì đau đầu, buồn ngủ nhưng ngủ không được; nặng thì mất trí nhớ, nói ngọng, giảm khả năng vận động, đi lại không vững. Ngoài ra, nó còn ảnh đến hệ tuần hoàn, cơ tim, động mạch vành, động mạch chủ, gây tổn thương gan, thận…

Làm ăn 'chụp giật': Doanh nghiệp tự 'bắn' vào chân mình?

Trong kinh doanh, chữ “Tín” luôn được đặt lên hàng đầu, bởi đây chính là nền tảng bền vững, giúp doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu và phát triển.

Tuy nhiên, bước vào sân chơi hội nhập, nhiều doanh nghiệp đã tự đánh mất mình, làm ăn 'chụp giật,' chạy theo lợi nhuận trước mắt, thiếu coi trọng chữ tín. Điều này không chỉ gây tổn hại tới hình ảnh của doanh nghiệp mà hơn thế nữa là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng Việt Nam.

Về phần cơ quan quản lý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, quan điểm của Chính phủ và Bộ Công Thương là luôn luôn hỗ trợ, tạo thuận lợi cả về phát triển thị trường lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng các hoạt động đó phải tuân thủ pháp luật và hơn nữa là phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng liên tục đề cập đến vấn đề đạo đức doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp cần phải hiểu và phải dựa trên sự tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng và tôn trọng sự trung thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng lưu ý, ngoài việc điều chỉnh về chế tài pháp luật thì ý thức và giá trị đạo đức, văn hóa cũng hết sức quan trọng với doanh nghiệp và các doanh nghiệp phải nhận thức để hiểu rõ điều đó vì đó cũng là nền tảng mang tính sống còn với hoạt động của doanh nghiệp. 

Đọc thêm