Yêu cầu này đối với hệ thống giáo dục thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là không mới. Có chăng chỉ ở nhân lực và phương pháp thực hiện. Hay nói cách khác: Giảng cái giáo viên có hay giảng điều học sinh cần?
Bối rối giữa “dạy học pháp luật” và “giáo dục pháp luật”
Ở nước Đức, theo chia sẻ của chị Vũ Thu Hương, từng có thời gian sinh sống và có con gái học mẫu giáo tại đây, không có môn Đạo đức nhưng các giáo viên dạy học sinh thông qua các lễ hội, các quy định pháp luật. Đức là quốc gia thực hiện nghiêm túc và coi trọng luật lệ chứ không kiểu “phép vua thua lệ làng”.
Đã là luật thì không phải cãi, không thanh minh. Ngay cả chính bố mẹ đèo con đi trên đường mà vượt đèn đỏ thì sẽ bị giữ xe lại và bị phê bình: “Anh/chị đang làm hại con”. Nếu bố mẹ không tuân thủ theo luật, nhà trường ngay lập tức sẽ nhắc nhở “Không đủ tư cách dạy con”. Ở Đức người ta đánh giá con người qua thước đo tuân thủ luật và cống hiến cho loài người, chị Hương cho biết. Ở Đức thay cho dạy học sinh câu: “Tôi yêu đất nước” họ sẽ dạy “Những người tuân thủ luật lệ là những người yêu nước”.
Ở Việt Nam, trong chương trình giáo dục ở các bậc học phổ thông từ tiểu học đến THPT, những kiến thức cơ bản về pháp luật đã được đưa vào giảng dạy. Chẳng hạn, từ bậc tiểu học đến THCS, học sinh đã được làm quen với một số biển báo và những kiến thức cơ bản cần thiết khi tham gia giao thông. Mặc dù vậy, do hạn chế về thời lượng, cùng với đó là phương pháp truyền thụ của giáo viên chưa thực sự sinh động, hấp dẫn nên thường xảy ra tình trạng “học trước, quên sau”, kiến thức không “đọng” lại được lâu.
Phân tích nguyên nhân, trong bài trao đổi về vấn đề “Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho học sinh trung học phổ thông hiện nay”, ông Đặng Minh Tiến - THPT Vũ Quang, Hà Tĩnh cho rằng, nội dung giáo dục pháp luật đang có sự “quá tải” khi có rất nhiều ngành luật được tuyên truyền, giảng dạy trong nhà trường thông qua các hình thức như: tích hợp, lồng ghép, chuyên đề, thêm tiết... mà thiếu đi sự lựa chọn nội dung trong việc giáo dục pháp luật cho học sinh. Điều này dẫn tới sự lúng túng trong xây dựng chương trình, nhiều nội dung đưa vào môn Giáo dục công dân (GDCD) trùng lặp với môn học khác.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có những đổi mới bước đầu như: đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá môn GDCD theo hình thức vừa bằng cách cho điểm, vừa bằng cách đánh giá biểu hiện hành vi thông qua xếp loại hạnh kiểm, nhưng “một giáo viên dạy môn GDCD nếu không kiêm nhiệm các công tác khác sẽ phải dạy 17 tiết/1 tuần (tương ứng với 17 lớp và 765 học sinh – mỗi lớp 45 em) tức là trong một tuần, giáo viên phải tiếp cận với 765 học sinh. Với số học sinh đông đảo như vậy mà giáo viên chỉ có 45 phút tiếp cận thì làm sao họ có thể nắm bắt được diễn biến tâm lý, biểu hiện hành vi của học sinh để đánh giá, xếp loại ghi vào học bạ?” – ông Đặng Minh Tiến bày tỏ.
Hơn nữa, về phương pháp, giáo viên chưa phân biệt được giữa “dạy học pháp luật” và “giáo dục pháp luật”. Đa số giáo viên hiện nay vẫn còn nặng về “dạy học”- tức là tuyên truyền, trình bày cặn kẽ, giúp học sinh tiếp thu, nắm vững về pháp luật. Cách làm này chỉ đạt được mục tiêu nâng cao hiểu biết pháp luật nhưng lại chưa giáo dục được ý thức, thái độ, hành vi, kỹ năng, kỹ xảo cho học sinh dẫn đến thực trạng vi phạm pháp luật ở các em có chiều hướng gia tăng ngay khi chúng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật…
Giảng dạy pháp luật ở phổ thông - đừng mang tính hình thức
Năm 2017 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các thí sinh sẽ phải dự thi 3 môn bắt buộc (Ngoại ngữ, Văn, Toán) và 1 môn trong 2 môn tự chọn là khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (GDCD, Sử, Địa) để xét tốt nghiệp. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra thông tin đưa môn GDCD vào kỳ thi THPT với hy vọng môn thi này sẽ tăng cường bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho học sinh, đồng thời làm giảm bạo lực học đường, đã có rất nhiều ý kiến, nhiều tranh luận khác nhau.
Trả lời báo chí bên lề Quốc hội cuối năm 2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện cho biết: “Từ trước đến nay, môn GDCD trong các cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức, chưa được như mong muốn. Nếu đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp với mục đích như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói là để tăng cường bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho học sinh, thì công tác giảng dạy môn này ở phổ thông phải thực sự hiệu quả không mang tính hình thức như trước đây”. Theo bà Hải, việc đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp phải có lộ trình. Các cơ quan quản lý giáo dục phải chuẩn bị làm sao để việc thực hiện cho hiệu quả. Muốn vậy phải thay đổi chương trình, sách giáo khoa, giáo viên, phương tiện để thực hành…
Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho học sinh, ông Đặng Minh Tiến - THPT Vũ Quang, Hà Tĩnh cho rằng, cần thay đổi mạnh mẽ quan điểm về giáo dục pháp luật cho học sinh theo hướng chuyển đổi từ “dạy học pháp luật” sang “giáo dục pháp luật”. Cụ thể chuyển từ tuyên truyền, trình bày cặn kẽ nội dung các ngành luật cho học sinh sang giáo dục tri thức, tư tưởng, thái độ, hành vi, kỹ năng sống thông qua tổ chức các hoạt động thiết thực... nhằm tăng cường tính tự giác chấp hành pháp luật ở các em ngày một cao hơn.
Các nhà trường cần thành lập “Tổ Tư vấn học đường – Giáo dục pháp luật” mà giáo viên trong tổ được lựa chọn kỹ lượng gồm những người có kinh nghiệm trong các bộ môn (GDCD, Văn, Sử...) và giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn để có một lực lượng chuyên trách làm công tác giáo dục đạo đức, pháp luật, giáo dục ý thức, thái độ, hành vi và các kỹ năng sống cho học sinh. Phương pháp giáo dục phải được “mềm hóa”, “tích cực hóa” bằng việc tổ chức các hoạt động để học sinh chủ động học tập, tìm hiểu và tự hoàn thiện phẩm chất của mình.