Kinh tế số- thời của nữ doanh nhân

(PLO) - Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại “Diễn đàn doanh nhân nữ trong nền kinh tế số” tổ chức tối ngày 27/10 tại Hà Nội.
TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn.
TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội cho Doanh nhân nữ phát huy lợi thế của mình, để trở thành lực lượng dẫn đầu của nền kinh tế số. “Nền kinh tế số chính là nền kinh tế của phụ nữ… nền kinh tế số cũng khiến lợi thế của phái mạnh nhỏ lại và ưu thế của phụ nữ lớn lên”.

Lý giải điểu này, TS. Lộc nêu rõ, thế giới đã và đang trải qua 4 cuộc Cách mạng Công nghiệp, giúp giải phóng sức lực cơ bắpvà giải phóng nỗ lực của con người. Trong đó, cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng số, theo đó, tài nguyên số là tài nguyên cốt lõi của nền kinh tế, với sự tham gia của trí tuệ nhân tạo.

“Nền kinh tế số, hay kinh tế thông minh đánh dấu sự xuất hiện hàng loạt các công nghệ mới của trí tuệ nhân tạo. Thậm chí, giải phóng trí tuệ và bộ não của con người. Trong nền kinh tế đó, máy móc có thể suy nghĩ, cộng hưởng và đưa ra quyết định thay con người.

Trong cuộc Cách mạng  này, hai chủ thể lớn nhất là các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Doanh nghiệp siêu nhỏ và phụ nữ. Hai mỏ tài nguyên lớn nhất này sẽ là thế mạnh trong nền kinh tế số, bởi nền kinh tế hiện nay cần sự thông minh, uyển chuyển, đó chính là thế mạnh của phụ nữ. Nền kinh tế thông minh này chính là nền kinh tế của phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ với sự trợ giúp của công nghệ. Thế giới đang nhỏ lại và DNNVV đang lớn lên, nền kinh tế số cũng khiến lợi thế của phái mạnh nhỏ lại và ưu thế của phụ nữ lớn lên” -  TS.Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia mạnh mẽ vào nền kinh tế chính là chính sách của các quốc gia trên toàn cầu. Theo thống kê tại Trung Quốc, cứ 4 chủ doanh nghiệp thì có 1 người là phụ nữ. Đặc biệt, riêng trong các ngành có liên quan đến công nghệ, thương mại điện tử thì con số này là 2 người phụ nữ, tương đương với doanh nhân nữ trong các ngành này chiếm 55%.

“Như vậy, nếu trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế khác đều có sự tham gia 50% của doanh nhân nữ, thì mỗi quốc gia sẽ tăng trưởng được 25% GDP. Không có nhân tố nào có thể tạo nên sự tăng trưởng GDP lớn như vậy” – TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Lộc, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam cho hay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng sẽ có rất nhiều cơ hội để tận dụng những lợi thế của công nghiệp số, thương mại điện tử, marketing trực tuyến cũng như việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.

“Song để làm được điều đó, các doanh nhân nữ rất cần chủ động học hỏi kiến thức, nâng cao kỹ năng để có thể đáp ứng tốt nhất những thay đổi của thị trường và yêu cầu của khách hàng” - bà Minh nói.

Đọc thêm