Theo nội dung đơn, đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện tại hoạt động thu mua nông sản của doanh nghiệp đang bị cản trở trầm trọng trước một nhóm các đối tượng có tiền án tiền sự thường xuyên áp lực hù dọa và hành hung.
Cạnh tranh kiểu “xã hội đen”
Theo sự kêu gọi đầu tư của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Cty Phúc Thịnh đã đầu tư xây dựng nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu với công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm, giá trị đầu tư dự án là 250 tỷ đồng. Dự án của Cty Phúc Thịnh triển khai ở vùng đặc biệt khó khăn, chiếm 80% là bà con người dân tộc thiểu số, dự án của doanh nghiệp đã được nhà nước cấp giấy phép ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Sự việc bắt nguồn khoảng đầu tháng 03/2015, từ khi Cty Phúc Thịnh tiến hành thu mua sắn trên địa bàn huyện Như Xuân, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa), thì hàng loạt đối tượng xuất hiện đe dọa với nhiều hình thức khác nhau như dọa nạt, dụ dỗ, hành hung... các đầu mối thu mua nguồn nguyên liệu ở đây vì cho rằng đây là vùng nguyên liệu của Cty Cổ phần (CP) vật tư tổng hợp Thanh Hóa.
Theo đó, nếu không theo yêu cầu của chúng, những người dân và các đầu mối thu mua sẽ phải nhận “hậu quả”.
Theo phản ánh của người dân và một số đầu mối thu mua, cầm đầu nhóm đối tượng này là một đối tượng tên Phạm Hữu Phước và gần 10 đối tượng khác dưới "danh nghĩa" là cán bộ nhân viên của Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hóa.
Trao đổi với PV PLVN, một đầu mối thu mua xin được giấu tên cho biết: “Khi biết tôi đứng ra thu mua sắn trên địa bàn các huyện Như Xuân, Như Thanh, đối tượng Phước đã gọi điện cho tôi để dọa nạt. Tôi yêu cầu được xem các văn bản chứng minh đây là vùng nguyên liệu của Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hóa nhưng các đối tượng trên đã không đưa ra được. Sau khi không uy hiếp được tôi thì bọn chúng đã tổ chức hành hung tôi, rất may là tôi kịp thời nhanh chân bỏ chạy”.
Sự việc cản trở hoạt động thu mua của nhóm đối tượng trên lên đến đỉnh điểm vào ngày 09/03, khi ông Mai Xuân Chung (Phó Giám đốc Cty Phúc Thịnh) và ông Lại Công Phụng (cán bộ Cty Phúc Thịnh) bị hành hung ngay tại bãi sắn. Ngay sau khi sự việc xảy ra thì lực lượng CSHS công an Thanh Hóa đã kịp thời có mặt, bắt quả tang và tiến hành bắt giữ các đối tượng gây rối.
Các đối tượng bị công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ, sau khi tại ngoại, theo người dân phản ánh, càng tỏ ra hung hãn hơn. Ảnh: CATH. |
Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Đậu Đình Kiên (SN 1987); Trần Viết Thắng (SN 1987) đều ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An và Phạm Việt Dũng (SN 1987), ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Theo kết quả điều tra ban đầu: Ngày 9/3/2015, Phạm Hữu Phước đã chỉ đạo 3 đối tượng Thắng, Dũng, Kiên và 01 đối tượng khác đi xe ô tô 07 chỗ đến thôn Hào (xã Xuân Bình, huyện Như Xuân) gây rối và tấn công một số người dân đang thu mua sắn tại đây. Đúng lúc đó, tổ công tác của phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) đã có mặt kịp thời và khống chế bắt giữ 3 đối tượng: Đậu Đình Kiên, Trần Viết Thắng, Phạm Việt Dũng; 2 đối tượng còn lại đã bỏ trốn.
Được tại ngoại, càng hung hãn
Qua tìm hiểu được biết, nhóm đối tượng tổ chức gây rối trên do Phạm Hữu Phước cầm đầu đã được cơ quan công an cho tại ngoại. Qua phản ánh của người dân và các đầu mối thu mua, sau khi được thả về các đối tượng trên càng hung hăng và manh động hơn làm cho một bộ phận người dân hết sức hoang mang lo lắng.
Tại buổi làm việc với PLVN, Trung tá Đồng Văn Dũng (Đội trưởng đội trên tuyến và địa bàn, Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Về nội dung vụ việc trên chúng tôi đã nhận được thông tin phản ánh từ phía Cty Phúc Thịnh. Chúng tôi đã cử một tổ công tác để nắm địa bàn và xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra. Vào ngày 09\03 chúng tôi đã cắt cử một số trinh sát hình sự mặc thường phục hóa trang, ngay khi sự việc gây rối xảy ra lực lượng công an đã kịp thời có mặt và bắt giữ các đối tượng gây rối”.
Trước băn khoăn về việc tại sao các đối tượng tổ chức gây rối trên sau khi bị bắt lại được cơ quan công an cho tại ngoại chỉ trong thời gian ngắn sau đó, trung tá Dũng cho biết: “Sở dĩ cơ quan công an thả các đối tượng vì chúng tôi đang mở rộng điều tra và củng cố thêm hồ sơ...”.
Cũng từ thông tin Công an tỉnh Thanh Hóa, các đối tượng bị bắt sau khi gây rối và cản trở hoạt động thu mua sắn của người dân đều là các đối tượng manh động và từng có tiền án, tiền sự. Trong đó điển hình là Phạm Hữu Phước đã có 03 tiền án và 01 tiền sự. Cũng tại buổi làm việc, trung tá Đồng Văn Dũng xác nhận, khu vực địa bàn Cty Phúc Thịnh tiến hành thu mua sắn là hợp pháp.
Đại diện Cty Phúc Thịnh cho biết, do không thể tổ chức thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất theo kế hoạch của nhà máy dẫn đến nhà máy thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. “Đồng thời lượng hàng sắn tươi mà doanh nghiệp chúng tôi đã thu mua không thể vận chuyển về nhà máy sản xuất dẫn đến hư hỏng, thiệt hại về kinh tế là không nhỏ”, đại diện công ty này cho hay.
Trao đổi với PLVN, ông Mai Xuân Chung bức xúc: “Chúng tôi đầu tư tại Thanh Hóa, tập trung ở vùng đất đặc biệt khó khăn với mong muốn để cho một bộ phận người dân có công ăn việc làm và kiếm thêm thu nhập từ nông sản của mình trồng trọt.
Vậy mà bây giờ sản phẩm của bà con thu hoạch lại không được bán cho công ty bởi một nhóm côn đồ dưới “mác” là cán bộ của công ty hoạt động trùng thị trường đe dọa, thì đó là hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, gây ra rất nhiều tổn thất, Không ai có thể an tâm đầu tư vừa lo sản xuất lại phải lo an ninh trật tự bị đe dọa như thế này”.
Là một địa phương đang thu hút đầu tư mạnh để phát triển nhanh, tỉnh Thanh Hóa đang là điểm đến tin cậy của những nhà đầu tư lớn. Thiết nghĩ những sự việc như thế này nếu không giải quyết dứt điểm, sẽ rất khó tạo dựng được niềm tin về một xứ Thanh đang "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư với mong muốn thay đổi đời sống người dân ở tỉnh này.
PLVN tiếp tục thông tin tới bạn đọc vụ việc này./.