Đầu tư, phát triển hệ thống đường cao tốc: Kiến nghị không khống chế tỷ lệ vốn Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách hiện tại, nhằm triển khai các dự án đường bộ cao tốc theo phương thức PPP trong giai đoạn tới, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của một số điều Luật và Nghị định liên quan đến phân cấp thẩm quyền cho địa phương trong đầu tư cũng như việc sử dụng NSNN vào các dự án PPP.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn mâu thuẫn trong việc phân cấp cho địa phương

Về phân cấp, phân quyền quản lý đầu tư đường bộ cao tốc, trong văn bản trình Thủ tướng, theo Bộ GTVT, với việc đầu tư dự án (DA) theo phương thức PPP, tại khoản 3 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 48 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), lại quy định Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền quản lý, bảo trì đường cao tốc. Trong trường hợp địa phương là cơ quan có thẩm quyền đầu tư xây dựng, nhưng quản lý DA lại là Bộ GTVT, có thể gặp vướng mắc do sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ giữa Luật GTĐB và Luật PPP.

Bộ GTVT kiến nghị nghiên cứu bổ sung Luật GTĐB theo hướng với các DA đường bộ cao tốc đầu tư theo phương thức PPP, cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý DA, thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ được chuyển giao theo hợp đồng DA.

Cũng theo Bộ GTVT, qua rà soát Luật NSNN cho thấy cũng đang có quy định mâu thuẫn, không phù hợp thực tiễn. Theo Bộ GTVT, để phối hợp giữa Trung ương, địa phương trong thực hiện các DA quan trọng quốc gia, tăng cường phân cấp, phân quyền, cần bổ sung các trường hợp đặc biệt về việc dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác.

Bộ GTVT kiến nghị nghiên cứu bổ sung Luật NSNN (về các trường hợp đặc biệt sử dụng ngân sách cấp này cho nhiệm vụ chi của cấp khác) theo hướng: Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương trong việc thực hiện một số DA đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia theo phương thức đối tác công tư.

Cần có cơ chế tạo linh hoạt

Về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia DA PPP, theo quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia DA PPP (hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc DA PPP; chi trả kinh phí bồi thường, GPMB, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công hình tạm) không quá 50% tổng mức đầu tư của DA.

Theo Bộ GTVT, hiện một số DA đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông rất cần thiết, cấp bách, cần phải triển khai để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Trong đó một số DA có lưu lượng cao, không yêu cầu tỷ lệ vốn nhà nước tham gia DA cao; một số DA lại có lưu lượng thấp, trường hợp vốn nhà nước tham gia trong DA nhỏ hơn 50% không đảm bảo được tính khả thi của DA (do tổng mức đầu tư các DA GTVT rất lớn trên 1.500 tỷ đồng), trường hợp thực hiện các DA này theo phương thức PPP thì thời hạn hợp đồng phải kéo dài, không hấp dẫn đối với nhà đầu tư và các định chế tài chính cung cấp nguồn vốn vay cho DA.

Trong điều kiện nguồn NSNN khó khăn, cần thực hiện chủ trương huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh triển khai các DA đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP; nên để bảo đảm tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, cần có cơ chế tạo linh hoạt cho cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia DA. Kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Luật PPP theo hướng: không quy định mức khống chế tỷ lệ vốn nhà nước.

Đáng chú ý, đối với vốn nhà nước trong DA thành phần, Điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 28/2021/NĐ-CP quy định: đối với DA có nhiều DA thành phần, trong đó có DA thành phần đầu tư theo phương thức PPP thì tỷ lệ vốn nhà nước (hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm) khoản 1 Điều 69 Luật PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của DA thành phần có sử dụng vốn nhà nước.

Đọc thêm