“Trào lưu” hăm dọa trẻ?!
Những ngày qua, nhiều phụ huynh chia sẻ clip “Cách cho trẻ ăn hiệu quả” của một TikToker. Trong clip, TikToker đóng vai “cô Trinh”, diễn cảnh cầm bát dọa em bé ăn cơm kèm lời nói mang tính hăm dọa như “ngoan cô Trinh thương, cô Trinh yêu. Hư cô Trinh nuốt chửng”. Cùng theo đó là nền nhạc “kinh dị” và hành động đấm vào ngực, trợn mắt, gằn từng tiếng.
Đáng nói là clip này thu hút hàng triệu lượt xem, trong số đó có nhiều bậc phụ huynh mở clip để “dọa” con khi con không ăn cơm. Trong hàng chục ngàn bình luận dưới clip, có không ít bố mẹ khen clip “hiệu quả”, mở ra là bọn trẻ ngừng quấy và ăn ngay. Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ còn quay lại video và đăng lên mạng cảnh con mình xem clip rồi bị hoảng sợ, chịu ăn cơm, uống sữa, đi ngủ ngay lập tức.
Cách dùng bạo lực, nỗi sợ hãi để dọa con, giúp con nghe lời nhanh chóng đã được không ít ông bố, bà mẹ áp dụng. Cách đây ít lâu, một trào lưu quay clip “đánh thú bông hăm dọa trẻ” cũng được lan truyền. Các clip đăng tải trên mạng quay cảnh người lớn cho trẻ con ăn, bên cạnh là một thú bông hình các con vật đáng yêu. Phụ huynh giả vờ đút cho thú bông ăn, diễn cảnh thú bông từ chối và bị đánh đập rất tàn nhẫn. Thậm chí có clip người lớn còn dùng dao để “dạy” thú bông. Nhiều clip cho thấy các bé rất hoảng sợ khi thấy cảnh trên và lập tức há miệng ăn ngay trong tiếng cười thích thú của các bậc cha mẹ.
Trên các trang thương mại điện tử cũng từng tràn lan các “dụng cụ” để dạy trẻ con bằng bạo lực như roi mây, thước đánh trẻ, đồ vật phát ra tiếng kêu hăm dọa trẻ... và được một số phụ huynh đặt về sử dụng.
Thực tế, phương pháp dạy con bằng hăm dọa đã có từ xưa, như là một thói quen của nhiều bậc cha mẹ Việt. Trong những câu chuyện dạy trẻ, thường có yếu tố “kinh dị” như “chạy lung tung sẽ bị ông ba bị bắt”, “không chịu ăn sẽ bị hổ ăn thịt”… Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, những phương pháp dạy mang tính bạo lực ngôn ngữ ấy đã trở nên lạc hậu, cần loại bỏ.
Cần phương pháp dạy con tích cực
Theo các chuyên gia tâm lý, dùng hăm dọa và bạo lực ngôn ngữ để dạy con, cho con coi những clip đe nẹt, “diễn” cho con những cảnh bạo lực hay kể những câu chuyện về nhân vật đáng sợ trừng trị trẻ hư sẽ làm cho trẻ sợ hãi, tuân thủ nhất thời, nhưng về lâu về dài sẽ gây tai hại. Sự nghe lời của trẻ khi ấy không xuất phát từ sự dạy bảo hợp lý, từ sự giáo dục chân chính mà là “buộc” phải nghe vì sợ những hậu quả ghê gớm. Nó sẽ gây ra lệch lạc trong nhận thức đúng sai của trẻ nhỏ.
Cạnh đó, sự hù dọa mang yếu tố kinh dị, đáng sợ còn có thể gây ra những ám ảnh tâm lý cho trẻ mãi về sau. Thực tế, đã có không ít em nhỏ bị sợ hãi, ác mộng vì bị người lớn dọa nạt.
Ở phần các nguyên tắc ứng xử giữa cha mẹ và con cái trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành có nói đến phương pháp dạy con tích cực, trong đó có lắng nghe tích cực và kỉ luật tích cực.
Cha mẹ thường hay than phiền rằng bọn trẻ thật khó hiểu và ngang bướng. Thực ra đó là vì cha mẹ chưa tạo cơ hội cho con được thấu hiểu. Cha mẹ vì một lý do nào đó mà đôi khi làm ngơ trước những cảm xúc của con cái. Trẻ con cũng như người lớn, biết vui, biết buồn, biết thương, biết nhớ và cả biết cáu, biết giận. Bộ Tiêu chí khuyên rằng, cha mẹ hãy đến bên con; hãy cho con quyền được chia sẻ, quyền được lắng nghe. Lắng nghe con để hiểu tâm lý của con, để cùng con trải nghiệm những cảm xúc.
Về phần kỷ luật tích cực, Bộ Tiêu chí nhấn mạnh, con người ai cũng có lúc mắc lỗi lầm. Trẻ nhỏ, khi não bộ chưa phát triển toàn diện, khi sự nhận thức chưa đạt đến mức tối ưu thì việc trẻ phạm lỗi là điều không thể tránh khỏi. Cha mẹ cần thống nhất những hình thức kỷ luật tích cực đối với con và phải nghiêm túc, kiên nhẫn thực hiện các hình thức kỷ luật đó. Sự nghiêm túc và kiên nhẫn trong việc áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực sẽ giúp cha mẹ có uy tín thực sự với con và tạo cho con ý thức trách nhiệm đối với những hành vi của mình trong cuộc sống. Kỷ luật tích cực không đi kèm với lăng mạ, trừng phạt nặng nề mà là một trong những phương pháp giáo dục hết sức quan trọng trong gia đình.