Đồi voi đá ngựa đá và đôi giếng mắt rồng
Vùng đất xã Thuận Minh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) từng là kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, trung tâm chính trị trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển của nhà Lê trung hưng, trước khi chuyển về kinh thành Thăng Long. Tuy tồn tại không lâu, nhưng kinh đô Vạn Lại - Yên Trường có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê cũng như trong lịch sử Đại Việt.
Cận cảnh cặp linh thú voi đá - ngựa đá. |
Theo sử sách, xã Xuân Châu, Thọ Minh (nay là xã Thuận Minh) và Thọ Lập thuộc vùng đất Vạn Lại - Yên Trường là nơi nhà Lê trung hưng lựa chọn để xây dựng kinh đô, khôi phục triều Lê. Năm 1546, với con mắt của nhà chiến lược quân sự, Thái sư Trịnh Kiểm tìm đến sách Vạn Lại để lập hành điện. Năm 1553, cho rằng đất Vạn Lại gần Lam Kinh, địa thế chật hẹp nên Trịnh Kiểm cho dời hành điện đến vùng đất Yên Trường.
Trong khoảng 50 năm thời Nam - Bắc triều, Vạn Lại - Yên Trường thực sự đóng vai trò là kinh đô của nhà Lê trung hưng. Do vị trí và tính chất là kinh đô của một vương triều thời đầu nhà Lê trung hưng, kinh thành Vạn Lại - Yên Trường được xây dựng đầy đủ của một kinh đô với cung đình, đàn tế Nam Giao, trường thi, phố xá, quán hàng... Trải qua hơn 500 năm, dấu tích kinh đô xưa hiện chỉ còn nền móng cung điện với hai cặp voi và ngựa đá được chế tác từ đá xanh nguyên khối và những mảnh vỡ từ gạch, ngói...
Khu vực cánh đồng Sao nơi có đôi giếng mắt rồng. |
Trên con đường dẫn đến khu vực từng là kinh đô Vạn Lại - Yên Trường xưa, chúng tôi nhìn thấy di tích Nghinh môn thuộc hành cung Vạn Lại ngay sát bên đường, giữa màu xanh ngút ngát của những đồi cây cao su. Theo quan sát, hai phía bên phải, bên trái Nghinh môn có đôi cặp linh thú voi đá, ngựa đá quỳ phục linh thiêng. Một lư hưởng bằng đá để nhân dân hương khói, tấm pano đỏ thắm mang dòng “Lễ dâng hương 475 năm ngày giỗ Trang Tông dụ hoàng đế, ngày 29/1/2023 năm Quý Mão. Người dân địa phương quen gọi Nghinh môn là điểm di tích voi đá, ngựa đá. Họ cũng cho biết nơi đây rất linh thiêng, lúc nào cũng có người đến hương khói tế lễ.
Đôi giếng mắt rồng quanh năm không bao giờ cạn nước... |
Cách điểm di tích Nghinh môn chừng 500m là đôi giếng cổ mắt rồng, tương truyền giếng này cũng đã tồn tại trên 500 năm. Đôi giếng nằm sát khu vực cánh đồng Sao được nhân dân canh tác trồng lúa nước. Theo quan sát, giếng mắt rồng hình tròn, bờ giếng được kè bằng đá ong, quanh năm nước đầy ắp, trong xanh.
Theo người dân địa phương, bao đời nay giếng mắt rồng chưa bao giờ cạn, kể cả vào những năm hạn hán, ruộng đồng khô nẻ. Thời gian trước đây chưa có nước sạch, người dân dùng nước giếng mắt rồng để làm nước uống, cúng lễ. Đã có những câu chuyện ly kỳ được thêu dệt xung quanh đôi giếng nước được mệnh danh là “giếng thần” này.
Con đường mòn dẫn vào nơi có dấu xưa còn lại của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường |
Dấu tích đàn Nam Giao - nơi “mở cửa lên trời”
Một trong số dấu tích còn sót lại của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường là Đàn tế trời Nam Giao, nay thuộc địa phận thôn 3 xã Thuận Minh. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư": "Tháng giêng năm hồng phúc nguyên niên (1572) vua lập đàn tế giao ở nơi đây. Năm 1578 vua Lê Thế Tông cho xây dựng lại và tế giao trên địa điểm này".
Theo tìm hiểu, nơi đặt đàn Nam Giao phải là nơi giao thoa, hội tụ khí thiêng của trời đất để hàng năm vào mùa xuân, Thiên tử (con trời) tiến hành tế trời đất, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, quốc gia thịnh trị. Đây còn là nơi vua tự răn mình để thế thiên hành đạo, trị quốc an bang. Khu vực đàn Nam Giao hiện nay nằm trong khu vườn của hộ gia đình bà Hoàng Thị Viết.
Đàn tế Nam Giao - nơi này hơn 500 năm trước các vua Lê trung hưng hành lễ tế trời, cầu mong quốc thái dân an, quốc gia thịnh trị. Khu vực linh thiêng này hiện ở trong vườn nhà bà Hoàng Thị Viết. |
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoàng Thị Viết cho biết, năm 1985 gia đình bà chuyển đến địa điểm này sinh sống thì trong khu đồi sau nhà đã có một bàn thờ thiên trên đỉnh đồi (bàn thờ ngoài trời, còn gọi là cây hương). Sau đó gia đình bà đã tiến hành san lấp quả đồi để tiện cho việc trồng trọt, canh tác; quá trình đào đất hạ thấp đồi có tìm thấy nhiều mảnh vỡ là gạch, gốm cổ… Đến khi biết điểm đặt cây hương thờ thiên trong vườn nhà mình chính là đàn tế trời Nam Giao của các vua Lê trung hưng cách đây gần 500 năm, gia đình bà đã dọn dẹp khu đất quang đãng, trồng hoa cảnh và rào lại không để gia súc, gia cầm bén mảng đến gần khu vực linh thiêng này.
Theo sử sách ghi lại, xưa kia diện tích của đàn Nam Giao khoảng 1,5-2ha, xung quanh được đắp bằng tường đất (hình thang), có chiều cao khoảng 1,2m, rộng khoảng 3m, chân của tường khoảng trên 5m. Chính giữa đàn có một nền cao, hình vuông (khoảng 300m2).
Nếp nhà đơn sơ của gia đình bà Hoàng Thị Viết, đàn Nam Giao nằm trong khu vườn bên hông ngôi nhà. |
Theo quan sát, dấu tích đàn Nam Giao hiện nay là một bàn thờ thiên với bát hương, bình hoa trên nền xi măng vuông vức, bằng phẳng, nằm giữa khu vườn cây cối xanh tươi. Xung quanh đàn tế được bà Viết trồng nhiều hoa cảnh, vây lưới để ngăn chặn không cho các loài vật đến gần.
Được biết, thời gian qua, các ban ngành chức năng ở trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng nhiều đề án, cũng như tổ chức nhiều hội thảo khoa học quan trọng nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa to lớn của kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, từng bước đưa khu di tích Vạn Lại - Yên Trường trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đó cũng là nguyện vọng đối với vùng di tích cổ mang giá trị quan trọng, tơ lớn trong lịch sử dân tộc.