Dấu tích rêu phong đang phủ bóng thành cổ Luy Lâu

(PLO) - Theo chân những người đang dùng tâm sức của mình để giữ gìn, truyền bá những giá trị lịch sử của thành cổ Luy Lâu cho đời sau, chúng tôi mới nhận ra rằng hình như ngay cả với những người con thành cổ, với chung một tư liệu thông tin nhưng những tranh cãi về thành cổ vẫn còn theo họ, kể từ ngày họ nhận ra mảnh đất mình đang sinh sống đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ như thế nào…

Một Lầu voi ghi lại trận chiến của Hai Bà Trưng đã được xây dựng xong.
Một Lầu voi ghi lại trận chiến của Hai Bà Trưng đã được xây dựng xong.
Những dấu ấn lịch sử ùa về…
Ông Nguyễn Văn Thỉnh, Trưởng ban Khánh tiết đền thờ Sỹ Nhiếp giải thích cụ thể: Thành cổ Luy Lâu có từ rất lâu, trước khi cụ Sỹ Nhiếp được giao nhiệm vụ cai quản. Năm 207 trước Công nguyên, Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc, đổi tên nước thành quận Giao Chỉ, đã đặt Đô uý trị ở Dâu và xây thành Luy Lâu. 
Năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán đánh bại nước Nam Việt thì Dâu vừa là quận trị quận Giao Chỉ vừa là châu trị châu Giao. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đã kéo quân về đánh thành Luy Lâu, Thái thú Tô Định phải chạy trốn về nước. 
Và thời kỳ phát triển rực rỡ dưới sự cai trị của cụ Sỹ Nhiếp là những mốc son đánh dấu sự thăng trầm của Thành cổ. 
Rồi ông Thỉnh chỉ về phía trước cây cầu đá cho biết, khoảng trống phía trước cây cầu chính là vị trí ngày xưa Hai Bà Trưng đã tập kết, sau khi kéo đoàn quân chiến thắng từ Mê Linh đổ bộ về thành cổ. Giọng ngậm ngùi, ông bảo ngay bên kia cầu, có lẽ là nơi ngày xưa Thái thú Tô Định đã lập giàn hỏa thiêu Thi Sách, chồng của Trưng Trắc. 
Nhắc đến đây, câu chuyện lịch sử về bà Trưng Trắc chấp nhận hy sinh người chồng đầu gối tay ấp của mình để chiếm đánh thành Luy Lâu chợt ùa về…
Sử sách ghi lại rằng, khi Hai Bà Trưng đánh vào thành, Tô Định đang làm Thái thú ở Luy Lâu đã bắt được Thi Sách. Tô Định ra tối hậu thư “Nếu không tấn công thành thì giữ lại được mạng sống của Thi Sách, nếu đánh vào thành thì sẽ thiêu sống Thi Sách ngay” nhưng bà Trưng Trắc quyết định “nợ nước phải trả, thù nhà tính sau”, vẫn quyết tâm đáng trống tấn công vào thành… 
Câu chuyện giữa chúng tôi dường như chùng xuống khi nhắc lại giai đoạn lịch sử vừa đau thương vừa hào hùng của Hai Bà Trưng. 
Như để phá tan sự im lặng, ông Thỉnh cho biết, gần đây nhân dân 3 thôn muốn xây lại hai lầu voi để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà Trưng nhưng chính quyền không cho phép, nhân dân mới xây được một lầu voi hoàn chỉnh, lầu voi kia không biết đến bao giờ mới có thể tiếp tục. 
Ông Thỉnh ngậm ngùi bảo: “Dấu tích thành xưa chỉ còn cây cầu và đền thờ, con cháu biết nhìn vào đâu để hiểu lịch sử về thành cổ? Tái tạo lại hình tượng các trận chiến xảy ra trong thành chính là một cách khơi gợi lịch sử, để giá trị văn hóa Luy Lâu còn có thể tiếp tục với thời gian”. 
Chúng tôi hiểu những gì mà ông Thỉnh đang giữ ở trong lòng, có lẽ bởi hiểu được những giá trị của thành cổ, ông mới xót xa đến thế…
Ông Thỉnh, ông Chịch chuyện trò với phóng viên.
Ông Thỉnh, ông Chịch chuyện trò với phóng viên. 
Làm sao để giữ gìn lịch sử?
Dẫn chúng tôi đi một vòng, bắt đầu từ cây cầu đá bên đền thờ Sỹ Nhiếp, ông Thỉnh chỉ dẫn các di tích cụ thể ở thành cổ: Đây là đường cái hội để rước kiệu vào ngày hội, kia là ao hội; đường cái hội bắt đầu từ cửa đền Sĩ Nhiếp, rước qua ao hội, đi thẳng vài chục mét, đến cổng thành, ngay trước cửa Vọng Giang lâu. 
