Nâng cao sự hưởng thụ các quyền con người
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), Đảng ta đã nêu lên định hướng lớn: Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát triển mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng XHCN.
Đến Đại hội lần thứ VIII (1996), Đảng bổ sung thêm một số quan điểm quan trọng, theo đó tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội - ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển.
Như vậy, chủ trương xây dựng và thúc đẩy cơ chế thị trường định hướng XHCN phát triển của Đảng ta là nhằm tăng nhanh tiềm lực vật chất cho việc bảo đảm quyền con người, tạo cơ hội phát triển cho mọi thành viên xã hội.
Không nhắc lại các quan điểm chỉ đạo của các Đại hội trước đó, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta nhấn mạnh: Thúc đẩy kinh tế phát triển là nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội.
Điều đó cũng có nghĩa, quyền được hưởng thành quả của sự phát triển đất nước cũng như được phân phối công bằng của cải xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo lập sự ổn định xã hội và phát triển bền vững đất nước, trên cơ sở đó nâng cao sự hưởng thụ các quyền con người.
Khẳng định điều này, tại Phiên giải trình và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, một trong những mục tiêu kiên định của Chính phủ là thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân...
“Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên”- Thủ tướng thể hiện quyết tâm.
Cũng vì Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán về chính sách giảm nghèo bền vững đi đôi với khuyến khích làm giàu hợp pháp nên mỗi bước tiến của tăng trưởng kinh tế, Đảng yêu cầu phải nâng cao mức sống của mọi giai tầng xã hội; đặc biệt tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách giảm nghèo ở các huyện nghèo và các hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Thấu hiểu những nhu cầu thiết yếu của người nghèo là vấn đề “an cư”, phát biểu chỉ đạo hội nghị bàn về giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước diễn ra vào đầu tháng 12/2018 tại Đắk Lắk, mặc dù nêu rõ quan điểm không khuyến khích di dân tự do, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu “không được để đồng bào di cư tự do bị bỏ lại phía sau”.
Mục đích cuối cùng là làm sao người dân di cư có cuộc sống ổn định và phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh...
Lấy con người làm trung tâm, vì sự phát triển tự do và toàn diện
Vào những ngày đầu tháng 8 vừa qua, trước những hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ tại bản Sa Ná, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác cũng đã về thăm, động viên nhân dân.
Ông chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa khẩn trương tìm vị trí ổn định để xây dựng nhà ở cho người dân bị mất nhà với tinh thần cao nhất. Nhà nước sẽ hỗ trợ người dân bị mất nhà cửa xây dựng lại nhà mới, cùng lương thực, thực phẩm, nước sạch và thuốc men để đảm bảo cuộc sống cho người dân sau lũ...
Ảnh minh họa. |
Không chỉ ở Thanh Hóa mà trên khắp mọi miền Tổ quốc, một khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương luôn kịp thời thị sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời hỗ trợ nhân dân.
Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý “lá lành đùm lá rách”, đoàn kết, giúp đỡ lúc hoạn nạn của người Việt ngàn đời nay. Kế thừa truyền thống đó, Đảng và Nhà nước luôn đặt nhân dân lên vị trí cao nhất trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế- xã hội của đất nước.
Cũng nhờ vào những chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước mà đời sống vật chất, tinh thần của các hộ gia đình chính sách không ngừng được cải thiện; nhờ đó thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam được Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cung cấp số liệu mới nhất về công tác giảm nghèo diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước tới nay còn 1,3 triệu hộ nghèo; tốc độ giảm nghèo trên 1,5% hiện đã vượt yêu cầu của Quốc hội giao là từ giảm từ 1,3- 1,5%; số hộ thiếu đói giảm mạnh trong 7 tháng qua với mức giảm 31,7%...
Cùng với công tác xóa đói giảm nghèo, Đảng và Nhà nước luôn coi vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc là chiến lược cơ bản, lâu dài và cấp bách. Đặc biệt, Nghị quyết 24 của Đảng về công tác dân tộc ra đời năm 2003 đã tạo điều kiện cho nhiều chương trình, chính sách đặc thù góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS, miền núi không ngừng được hoàn thiện và đạt được những kết quả quan trọng. Không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống người DTTS nói chung mà còn mở ra nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cho phụ nữ DTTS - đối tượng luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình và ngoài xã hội.
Có thể khẳng định, những thành tựu kinh tế - xã hội thời gian qua thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó là tiền đề rất quan trọng để tạo sự đồng thuận trong xã hội, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường CNXH, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.