Davis-Monthan, 'nghĩa địa' máy bay có giá 35 tỷ USD

(PLO) - Nếu lái xe dọc theo con đường South Kolb ở thành phố Tucson, bang Arizona, Mỹ, bạn sẽ chứng kiến một cảnh tượng vô cùng kinh ngạc. Đó là hàng ngàn chiếc máy bay quân sự nằm nối tiếp nhau, bất động và yên lặng dưới cái nắng sa mạc gay gắt, từ những chiếc máy bay vận tải to lớn cho đến máy bay thả bom, hay loại chiến đấu cơ F-14 nổi tiếng trong phim “Top Gun” năm nào.
Xác một số máy bay chờ được đưa vào lò phế liệu
Xác một số máy bay chờ được đưa vào lò phế liệu

“Nhà” của 4.400 máy bay

Đây là Căn cứ Không quân Davis-Monthan, hay còn được gọi là “Khu cải tạo và bảo dưỡng máy bay thứ 309” (309 AMARG), đồng thời cũng là “nhà” của 4.400 chiếc máy bay, với diện tích khoảng 10.5km vuông. Nghĩa địa này được xem là một trong những biểu tượng sức mạnh của siêu cường hàng đầu thế giới, đặc biệt là về lĩnh vực hàng không.

Mỹ là một siêu cường quân sự với số lượng vũ khí, trang bị khổng lồ. Hàng năm họ thải loại rất nhiều loại vũ khí với niên hạn sử dụng 25 - 30 năm. Có nhiều nước đã mua sắm các máy bay, chiến hạm cũ của Hoa Kỳ, nhưng hàng năm vẫn còn một số lượng máy bay rất lớn được đưa vào các “nghĩa trang” này.

Ở đây cũng có đủ các loại máy bay, từ mới cứng như vừa hạ cánh cách đó vài tiếng, cho đến những chiếc máy bay đã nằm ở đây hàng năm trời, phủ đầy bụi và cát. Bên trong xưởng lắp ráp, nhiều chiếc máy bay đang được “mổ phanh” để tách các bộ phận lắp vào những chiếc máy bay còn hoạt động khác.

Một góc nghĩa địa máy bay
 Một góc nghĩa địa máy bay

Đây cũng là lý do tại sao người dân Arizona và người làm việc tại căn cứ quân sự không gọi bãi đáp này là Davis-Monthan, mà gọi chúng bằng cái tên nghe có vẻ tượng hình hơn, “chuẩn chỉ” hơn: “Nghĩa địa máy bay” (The Boneyard).

Mặc dù Davis-Monthan không phải là nghĩa địa máy bay duy nhất trên thế giới nhưng lại là nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới. Lý do mà Mỹ chọn đây làm căn cứ không quân là vì điều kiện khí hậu ở Arizona như khí hậu khô, độ ẩm thấp, ít mưa, đất phèn, ít xói mòn, sẽ giảm thiểu độ rỉ sét nếu để máy bay lâu ngày. Do vậy, đưa chúng về nơi có điều kiện khí hậu như Tucson sẽ giúp tiết kiệm hơn rất nhiều.

Hơn nữa, bên dưới lớp đất dày 15cm là một lớp đất sét có tên caliche. Lớp đất vô cùng cứng và ổn định này cho phép máy bay đáp xuống sa mạc mà không cần xây dựng sàn tiếp đất tốn kém. 

Máy bay phải tốn rất nhiều chi phí để chế tạo và bảo dưỡng. Ngay cả khi không còn hoạt động, chúng vẫn hữu dụng, nhưng phải dành nhiều chỗ và tiền bạc để lưu giữ tại những nhà chứa máy bay trong điều kiện ấm áp và khô ráo, nên sẽ rẻ hơn nhiều khi giữ chúng  ở Tucson. Đó là lý do tại sao có nhiều nghĩa trang máy bay lớn nhất thế giới giữa sa mạc khô nóng vùng tây nam nước Mỹ. 

“Đồng nát” giá… 35 tỷ USD

Tổng cộng có hơn 4.400 máy bay quân sự đậu tại đây, thuộc hơn 70 chủng loại, trị giá khoảng 35 tỷ USD của Mỹ. Sau thảm họa Chernobyl năm 1986, những máy bay trực thăng của Liên Xô như Mi-6 cũng được chuyển về đây.

Bên trong căn cứ có những nhân viên của bộ phận bảo trì có trách nhiệm giữ gìn các máy bay ở đây luôn trong tình trạng dự phòng, sẵn sàng bay trở lại. Nhân viên tại Davis-Monthan làm việc rất vất vả mỗi khi tiếp nhận máy bay. Bất kỳ máy bay nào đã đáp trên tàu sân bay phải được rửa kỹ lưỡng để tránh bị muối ăn mòn.

Tất cả bình chứa và đường dẫn nhiên liệu phải được rút cạn, súc rửa với một loại dầu bôi trơn như dầu máy khâu để đảm bảo các bộ phận không bị khô dầu. Sau đó, các nhân viên sẽ tháo bỏ các bộ phận có thể gây nổ.

Rất nhiều chim sắt vẫn còn khả năng tung cánh
Rất nhiều chim sắt vẫn còn khả năng tung cánh

Tiếp theo, các ống dẫn và bộ phận nhỏ được phủ băng nhôm, và cả máy bay được sơn lại bằng một loại sơn có thể dễ cạo ra. Hai lớp sơn đen và một lớp sơn trắng này giúp phản chiếu ánh nắng chói chang trên sa mạc, giúp giữ máy bay mát mẻ hơn. Những khe hở lớn hơn, như khoang chứa bom và lỗ thông hơi lớn được che phủ bằng lưới bằng sợi thủy tinh để tránh các loài chim vào làm tổ. Tổng thời gian cho các công việc này mất trung bình 150 tiếng cho mối chiếc.

