Hôm qua - 30/10, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0): Cơ hội và thách thức đối với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ quân sự”. Với 30 tham luận, trong đó có gần 10 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu làm rõ cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quân sự.
Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp. Các đột phá của khoa học và công nghệ (KH-CN) đã từng bước làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ nửa cuối thế kỷ 18 với thay đổi từ sản xuất chân tay đến sản xuất cơ khí do phát minh ra động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ nửa cuối thế kỷ 19 với thay đổi từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất hàng loạt bằng máy móc chạy bằng năng lượng điện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra từ những năm 70 của thế kỷ XX với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và internet.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… với nền tảng là các đột phá của công nghệ số.Về cơ bản, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dựa trên 3 lĩnh vực chính: Thứ nhất là kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn, vạn vật kết nối internet, trí tuệ nhân tạo; Thứ hai là công nghệ sinh học: bao gồm những ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; Thứ ba là lĩnh vực vật lý như: rô-bốt thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới, công nghệ nano…
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động từ vũ khí trang bị kỹ thuật đến phương thức chỉ huy, điều hành tác chiến, từ công tác huấn luyện, đào tạo đến tổ chức, biên chế của quân đội cho phù hợp với hệ thống vũ khí khí tài và nghệ thuật tác chiến.
Cuộc cách mạng lần này mang lại nhiều cơ hội cho phép rút ngắn khoảng cách khoa học quân sự trong nước với khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra khả năng nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng vũ trang, tạo lợi thế, điều kiện để bứt phá nhanh ứng dụng công nghệ mới. Khoa học CNQS phát triển góp phần sản xuất ra các loại vũ khí trang bị hiện đại đáp ứng yêu cầu nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ khoa học của quân đội.
Thiếu tướng, TS. Phạm Lâm Hồng - Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết: “Ở tất cả các nước trên thế giới, những thành tựu KH-CN tốt nhất trước tiên được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, ở Việt Nam cũng như vậy. Với việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ tiếp cận được những thành tựu KH-CN của thế giới. Hoạt động quân sự, quốc phòng rất đa dạng, trên nhiều lĩnh vực, tất cả những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đều có thể ứng dụng và làm thay đổi một cách căn bản về quan điểm và triển khai các hoạt động thực tiễn. Các công nghệ trọng điểm như: trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, vật liệu tiên tiến, internet vạn vật, năng lượng tái tạo, in 3D, công nghệ sinh học… đều có thể được ứng dụng trong các hoạt động của quân đội, từ đó vũ khí trang bị của quân đội sẽ được hiện đại hóa, tối ưu hóa…
Với cách mạng công nghiệp 4.0, Quân đội ta có nhiều điều kiện để hiện đại hóa vũ khí trang bị. Với những công nghệ trọng điểm của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể đổi mới tư duy về thiết kế. Các thiết bị công cụ thông minh cho phép chúng ta gia công chế tạo các chi tiết, cấu kiện phức tạp, các mạch điện tử tích hợp cực kỳ phức tạp. Công nghệ rô-bốt, công nghệ tự lái cho phép chúng ta có thể chế tạo các phương tiện bay, phương tiện thủy không người lái đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ quân sự. Hệ thống hạ tầng internet, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cho phép chúng ta chế tạo, tích hợp các hệ thống cảnh giới vùng trời, vùng biển, biên giới quốc gia... Trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong vũ khí, các trang thiết bị quân sự sẽ làm chúng thông minh hơn, hỗ trợ nhiều hơn, chính xác hơn”.
Bên cạnh những thuận lợi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là yêu cầu cao trong việc nhận thức đầy đủ về bản chất, tác động của các xu thế công nghệ sản xuất mới; việc hợp nhất, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu; thay đổi căn bản về nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; những vấn đề về rủi ro công nghệ, nguy cơ tụt hậu so với thế giới; những vấn đề về nâng cao số và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học trong quân đội...
Để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quân đội, Bộ Quốc phòng đã cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ gồm:
Thứ nhất là, nâng cao nhận thức trong toàn quân về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về cuộc cách mạng này để nâng cao nhận thức và hiểu biết của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ.
Thứ hai là, nghiên cứu điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và phương hướng nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện cho đi tắt đón đầu trong các lĩnh vực KH-CN cũng như sẵn sàng trước sự biến đổi của tình hình.
Thứ ba là, tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, truyền dẫn, đồng bộ… tạo tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ tư là, đẩy mạnh phát triển các công nghệ trọng điểm, đặc biệt các công nghệ như rô-bốt, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn… ứng dụng trong quản lý chỉ huy, điều hành, sản xuất chế tạo, khai thác, sử dụng, hiện đại hóa các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự.
Thứ năm là, phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chú trọng điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế trong đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ KH-CN trẻ, các nhóm nghiên cứu thông qua thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KH-CN.
Thứ sáu là, mở rộng hợp tác KH-CN song phương, đa phương và các đối tác truyền thống tập trung vào chuyển giao công nghệ, tìm kiếm giải mã công nghệ.