Đẩy mạnh các sáng kiến định giá tài sản sở hữu trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 23/8, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN phối hợp với Văn phòng Luật sư Lê và Công ty Cổ phần VBS Capital tổ chức tọa đàm về định giá Tài sản trí tuệ (Value IP) và giới thiệu Phần mềm định giá tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT).

SHTT là chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Theo đó, định giá tài sản SHTT là điều cần thiết để tạo thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, quyết định chiến lược nội bộ, chuyển giao công nghệ và thương mại hoá các tài sản SHTT. Tuy nhiên, các phương pháp định giá tài sản SHTT hiện tại thường quá tốn kém, mất thời gian và khó tiếp cận.

Với tư cách là yếu tố chính thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế, SHTT đang trở thành tâm điểm chú ý khi các tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng tài sản của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong công nghệ. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cũng xác định cần phải đưa vấn đề tài chính SHTT lên làm ưu tiên hàng đầu.

Theo Công cụ theo dõi tài chính SHTT toàn cầu (Global Intangible Finance Tracker) của Brand Finance, giá trị tài sản SHTT trên toàn thế giới đã tăng từ 61 nghìn tỷ USD vào năm 2019 lên 74 nghìn tỷ USD vào năm 2021.

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, theo Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2025, tài sản SHTT tiếp tục đóng vai trò quan trọng và phù hợp trong việc góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và khu vực.

Một phần của các biện pháp chiến lược đưa ra trong bản Xây dựng chi tiết bao gồm tăng cường các cơ chế khu vực trong việc phát triển các dịch vụ định giá SHTT để nâng cao nhận thức về giá trị của SHTT như một tài sản chính. Thực tế, trong khu vực ASEAN, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines đã bắt đầu thúc đẩy sáng kiến tài chính SHTT như một phương án tài chính thay thế để giúp các doanh nghiệp định hướng đổi mới tiếp cận nguồn vốn.

Tại Việt Nam, định giá tài sản SHTT vẫn là một vấn đề mới mẻ đối với phần đông nhận thức xã hội, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia đều coi đây là xu hướng tất yếu trong tương lai gần.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại toạ đàm.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại toạ đàm.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết, hiện nay, nước ta có khoảng 800 doanh nghiệp khoa học công nghệ, 4000 khởi nghiệp công nghệ, chưa kể tới các doanh nghiệp lớn, do đó nhu cầu chuyển giao mua bán về quyền SHTT vô cùng nhiều. Luật SHTT mới ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cũng tiếp cận theo cách đưa tài sản SHTT trở thành một trong những tài sản doanh nghiệp. Do đó, người làm công tác định giá tài sản SHTT có vai trò, sứ mệnh và thị trường vô cùng tiềm năng. Bên cạnh đó, trong hệ sinh thái công nghệ hiện tại còn có 34 làng công nghệ, 138 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp công nghệ ở các trường đại học lớn, đấy là một thị trường rất lớn cho tài sản SHTT nhưng hầu hết họ chưa được tiếp cận định giá tài sản SHTT.

Tại buổi toạ đàm, ông Lê Đức Thắng, Trưởng Văn phòng Le & Partner cho biết: “Mặc dù trên thực tế, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều để khái niệm hoá và bảo vệ tài sản trí tuệ của họ, nhưng hầu hết họ không thể khai thác thương mại các tài sản trí tuệ này và đối mặt với thách thức trong việc huy động vốn và xác định giá trị ở những doanh nghiệp mà tài sản phần lớn là tài sản trí tuệ”.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm cũng cho rằng các phương pháp định giá tài sản SHTT thường tốn kém và mất thời gian, gây khó khăn đối với các công ty không có nguồn lực và tài chính dồi dào. Do đó, nếu không được tiếp cận với định giá SHTT chính xác và đáng tin cậy, các doanh nghiệp bị hạn chế trong việc tận dụng và bảo vệ các tài sản SHTT của mình.

Cũng tại toạ đàm, ông Tee Lin Yik, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Valuing IP, đã giới thiệu nền tảng kỹ thuật số và phần mềm định giá tài sản SHTT – Valuing IP tới các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, chuyên gia. Được biết, phần mềm này đã được khởi tạo từ Malaysia, được thảo luận với các nhà hoạch định chính sách và các công ty từ Indonesia, Singapore, Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản và hiện tại là Việt Nam, với mục tiêu giúp tối ưu giá trị các doanh nghiệp Việt và nhanh chóng đẩy nhanh quá trình thương mại hoá các tài sản trí tuệ Việt.

Các chuyên gia, doanh nhân thảo luận các giải pháp định giá tài sản SHTT.

Các chuyên gia, doanh nhân thảo luận các giải pháp định giá tài sản SHTT.

“Phần mềm định giá SHTT này là một bước tiến đáng kể khi tài sản SHTT có thể được định giá và giao dịch. Việc sử dụng bộ đánh giá này sẽ giúp các doanh nghiệp và công ty có thể hiểu được và nhận định chính xác tiềm năng tài sản SHTT của họ”, bà Lê Thục Phương, chủ tịch VBS Capital nhận định.

Tuy nhiên, để thực sự áp dụng và triển khai hiệu quả các công cụ định giá tài sản SHTT tại Việt Nam, các chuyên gia đề xuất rằng, cần cân nhắc đến nhiều yếu tố, ví như: độ tương thích với pháp luật và điều kiện thực tế tại Việt Nam, độ minh bạch và đáng tin cậy của các phương pháp định giá SHTT, cũng như tính ứng dụng thiết thực đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Đọc thêm