Các máy bay được bảo quản ở các điều kiện khác nhau. Một số được giữ trong tình trạng gần như hoạt động đề phòng trường hợp cần quay trở lại phục vụ, trong khi một số khác được tháo rời các bộ phận.

Trong số các máy bay tại đây có nhiều chiếc B-52, có khả năng mang theo bom hạt nhân. Theo các hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược với Nga, những chiếc B52 được tháo rời cánh, giúp các vệ tinh của Liên Xô biết chắc rằng chúng đã không còn phục vụ nữa. Một số máy bay được sử dụng làm nguồn cung cấp các bộ phận riêng khi cần thiết. 

Những loại khác cũng sẽ được sử dụng làm phụ tùng thay thế, giữ lại trên máy bay đợi khi cần đến. Tại đây còn có một lò nấu kim loại nhằm tái chế hoàn toàn những máy bay dư thừa sau khi đã cắt rời từng mảnh.

Kho phụ tùng cho máy bay khắp thế giới

Với các dây chuyền lắp ráp ban đầu của hầu hết những máy bay bỏ xó lâu ngày, Davis-Monthan lưu giữ khoảng 400.000 loại dụng cụ và máy móc cần thiết để tạo ra các bộ phận riêng biệt. Không chỉ các máy bay tại Mỹ mà trên toàn thế giới đều sử dụng các linh kiện lấy từ kho dự trữ khổng lồ này.

Đươc biết tại đây người ta phân ra làm bốn loại máy bay: Thứ nhất, tình trạng còn tốt, sử dụng để dự bị cho lực lượng máy bay hiện đang sử dụng. Hầu hết doanh số bán máy bay cũ cho nước ngoài của quân đội Mỹ là đến từ các máy bay này. Loại thứ hai, có số lượng ít hơn là sau một thời gian bảo dưỡng ngắn có thể tiếp tục hoạt động trở lại.

Bên trong căn cứ có những nhân viên có trách nhiệm giữ gìn một số máy bay luôn trong tình trạng dự phòng, sẵn sàng bay trở lại

 Bên trong căn cứ có những nhân viên có trách nhiệm giữ gìn một số máy bay luôn trong tình trạng dự phòng, sẵn sàng bay trở lại

Loại thứ ba là không còn khả năng bay, sẽ tháo lấy các bộ phận linh kiện còn tốt, dùng để thay thế cho các loại máy bay cùng chủng loại. Loại thứ tư là máy bay bị tiêu hủy, vài bộ phận được thu hồi làm thép phế liệu. Rất nhiều máy bay trong số này vẫn còn khá tốt, nếu vào tay nước khác vẫn còn có thể sử dụng nhiều năm.

Điển hình như các loại máy bay chiến đấu F-15, F-16, máy bay ném bom chiến lược B-52H, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion… Ngoài ra, còn có các loại máy bay thế hệ cũ như F-4, F-5, F-105, F-111… Được biết, một số máy bay chiến đấu F-15, F-16 hoặc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion, trực thăng UH-1… được đem bán cho các nước có ngân sách eo hẹp, đã được “mông má” lại, sau khi trải qua một thời gian dài cất trữ tại đây. 

Một người từng thăm Davis-Monthan và vài nghĩa trang khác trong sa mạc, đã nói: “Nếu còn sử dụng máy bay, dù quân sự hay thương mại, các nghĩa địa như thế này luôn cần thiết để duy trì hoạt động cho máy bay khác”.

Mỗi bãi thường thực hiện một loạt các chức năng từ lưu giữ máy bay tạm ngưng hoạt động; sửa chữa bộ phận còn sử dụng được sau khi kiểm tra toàn bộ và tháo dỡ các xác máy bay. Các chức năng đồng bộ này là một phần trong vòng đời của một máy bay.

Một người cho hay: “Tôi đã bay trên máy bay đến khu nghĩa địa, có cơ hội xem các bộ phận bị gỡ bỏ khỏi một máy bay và sau đó lại đi trên một máy bay với các bộ phận được tận dụng từ máy bay khác, đúng các bộ phận tôi thấy được gỡ bỏ, bảo quản và lắp đặt”. Và với các chim sắt được đưa đến “nhà dưỡng lão” này, thời tung cánh chưa hẳn đã qua.

Trên thế giới cũng có một số “nghĩa địa” tương tự. Ví dụ như các căn cứ máy bay ném bom cũ tại Vozdvizhenka, cách Vladivostok miền viễn đông Nga khoảng 96km về phía Bắc, từng là căn cứ những máy bay ném bom siêu thanh thời Liên Xô. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, chúng trở nên thừa thãi và chỉ đơn giản là nằm yên tại chỗ. Các cơ sở từng một thời xem là bí mật, nay đang bị bỏ rơi và phi đội ném bom bên trong hàng rào rỉ sét chỉ còn làm kiểu cho các nhiếp ảnh gia. 

Một nghĩa trang khác thời hậu Xô Viết trong khu vực cách ly Chernobyl – vùng sơ tán sau thảm họa hạt nhân năm 1986 tại Ukraine. Các phương tiện được sử dụng để làm sạch khu vực thiên tai đã bị nhiễm phóng xạ, những trực thăng khổng lồ bị bỏ hoen rỉ trên cánh đồng

Đọc thêm