Cách ao hội không xa là ao chạ, là ao của làng, cạnh đấy là hình chiếc bút nghiên và một ao chạ con, được coi như lọ mực để tượng trưng cho sự nghiệp dạy dỗ, truyền bá chữ Hán cho con dân nước Việt của Sĩ Vương Tiên. 
Dẫn chúng tôi đi tìm lại những dấu tích xưa của Vọng Giang lâu, ông Thỉnh và ông Nguyễn Văn Lâm, một người con tâm huyết với thành cổ, còn nổ ra một trận tranh luận nảy lửa về vị trí Vọng Giang lâu khi xưa. 
Ông Lâm thì cho rằng, Vọng Giang lâu nằm chếch về phía chùa Phi Tướng, còn ông Thỉnh thì dứt khoát khẳng định Vọng Giang lâu theo đúng hướng thẳng từ đền vẽ thẳng ra vì cụ Sỹ Nhiếp xây dựng những vị trí này đều có những ý tưởng chiến lược cụ thể. 
Ông Thỉnh cho biết thêm: 5 địa điểm bao gồm tòa điện thờ, sân, hồ (bên dưới cầu đá), 2 cầu voi và lầu cổng bắt buộc phải nằm trên một đường thẳng. Chiếu thẳng ra thành ngoại, đấy chính là vị trí của Vọng Giang lâu. Vọng Giang Lâu chính là nơi cụ Sĩ Nhiếp ngồi để nhìn xuống sông Dâu, được làm 8 mái, là vị trí quan trọng để quan sát khu vực rộng lớn xung quanh và lên những chiến lược bảo vệ thành. 
Còn một ý đồ khác mà người dân cho rằng cụ Sỹ Nhiếp rất có lý khi quyết định những vị trí trọng yếu phải nằm trên một đường thẳng như vậy. Chính là ý nghĩa ngay cả khi mất đi rồi, cụ Sĩ Nhiếp vẫn còn có thể chăm lo và quan sát cho đời sống dân gian.
Ngoài ra, xung quanh thành là 4 miếu tứ trấn, gọi là tứ trấn Thành quang, giờ chỉ còn là những gồ đất nhô lên cao hơn mặt đất bình thường, xung quanh có các bờ thành, hình thang. Chếch bên phải Vọng Giang lâu là tứ trấn thành Tây Nam, chỉ là hình ụ đất nổi lên trên, cao hơn mặt đất không còn bao nhiêu. 
Ông Nguyễn Văn Chịch, thủ từ đền thờ Sỹ Nhiếp cho biết, trước đây hội khảo cổ tiến hành khai quật mới biết đền đã trải qua bao nhiêu lần tu sửa và chỉ tìm được 2 phần móng của tòa đệ Nhất, đệ Nhị. Những dấu tích thu nhận được đã cho thấy năm 226 mới dựng đền thờ nhưng đến đời nhà Nguyễn đã được tu sửa (đầu thế kỷ 19). 
Ông Chịch xót xa khi thấy ngôi đền thờ một vị có công với văn hóa dân tộc lại luôn trong khung cảnh hoang tàn, cánh cửa thì xập xệ… Ông bảo: “Liệu có phải do nguồn gốc Trung Quốc của ông ấy mà người dân thờ ơ không”? 
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh vùng lõi thành cổ, ông Nguyễn Văn Thỉnh trầm tư bảo: “Bây giờ cũng khó có thể lấy lại được đầy đủ diện tích thành cổ khi xưa. Chúng tôi chỉ có thể cùng bàn nhau, nhắc nhở nhau  chung tay gìn giữ những vùng đất đã được cắm mốc chỉ giới “bất khả xâm phạm”. 
Bây giờ, sau khi xuất hiện nhiều đoàn khảo cổ đến với Luy Lâu, học sinh cấp 2, cấp 3 thi thoảng lại tranh thủ rẽ vào sau giờ học ở trường, líu lo với ông Chịch về thành cổ, về trận tấn công thắng lợi của Hai Bà Trưng… Thảng hoặc chúng mới nhắc đến Sĩ Nhiếp… Đó chính là điều làm ông Chịch, ông Thỉnh đau lòng… 
Bởi hai ông lo nếu ngành văn hóa, chính quyền xã, huyện mà không có hành động gì thiết thực, chỉ 2-3 đời nữa thôi, có lẽ chẳng còn ai nhớ đến Sỹ Vương Tiên với thời kỳ cai quản thành cổ Luy Lâu phát triển hưng thịnh nhất…/.