“Dạy” con “đánh đu” với tử thần

(PLVN) - Trên đường, chúng ta rất dễ bắt gặp những ông bố, bà mẹ đèo con đằng sau nhưng vẫn thản nhiên vi phạm luật giao thông: Không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, cho con nằm ngả ngốn hay đứng chênh vênh đằng sau xe… Trẻ có xu hướng bắt chước hành động của cha mẹ hơn là nghe theo những lời dạy dỗ.
Người mẹ cho con đang ngủ di chuyển trên đường.
Người mẹ cho con đang ngủ di chuyển trên đường.

Hành vi vi phạm luật giao thông của những ông bố, bà mẹ ấy là “tấm gương mờ” phản chiếu lại những đứa con mình. Trẻ sẽ học và bắt chước rất nhanh chóng. Và rất có thể, tai nạn giao thông, “tử thần” kéo tới.

Kinh hãi khi bố mẹ đèo con

Không ít ông bố, bà mẹ dạy con là đi đứng cẩn thận nhất là đi ngoài đường, tai nạn giao thông luôn rình rập nên phải chấp hành luật an toàn giao thông. Thế nhưng, chính họ lại là “thủ phạm” gây mất an toàn giao thông, coi thường luật pháp, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của họ, con mình và những người tham gia giao thông gây lo ngại, bức xúc cho nhiều người.

Trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh ghi lại cảnh người đàn ông điều khiển xe máy chở theo một đứa trẻ khoảng 4-5 tuổi. Theo đó, một bé gái mặc váy đứng chênh vênh trên xe, tay bám hờ vào vai bố. Người bố điều kiển xe máy phóng nhanh trên đường. Cả hai bố con đều không đội mũ bảo hiểm.

Lại có bức ảnh gây bức xúc cho người xem. Bức ảnh hiển thị vào ngày 14/8/2020, dù trời đã tối nhưng người phụ nữ vẫn dùng khăn bịt mặt kín như “ninja”, điều khiển xe máy Honda Cub đi trên đường phố. Trên chiếc xe đang chạy khá nhanh, người phụ nữ dùng tay phải để điều khiển xe còn tay trái thì bế cháu bé. Cháu bé ngả người vào vai người phụ nữ nhưng toàn bộ phần lưng không hề được nâng đỡ, cháu cũng không đội mũ bảo hiểm, chỉ đội chiếc mũ lưỡi trai vải mỏng manh.

Cuối năm 2018, một người mẹ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, để con trai ngồi ngược ghế mà không có đai an toàn. Hơn nữa, người mẹ này thản nhiên vạch áo cho em bé ti khi đang lạng lách trên đường.

Khi đi lên cầu vượt, người mẹ một tay ôm con, một tay cầm lái. Hành động này không đảm bảo an toàn bởi trong tình huống bất ngờ như đường xấu, khúc cua, gặp phải nhiều phương tiện khác thì cả tay giữ trẻ và tay lái đều yếu, cả phụ huynh và trẻ đều có thể gặp nguy hiểm.

Lại có trường hợp, một người phụ nữ đi xe máy trên đường để bé trai khoảng 5-6 tuổi nằm trên xe với tư thế ngửa mặt lên trời, tay mơ màng bám vào khung yên. 

Cảnh tượng kinh hãi.
 Cảnh tượng kinh hãi.

Ngoài những cảnh tượng thót tim,  “đánh đu” với tử thần ấy, còn có vô số cảnh bố mẹ đèo con lấn làn, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ. Khi con hỏi tại sao lại đi nguy hiểm vậy, nhiều ông bố, bà mẹ chống chế: “Đi vượt đèn đỏ cho nhanh, không thì đi học muộn”; “Chỗ này không có công an giao thông, khỏi đội mũ bảo hiểm cho mệt”; “Đầy người đi ngược chiều, sợ gì hả con?”…

Vô tình, cách tham gia giao thông của người lớn đã khiến trẻ con cảm nhận rằng, chỉ nên giữ đúng luật giao thông khi có công an, còn những lúc khác thì mạnh ai nấy đi. Những câu nói chống chế ấy đã gieo vào đầu con trẻ về sự coi thường luật an toàn giao thông và coi thường tính mạng người tham gia giao thông.

Và hậu quả nhãn tiền…

“Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Chiều 13/7/2020, nhiều người dân tại Hà Nội choáng váng trước cảnh tượng 2 cậu bé “hồn nhiên” phóng xe máy ào ào trên đường. Cả hai đều không đội mũ bảo hiểm.

Có không ít trường hợp thanh thiếu niên đua xe vi phạm giao thông, họ thản nhiên trả lời: “Từ nhỏ, cháu thấy bố mẹ đi vượt đèn đỏ, không đội mũ nên bây giờ, cháu lấy xe của mẹ để tìm cảm giác lạ”.

