Dạy ca trù “siêu tốc” để nổi danh và nhanh... kiếm tiền

“Hiện nay, một số Câu lạc bộ, nhóm mang tính kinh doanh, chạy theo thị trường để làm sao vừa có danh vừa có lợi. Số khác thì chớp được thời vụ nếu nhận được hợp đồng biểu diễn sẽ gọi người đến đàn hát”, TS.Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản và Viện Âm nhạc bức xúc, nói.

Từ năm 2009, nghệ thuật Ca trù đã  trở thành di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận. Nhưng cũng từ đó, nhiều khi công chúng phải thưởng thức một ca trù… lai căng nếu không muốn nói nặng nề hơn là biến dạng và méo mó    nhiều ca sĩ, nghệ sỹ chèo, cải lương coi Ca trù là một “món ăn” lạ, là một “mốt” để theo họ theo học với thời gian “siêu tốc”... 1 tháng.

Nghệ thuật Ca trù rất cần nghệ sĩ có tâm với nghề.
Nghệ thuật Ca trù rất cần nghệ sĩ có tâm với nghề.

Ca nương “đi tắt đón đầu”

Một nghệ nhân ca trù ở Câu lạc bộ Hà Nội từng “choáng váng” khi được một ca sĩ hát nhạc trẻ đề nghị dạy hát ca trù với thời gian “siêu tốc”... 1 tháng!. Nghệ nhân đó đã giải thích,  việc học ca trù phải rất quy củ và mất nhiều thời gian, thường đào kép phải học từ sáu, bảy tuổi, sau chừng bốn, năm năm may ra mới học được dăm ba chục điệu làm lưng vốn hành nghề.

Phớt lờ việc giải thích ấy, cô ca sĩ nói rằng, cô chẳng cần phải học dăm ba chục điệu, bài cổ mà chỉ cần học 1-2 bài “dắt lưng” để kiếm cơm. Theo cô ca sĩ này thì việc cô muốn học 2 bài vì cô muốn mình sớm trở thành... ca nương để khẳng định “tài năng” của mình với đồng nghiệp. Cô cũng bật mí một khát khao rằng, trong một chương trình nghệ thuật, cô - sẽ từ một ca sĩ hát “Trống vắng”, ngay lập tức biến thành ca nương với bài “Gặp đào hồng ”. Nếu được vậy, đồng nghiệp, khán giả có thể khâm phục “tài biến hóa” của cô.

Ý tưởng của cô ca sĩ trẻ này không chỉ có một. Từ năm 2009, nghệ thuật Ca trù đã trở thành di sản văn hóa thứ tư của Việt Nam được UNESCO công nhận, thì nhiều ca sĩ, nghệ sỹ chèo, cải lương coi Ca trù là một “món ăn” lạ, là một “mốt” để theo họ theo học và trình diễn.

Khi yêu cầu có thể kể một số không gian hát ca trù, một “ca nương” lắc đầu, phẩy tay: “Chúng tôi chẳng cần quan tâm đến không gian hát ca trù, nguồn gốc xuất xứ, ý nghĩa nội dung bài hát, cách lấy hơi nhả chữ sao cho đúng…mà chỉ quan tâm mỗi chuyện phải làm thể nào để nhanh thuộc lời và giai điệu. Thuộc càng nhanh càng tốt, để chúng tôi có thể có cơ hội có những hợp đồng…chạy sô béo bở ở một vài nhà hàng, tiệc cưới hay ở chương trình nghệ thuật tạp kỹ. Bây giờ thời đại @, chúng tôi bỏ ra vài năm học ca trù để... chết già à?”.

NSND Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội buồn rầu nói: “Hiện nay, thầy ca trù giỏi và thực tâm với nghề không còn nhiều. Trò thì không đủ kiên nhẫn học theo bài bản theo cách dạy truyền thống. Vì thế, cũng không quá ngạc nhiên khi có người tự xưng là đào nương, ca nương, kép đàn cũng chỉ biết một hai bài hoặc một hai thể cách. Nếu trước đây, việc tuyển chọn người truyền nghề được đặc biệt coi trọng, khắt khe thì nay, do ảnh hưởng bởi tâm lý “đi tắt đón đầu” mà lượng đào nương, kép đàn xuất hiện ồ ạt”.

Về đâu một loại hình nghệ thuật?

Cái sự học “siêu tốc” như vậy đã khiến loại hình nghệ thuật Ca trù bị biến dạng và méo mó. Công chúng phải thưởng thực một ca trù lai căng. Không chỉ có các ca nương, mà các câu lạc bộ ca trù cũng chạy sô thời... “siêu tốc”. Do vậy, trên chiếu chầu - nơi được coi là thánh đường của Ca trù - còn xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, cư xử không văn hóa, ích kỷ, bá chủ độc quyền, lôi kéo, bè phái.

TS.Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản và Viện Âm nhạc bức xúc: “Hiện nay, một số Câu lạc bộ, nhóm mang tính kinh doanh, chạy theo thị trường để làm sao vừa có danh vừa có lợi. Số khác thì chớp được thời vụ nếu nhận được hợp đồng biểu diễn sẽ gọi người đến đàn hát”.

Mới đây, Viện Âm nhạc Việt Nam đã có bản báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về kế hoạch thực hiện dự án “Nghiên cứu, truyền dạy, phát huy ca trù vào đời sống và kiểm kê di sản ca trù năm 2012” với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Dự án sẽ tập trung vào công tác nghiên cứu, truyền dạy, kiểm kê và trình diễn ca trù. Đây có thể coi là khâu trọng yếu để kịp thời bảo vệ và từng bước phục hồi, phát huy giá trị của di sản ca trù.

Đây thực sự là một tin tốt lành cho những người nặng lòng với lại hình nghệ thuật này. Thế nhưng, với những ai đang chạy theo bề nổi, chạy theo hợp đồng biểu diễn thì “di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” này sẽ đi về đâu?.

Thùy Dương

Đọc thêm