Đầu Xuân gặp gỡ tổ “hóa giải” xích mích ở làng quê

(PLVN) - Những ngày đầu Xuân chúng tôi có dịp về xã nông thôn mới Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), thăm tổ hoà giải kiểu mẫu thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn, được nghe các hoà giải viên kể nhiều chuyện bi, hài xảy ra ở vùng nông thôn đang từng ngày lên phố này.
Mỗi khi có vụ việc khó xảy ra ở thôn tổ hoà giải cùng phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ tư pháp xã vào cuộc xử lý dứt điểm từ cơ sở.
Mỗi khi có vụ việc khó xảy ra ở thôn tổ hoà giải cùng phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ tư pháp xã vào cuộc xử lý dứt điểm từ cơ sở.

Rút đơn li hôn, mua gà “đãi” Tổ hòa giải

Nhấp ngụm chén nước chè xanh vừa nấu còn nóng hổi ông Nguyễn Văn Dũng, Tổ phó Tổ hoà giải kiểu mẫu thôn Sâm Lộc cho biết: “Tổ hoà giải thôn Sâm Lộc được thành lập và hoạt động nhiều năm nay. Đến tháng 9/2021, tổ hoà giải thôn Sâm Lộc được huyện chọn xây dựng thành mô hình tổ hoà giải kiểu mẫu với 7 thành viên. Cơ cấu gồm tổ trưởng hoà giải là Bí thư chi bộ, tổ phó là trưởng thôn, năm thành viên còn lại là các chi hội, đoàn thể thôn”.

Ông Dũng kể: Làm công tác hòa giải ở khu dân cư là việc không hề đơn giản. Tượng Sơn là xã ven đô chỉ cách con sông là địa phận thành phố Hà Tĩnh, người dân vừa làm nông nghiệp vừa kinh doanh buôn bán do đó việc tranh chấp, mẫu thuẫn xảy ra không ít, nhất là các vấn đề liên quan đến xây dựng, đất đai thừa kế, mâu thuẫn vợ chồng... rất khó hòa giải, mà nếu hòa giải thành thì mất nhiều thời gian, công sức. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần là đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ, động viên theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, tác động tư tưởng để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn.

Ông Nguyễn Văn Dũng-Tổ phó tổ hoà giải kiểu mẫu thôn Sâm LộcÔng Nguyễn Văn Dũng-Tổ phó tổ hoà giải kiểu mẫu thôn Sâm Lộc

Ông Dũng vừa kể vừa dở cuốn sổ ghi chép liên quan đến hoạt động hoà giải trong thời gian qua. Tất cả các vụ việc xảy ra trong thôn đều được tổ hoà giải ghi chép cận thận, tuy nhiên không phải vụ việc nào chúng tôi cũng thông báo giữa cuộc họp thôn xóm, thậm chí để giữ thể diện cho các bên chúng tôi đến hoà giải cũng phải thể hiện sự kín đáo, nhẹ nhàng.

Mới đây tổ hoà giải thôn Sâm Lộc vất vả hơn một tháng trời mới hoà giải thành công cho một cặp vợ chồng đứng bên bờ li hôn, khi mà hai vợ chồng đã lên chức làm ông làm bà, hết sức bi hài.

Người xưa thường nói “thấy ăn thì đến, thấy đánh thì đi”, ấy thế mà với tổ hoà giải kiểu mẫu thôn Sâm Lộc xã Tượng Sơn thì ngược lại, hễ ở đâu có to tiếng, có xích mích là các hoà giải viên có mặt.

“Sau thời gian 1 tháng với nhiều lần đến hoà giải, anh chồng mới dịu lại lắng nghe, chia sẻ và đồng ý rút đơn, hai vợ chồng lại về sống hòa thuận với nhau. Ngày vợ chồng yên ấm, họ đã ra chợ mua gà về mở tiệc đãi cả tổ hoà giải. Lúc đó chúng tôi cảm thấy mình vừa làm được một việc nghĩa, cả tổ hoà giải ai cũng vui mừng”, ông Dũng tâm sự.

Kiên trì giữ tình làng, nghĩa xóm

Ông Hoàng Trọng Đức, Tổ trưởng tổ hoà giải kiểu mẫu thôn Sâm Lộc cho biết thêm: Giờ đây công việc hoà giải ở nông thôn không chỉ chuyện xích mích trong gia đình, mâu thuẫn làng xóm như con gà sang vườn nhà người khác, chăn thả gia súc phá hoa màu của nhau mà còn phát sinh những chuyện kiện tụng, thậm chí xảy ra đánh nhau như xây nhà lấn đất, tranh chấp đất đai được tổ hoà giải vào cuộc xử lý thành công.

Ông Hoàng Trọng Đức-Tổ trưởng tổ hoà giải kiểu mẫu thôn Sâm LộcÔng Hoàng Trọng Đức-Tổ trưởng tổ hoà giải kiểu mẫu thôn Sâm Lộc

Ông Đức tâm sự thêm: “Liên quan đến tranh chấp đất đai vì đây là khối tài sản lớn của người dân nên rất khó được các bên thoả hiệp. Sau khi tiếp nhận vụ việc, hòa giải viên sẽ tới gặp các bên liên quan để phân tích cái đúng cái sai. Tuy nhiên, điều then chốt để hoà giải thành công các vụ việc ở cơ sở là tổ hòa giải kiên trì, có quá trình tiếp xúc, sống với nhau lâu dài nên nắm bắt tâm tư tình cảm của các bên khi đã khơi thông được cái tình, cái lý thì các bên sẽ đi đến thỏa thuận và đồng ý hòa giải”.

Chia sẻ về công tác hòa giải tại thôn Sâm Lộc, ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết: Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được huyện và xã quan tâm. Trong năm 2021 tổ hoà giải của thôn được xây dựng thành mô hình tổ hoà giải kiểu mẫu (tổ hoà giải kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh). Mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân đều được chính quyền và tổ hòa giải vào cuộc ngay từ ban đầu vì vậy từ mâu thuẫn lớn trở thành mâu thuẫn nhỏ, từ mâu thuẫn nhỏ thì thành không có.

Ông Huy cho biết thêm: Từ thực tế tại địa phương cho thấy dù kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hòa giải viên đã tận tình, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc, đem lại sự yên vui, giữ được tình làng, nghĩa xóm. Phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Bà Trần Thị Hồng Thắm, cán bộ Phòng Tư pháp huyện Thạch Hà cho biết: Huyện Thạch Hà hiện có tổng cộng 202 thôn, tổ dân phố thì có 202 tổ hoà giải. Tuy nhiên năm 2021, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho các cấp ngành, địa phương xây dựng thí điểm tổ hoà giải cơ sở lên tổ hoà giải kiểu mẫu. Sau một năm triển khai xây dựng mô hình tổ hoà giải kiểu mẫu ở thôn Sâm Lộc xã Tượng Sơn cho thấy đây cũng là mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả. Đến thời điểm này đã nhân rộng được 30 tổ hoà giải kiểu mẫu trên địa bàn huyện Thạch Hà.

Đọc thêm