Những năm gần đây, tỷ lệ tai nạn giao thông ở trẻ em đang ngày càng gia tăng. Số liệu TNGT 5 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/5/2020), trên cả nước đã xảy ra 5.508 vụ TNGT, làm chết 2.667 người, bị thương 3.965 người.

Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, nguyên nhân chủ yếu xảy ra các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường. Người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT. 

Mọi hành vi ứng xử, văn hóa giao tiếp hàng ngày của các bậc phụ huynh, ông bà đều tác động đến nếp sống, suy nghĩ của con em. Cha mẹ bao giờ cũng là những thầy, cô giáo đầu tiên trong giáo dục và nuôi dưỡng nhân cách của con em mình.

Còn nhớ Ths - BS Lan Hải đã từng kể câu chuyện: “Nhiều bậc phụ huynh đưa con đi học, sợ trễ giờ, sẵn sàng vượt đèn đỏ, nếu kẹt xe, có người còn chở con leo lên vỉa hè như một làn đường dự phòng, các bé lúc đầu còn mắc cỡ, ngại ngùng nhắc bố mẹ nhưng sau khi nghe giải thích: “Sợ trễ...” thì từ đó còn reo hò thúc giục bố mẹ như trong cuộc đua kỳ thú (!)”.

“Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Những hành vi xấu của cha mẹ không chỉ tạo thói quen xấu cho bản thân, mà còn tạo cả thói quen xấu cho trẻ. Tâm hồn con trẻ như tờ giấy trắng, phụ huynh “vẽ” những “nét vẽ” đầu tiên sẽ in hình mãi mãi trong tâm hồn trẻ. Phụ huynh thường chủ quan kiểu “bọn trẻ còn nhỏ, biết gì đâu mà lo”, nhưng họ đâu biết, trẻ đã bị thẩm thấu trọn hành vi xấu mỗi khi người lớn thể hiện trước mặt các em.

Chị Phạm Thu, 32 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) kể lại sự trách móc của cậu con trai 8 tuổi về hành động của mình. Chị nghĩ cơ quan và trường học của con ngay gần nhà lại không có chốt công an nên chị có thói quen không thích đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ. Có hôm, con trai chị nhất quyết không để mẹ đưa tới lớp và đòi bố đưa đi.

Bố đèo con gái đánh đu với tử thần.
 Bố đèo con gái đánh đu với tử thần.

Gặng hỏi, con trai chị mếu máo trả lời: “Mẹ không đội mũ bảo hiểm, hôm trước đèo con vượt đèn đỏ. Cô giáo con nhìn thấy đã tới lớp gọi con ra phê bình. Cô nhắn con bảo mẹ ý thức kém thế thì bảo ban làm sao cho con trưởng thành. Mẹ không nên đèo con vì sẽ xảy ra tai nạn. Con xấu hổ lắm”. Nghe con nói, chị Phạm Thu hiểu ra và xin lỗi con và tự sửa đổi hành vi của mình.

Còn anh Nguyễn Thành An, 42 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) đau đớn thấy con đầu băng bó nằm trong viện, khoa cấp cứu. Nhân ngày sinh nhật con tròn 18 tuổi, anh An mua tặng con chiếc xe máy. Anh dặn nó bao giờ có bằng lái thì mới được sử dụng.

Thấy bố đi công tác vài hôm, con trai anh đã lấy xe kẹp ba đi dã ngoại. Đến đoạn đường quốc lộ, do không làm chủ tay lái, xe con trai anh điều kiển tông vào xe tải. Con anh và hai người bạn đằng sau không đội mũ bảo hiểm đã bị chấn thương vùng đầu, tay chân bị thương tích.

 “Tại sao không nghe lời bố, có bằng lái mới được đi và tại sao lại kẹp ba, không đội mũ bảo hiểm gây ra nông nỗi này?”, con trai anh nén đau lí nhí trả lời: “Từ nhỏ, con thấy bố có mấy khi đội mũ bảo hiểm đâu. Cứ qua chốt công an, bố lại tháo mũ ra. Bố lại hay phóng nhanh, vượt ẩu. Mới đầu, con sợ hãi nhưng rồi lại có cảm giác thích thú, mạo hiểm. Nên lần này, bố đi vắng, con rủ mấy đứa bạn đi “đánh võng” ngoài đường cho vui”.

Khi nghe con trả lời, anh An lặng người. Anh không thể trách mắng con vì đó là do sự “giáo dục” của anh mà nên. Anh là tấm gương xấu để con soi vào và làm theo. Giờ con và hai đứa bạn con nằm rên rỉ kêu đau trên giường bệnh, anh thấy hối hận vô cùng.

Chính anh là “thủ phạm” khiến con “đánh đu” với tử thần. Anh cầu mong con và các bạn con sớm phục hồi, ra viện. Anh sẽ sửa đổi hành vi và cũng mong đây là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. Bởi, “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. 

Đọc thêm