Đầu tư công, nguyên nhân “giời ơi”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Câu chuyện “vừa chạy vừa xếp hàng”, khởi công trước, hoàn thiện thủ tục sau xem ra vẫn là căn bệnh “nan y”. Động thổ khởi công xong, lên báo đài xong là hết “động tĩnh”, hoặc chờ thi công hơi bị… “mỏi”.

Tính đến ngày 25/4, tổng số vốn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân năm 2022 là gần 480.000 tỷ đồng, đạt 92,6% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch. Đó là kết quả của nhiều nỗ lực, trong đó có cải cách thể chế đầu tư.

Đáng tiếc, số vốn chưa phân bổ còn lớn. Nguyên nhân chủ yếu là một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư cho các dự án vừa được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Câu chuyện “vừa chạy vừa xếp hàng”, khởi công trước, hoàn thiện thủ tục sau xem ra vẫn là căn bệnh “nan y”. Động thổ khởi công xong, lên báo đài xong là hết “động tĩnh”, hoặc chờ thi công hơi bị… “mỏi”.

Về số vốn ngân sách thanh toán đến cuối tháng 4 đạt xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân được đồng nào. Nguyên nhân chủ yếu được các bộ, ngành... đưa ra là do có một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Cạnh đó có yếu tố khách quan như việc giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng... tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại.

Thực tế, nguyên nhân được “chỉ mặt, đặt tên” vẫn do khâu tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, cơ quan trung ương; trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao. Năng lực chuyên môn của quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu. Việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán...

Trước tình hình này, Chính phủ đã lập 6 tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm nay tại các bộ, ngành, cơ quan trung ương chưa phân bổ kế hoạch vốn và có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước (18,48%).

Một số giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được đưa ra như việc yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm nay, chủ động tháo gỡ khó khăn. Đồng thời chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư các dự án được giao quản lý.

Cần nhắc lại, năm nay, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 526.106 tỷ đồng, chưa gồm lượng vốn từ gói phục hồi kinh tế - xã hội, tức là rất lớn. Đáng tiếc, có tiền vẫn khó tiêu, như “căn bệnh” từ lâu.

Đã đến lúc phải cá thể hóa trách nhiệm, siết chặt kỷ luật đầu tư công. Chậm giải ngân phải được rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn. Có thế người có trách nhiệm, chịu trách nhiệm mới “vắt chân lên cổ” để “chạy”.

Đọc thêm