Đẩy lùi tảo hôn để nâng cao chất lượng giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là đẩy lùi vấn nạn tảo hôn. Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn ông Rô Krik - Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai - nơi có không ít em gái mới chỉ 14, 15 tuổi đã nghỉ học để lấy chồng và sinh con.

Theo Phòng Dân tộc huyện Krông Pa, thời gian qua, nạn tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Năm 2023, toàn huyện có 61 cặp tảo hôn (giảm 10 cặp tảo hôn so với năm 2022) và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống.

Tỉnh Gia Lai đang thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết giai đoạn 2017 - 2025” và mới sơ kết 3 năm thực hiện đề án. Với địa bàn xã Đất Bằng, thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong những năm gần đây diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Đất Bằng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Pa, Gia Lai có 4 buôn gồm: Ia Rnho, Ia Rpua, Ia Prong, Ma Giai, với gần 2.000 hộ và gần 5.000 khẩu, chủ yếu là đồng bào DTTS. Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết giai đoạn 2017 - 2025” được 3 cấp chính quyền từ tỉnh đến xã thực hiện đồng bộ, quyết liệt tập trung vào tuyên truyền, vận động trên nhiều kênh, như: tuyên truyền khi tổ chức họp dân, tuyên truyền trực tiếp tới từng đối tượng, tuyên truyền ở các trường học… Kết quả tình trạng tảo hôn mấy năm gần đây có giảm nhưng chưa đáng kể.

Giai đoạn 2010 - 2015, xã cũng đã ra nghị quyết, tham mưu để xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu như thách cưới 3 - 4 con bò, tiền 5 - 10 triệu đồng, chưa kể tiền góp làm đường cho buôn làng, phía Nam thị trấn thách cưới cao. Đồng bào DTTS ở đây theo chế độ mẫu hệ nên nhà gái phải nộp tiền cho nhà trai - điều này gây rất nhiều khó khăn cho nhà gái khi có con đến tuổi lập gia đình…

Ông Rô Krik - Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: PV)

Ông Rô Krik - Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: PV)

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở địa phương và có người dân nào bị xử lý khi vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết chưa?

- Nhận thức của thế hệ trẻ về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn thấp. Bên cạnh đó, còn do ảnh hưởng của phong tục tập quán, phụ nữ quá tuổi chưa lập gia đình lo bị “ế chồng” và do mong muốn của cha mẹ, anh em, họ hàng mong con gái có chồng sớm, đỡ được mối lo trong nhà. Tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS còn phổ biến bởi công tác tuyên truyền ở đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của những quan niệm lạc hậu, chế độ mẫu hệ, tục nối dây, tục hứa hôn, nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ tính theo họ mẹ. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ, gả chồng sớm cho con cái cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người, thêm lao động để làm nương, làm rẫy. Do vậy, những chính sách tuyên truyền của địa phương chưa đạt được hiệu quả.

Như tôi đã nói, phong tục lạc hậu ăn sâu vào cộng đồng DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều dân tộc quan niệm, cùng họ thì không được lấy nhau nhưng khác họ có thể lấy nhau, kết hôn như vậy họ hàng càng thêm thân thiết, giữ được tài sản, không lo mất tài sản cho người ngoài… Đây là điều khiến cho tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn còn, tuy nhiên không nhiều như trước. Từ trước đến giờ, ở xã chưa xử lý trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết nào.

Xin ông cho biết những khó khăn của chính quyền xã trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng đồng bào DTTS. Theo ông, cần có những biện pháp nào để giảm số người tảo hôn, hôn nhân cận huyết?

- Khó khăn của chính quyền trong việc đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết phần lớn do phong tục tập quán. Thời gian qua, xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con qua nhiều kênh: giáo dục, răn đe để người dân nhận thức được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chúng tôi đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền rộng rãi đến từng hộ gia đình về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, áp dụng các biện pháp tránh thai trong độ tuổi sinh sản, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Để triển khai có hiệu quả, giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh, thiếu niên qua nhiều kênh. Và cũng cần có biện pháp xử lý hành chính thì mới có thể giảm được. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc tuyên truyền vận động và có biện pháp, mô hình cụ thể. Nhà trường sát sao tuyên truyền để học sinh biết, tảo hôn là vi phạm pháp luật, đồng thời có biện pháp quản lý để các em không bỏ học giữa chừng…

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Đọc thêm