Đi tìm dấu tích thành cổ Luy Lâu

(PLO) - Di tích thành cổ Luy Lâu từ rất lâu đã trở thành một nỗi xót xa, ám ảnh của giới nghiên cứu lịch sử và khảo cổ nước nhà cũng như các nhóm nghiên cứu khảo cổ quốc tế. Bởi đây là chiến tích văn hóa lừng lẫy một thời, chứng kiến một giai đoạn phát triển rực rỡ của lịch sử nước Việt… nhưng bây giờ thành cổ Luy Lâu nằm im lìm, hoang tàn ngay bên tỉnh lộ 283...
Tượng thờ Sỹ Nhiếp trong thành cổ Luy Lâu.
Tượng thờ Sỹ Nhiếp trong thành cổ Luy Lâu.
Thành cổ bề thế nhất thời Bắc thuộc
Thành cổ Luy Lâu hiện nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Qua nhiều lần khảo cổ, các nhà khoa học phát hiện nhiều hiện vật có giá trị và đã đưa ra đánh giá: Trước đây, chúng ta vẫn coi Luy Lâu là sở lị của chế độ phong kiến Bắc thuộc, nhưng thực chất đây còn là một đô thị cổ diễn ra nhiều hoạt động phong phú của người Việt.
Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy Luy Lâu là khu di tích khảo cổ học thời Bắc thuộc có quy mô rộng lớn nhất với số lượng di tích phong phú nhất ở nước ta hiện nay. Luy Lâu là ngôi thành đất, cấu trúc dạng chữ nhật, nằm gọn trong làng Lũng Khê, với quy mô khá lớn, kích thước của các lũy thành đo được như sau: lũy thành phía tây 328m, lũy thành phía đông 320m, lũy thành phía bắc 680m,  lũy thành phía nam 520m. 
Thành mở cửa chính ở giữa lũy phía tây, nhìn ra sông Dâu. Hai bên có cửa dựng lầu gác gọi là Vọng Giang lâu. Trên mặt có 4 góc thành là đồn canh, còn gọi là tứ trấn thành quan. Bao ngoài thành là hệ thống hào. Con sông Dâu trở thành hào thiên nhiên ở mặt tây, còn 3 mặt là hào được tạo bởi đào đất đắp lũy thành, nay còn lại là những dãy ao rộng tới 40-50m chạy thành dải. 
Bao ngoài thành lũy là hệ thống hào nối thông với nhau và nhận nước từ dòng sông Dâu vừa tạo chướng ngại vật vừa là hệ thống giao thông ra vào thành. Phía ngoài hào là những lũy tre dày đặc giúp cho việc phòng vệ lũy thành khá hiểm trở, vững chắc. 
Trải qua gần 20 thế kỷ với bao biến cố, thăng trầm, các lũy thành bị san bạt đi nhiều. Tuy nhiên, trải trên diện tích rộng lớn cả khu vực nội và ngoại, thành cổ Luy Lâu vẫn còn những dấu tích cư trú, kiến trúc như: đường viền thành cao khoảng 1-3m so với mặt ruộng; dãy ao cổ nối với nhau chạy thành dải liên tiếp là vết tích của việc đào đất đắp hào cùng vô số hiện vật, di vật gạch ngói các loại, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất… 
Tổng tập “Nghìn năm văn hiến Thăng Long” ghi: Các nguồn thư tịch, tài liệu ở Luy Lâu, nhất là “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh” lưu tại chùa Dâu cho thấy, vào thế kỷ II-III sau CN, Luy Lâu là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của nước ta. Hoạt động Phật giáo ở đây rất nhộn nhịp và tập trung. Tăng viện, chùa tháp được xây cất rất quy mô, tàng chứa hàng trăm bộ kinh. Hàng trăm tăng sỹ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Á… đã tới Luy Lâu truyền đạo, nghiên cứu, biên dịch kinh Phật, đào tạo tăng đồ…
Trước sự trù phú của địa bàn và cuộc sống, phong kiến Trung Quốc đã nhận thấy Luy Lâu giữ vị trí ưu thế và thuận lợi về nhiều mặt để đặt trị sở thống trị, đồng thời chiếm giữ, khống chế con đường hàng hải quốc tế để tiến xuống chinh phục các nước phương Nam. Từ một trung tâm kinh tế văn hóa của người Việt, Luy Lâu đã nhanh chóng trở thành trị sở thống trị của phong kiến nhà Hán ở Giao Chỉ. 
