Đối với người Á Đông nói chung, người Việt nói riêng, phần mộ ông bà tổ tiên thật là quan trọng. Ai cũng mong muốn cho “mồ yên mả đẹp”, lại có câu “sống về mồ về mả, chẳng ai sống về cả bát cơm”. Người ta sợ nhất là “động mồ động mả”.
Không rõ tục “tảo mộ” vào dịp tiết Thanh minh có từ bao giờ. Xét về nguyên nghĩa của từ thì “Thanh” nghĩa là thanh lọc, thanh khiết, chỉ sự “sạch sẽ” hay “trong lành”, “Minh” mang nghĩa là tươi sáng. Thanh minh là bầu trời thời gian đó quang đãng, sáng sủa. Thanh minh vốn là 1 trong 24 tiết khí trong lịch cổ truyền phương Đông, thường rơi vào khoảng ngày 4 hoặc 5/4 dương lịch, sau tiết Xuân phân chừng nửa tháng.
Xét về mặt thời tiết, khí hậu miền Bắc từ thời điểm Thanh minh trở đi, mưa phùn, nồm ẩm gần như đã chấm dứt. Tiết trời chuyển dần vào hè trở nên trong sáng, dễ chịu hơn. Thế nên, sau một mùa đông, cỏ cây thu mình trong sương giá cũng dịp này đâm chồi phát triển mạnh mẽ.
Ngày xưa, hầu như tất cả mộ phần đều nằm ngoài đồng, đắp đất chứ đâu có xây gạch xi măng kiên cố như bây giờ. Dịp này, người trong gia đình, trong họ họp nhau ra đồng “tảo mộ”, thăm viếng tất cả các mộ phần của ông bà tổ tiên. Cỏ rậm thì phát quang, đất khuyết thì đắp bồi, mặt bia được rửa, các dòng chữ được tô mực lại, thắp ba nén hương cắm trên mộ tỏ lòng tưởng nhớ.
“Cuộc thăm mộ ngày Thanh minh là một trong những hành vi tôn kính thiêng liêng nhất mà người sống có thể bộc lộ với người chết. Như ta biết, mồ mả được giữ gìn một cách thành kính ở Việt Nam cho đến lúc gia tộc tuyệt diệt. Chẳng ai trong họ có quyền di chuyển mồ mả, hay chỉ sửa lại tí chút, nếu không có sự thỏa thuận của cả họ”, học giả Nguyễn Văn Huyên ghi trong một nghiên cứu.
“Bách thiện hiếu vi tiên” (trăm điều thiện, hiếu đầu tiên). Trong niềm hiếu thảo sâu sắc, người ta năm nào cũng làm lễ Thanh minh. Bằng cách cử hành những lễ nghi, thăm viếng phần mộ người đã khuất, người sống chẳng những tăng cường mối liên hệ ràng buộc với người thân, “xích gần lại với người đã chết”, trong suy nghĩ "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn", tưởng như người thân còn lẩn khuất đâu đây.
Và lúc lặng im trong khói hương trầm, lặng im giữa những ngôi mộ, tĩnh tâm, trong một sợi dây vô hình, người ta không chỉ tưởng nhớ đến những bóng hình đã “về bên kia núi” mà cũng còn là dịp để nghĩ về đời mình. Cái kiếp người hữu hạn mong manh. Rồi đây, mình cũng như tất cả mọi người kia, cũng chỉ còn là một nấm đất "bên đời hiu quạnh"…
“Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” – Nguyễn Du đã viết thế trong Truyện Kiều. Và cụ Nguyễn làng Tiên Điền vốn thương cho những kiếp người mong manh đã viết nên “Văn tế thập loại chúng sinh” nên thương cả những nấm mồ vô chủ: “Sè sè nấm đất bên đường/Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng, nửa xanh/Rằng, sao trong tiết Thanh minh/Mà đây hương khói vắng tanh thế này”?
![]() |
Phần lớn mộ trong khu nghĩa trang ở Quảng An đã bị sụn lún, lâu không có người chăm sóc. (Ảnh: GH) |
… Tình cờ trong tiết Thanh minh năm nay, tôi có dịp thăm một nghĩa trang ít người biết ngay giữa Hà Nội, trong vùng “đất vàng” ven Hồ Tây, nằm tại phường Quảng An. Nghĩa trang của cộng đồng gốc Hoa từng sinh sống ở Hà Nội.
Bãi bể nương dâu, những biến thiên của thời cuộc dâu bể, đến nay, phần nhiều mộ trong nghĩa trang này không có người chăm sóc, nhiều mộ bị sụt lún, san phẳng. Ngay đến bia mộ cũng nghiêng ngả, nửa chìm sâu dưới đất. Cây cối rậm rạp, trở thành điểm phức tạp khiến chính quyền phường phải treo biển thông báo “đất nghĩa trang, nghiêm cấm mua bán, chuyển nhượng”.
Thanh minh, thắp cho những hương hồn cô quạnh một nén hương và mong chờ một giải pháp “thấu tình đạt lý” cho khu đất. Âu cũng là một việc nghĩa nên làm!