Trong các thời kỳ phong kiến Trung Quốc cai trị, rực rỡ nhất phải kể đến là thời Sỹ Nhiếp làm Thái thú. Sỹ Nhiếp cho xây dựng một hệ thống chùa dày đặc, lấy chùa Dâu làm trung tâm, được xem là người đầu tiên truyền bá kinh Phật tại trung tâm Luy Lâu, được tôn vinh là Nam Giao học tổ. 
Cũng trong thời kỳ của Sỹ Nhiếp, nước Việt đã có một giai đoạn phát triển văn hóa, kinh tế bậc nhất trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc. Tâm điểm của thành Luy Lâu ngày nay cũng là dấu ấn ít ỏi còn lại của thành cổ chính là đền Lũng Khê thờ Sỹ Nhiếp với chiếc cầu đá khoảng 1.800 năm tuổi.
Nam Giao học tổ Sỹ Nhiếp là ai?
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Sỹ Nhiếp là người Trung Quốc, trong cuộc loạn lạc được vua Hán cho làm Thái thú Giao Chỉ. Vì có công với Hán học ở nước ta, được giới Nho học suy tôn, gọi là Sỹ Vương, rồi sử cũ chép riêng một kỷ, gọi là kỷ Sỹ Nhiếp”. 
Sỹ Nhiếp gốc người nước Lỗ, tổ tiên đã sang ta được 7 đời nên Sỹ Nhiếp đã được Việt hoá. Chính văn bia ở đền thờ Sỹ Nhiếp trong thành Luy Lâu đã xác nhận: “Sỹ Nhiếp là người nước Lỗ, Trung Quốc, là vị chân Nho, làm Thứ sử Giao châu, hành đức giữ gìn Phật tượng ở Luy Lâu thành”. 
“Đại Việt sử kí toàn thư”  nhận xét: Nước ta được thông thi thư, tập lễ nhạc, là một nước văn hiến do bắt đầu từ Sỹ Vương. Sách “Luy Lâu lịch sử và văn hoá” thì khẳng định: Sỹ Nhiếp là người đem văn hoá Trung Quốc truyền vào Luy Lâu một cách mạnh mẽ, đàng hoàng và hệ thống; nhưng cũng chính là người có công tu tạo, tôn vinh, quy chuẩn phong tục bản địa.
Nhiều tài liệu, di tích cùng với văn bia, địa danh, truyền thuyết, thành lũy… còn tồn tại ở Luy Lâu đã cho biết: Trị sở Luy Lâu được xây cất quy mô từ thời Thái thú Sỹ Nhiếp. Khi còn sống, Sỹ Nhiếp đã cho xây thành, dựng lầu gác (Lầu vọng giang, nhà dạy học, dinh thất…) và lấy nơi đây để dạy học, sau dân nhớ ơn ấy mà lập đền thờ…
Sỹ Nhiếp làm Thái thú Giao châu dưới 2 triều Đông Hán và Ngô trong thời gian 40 năm và hai lần được phong tước Long Bộ Đình Hầu (triều Đông Hán) và Long Biên Hầu (triều Ngô). Sỹ Nhiếp cho xây dựng Luy Lâu thành trị sở cai trị và trung tâm kinh tế, văn hóa ở Giao châu.
Các nguồn tài liệu về Luy Lâu xác nhận Sỹ Nhiếp là người cho dựng chùa và tạc tượng “tứ pháp”, là người mở mang Hội Dâu và cũng chính là người ra khai hội hàng năm vào ngày 8 tháng Tư. Có thể thấy Sỹ Nhiếp là người đã được Việt hóa sâu sắc, chính vì vậy trong việc truyền bá văn hóa văn minh vào nước ta, Sỹ Nhiếp đã có sự thông hiểu và kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống văn hóa bản địa, do đó đem lại những hiệu quả to lớn và tích cực. 
Điều đó giải thích vì sao Sỹ Nhiếp là vị Thái thú duy nhất được nhân dân Luy Lâu ngưỡng vọng nhớ ơn và suy tôn là Sỹ Vương Tiên, Thánh Nam Giao, Nam Giao học tổ. Giai đoạn Thái thú Sỹ Nhiếp cai trị (187-226), lợi dụng nhà Hán suy yếu, ông đã xây dựng Luy Lâu sầm uất như một kinh đô của nước độc lập. 
Thời kì này cả nước Hán loạn lạc liên miên nhưng vùng đất của Sỹ Nhiếp cai trị vẫn thái bình thịnh trị. Đại Việt sử kí toàn thư xếp thời này là một triều đại riêng của nước ta, gọi là kỉ Sỹ Vương.