Đẩy mạnh giải quyết tình trạng không quốc tịch

(PLVN) -Sáng 18/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham vấn về báo cáo thực trạng giải quyết vấn đề không quốc tịch tại Việt Nam trong thời gian qua dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh. 
Đẩy mạnh giải quyết tình trạng không quốc tịch

34.110 người không có quốc tịch

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh quyền có quốc tịch là quyền dân sự cơ bản, được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia thừa nhận, cho phép người dân có thể tiếp cận và thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân được ghi nhận trong pháp luật quốc gia. 

Việt Nam là quốc gia có hoàn cảnh lịch sử đặc thù so với nhiều nước, là đất nước trải qua 4 cuộc chiến tranh trong một thế kỷ, là nước có đường biên giới trên bộ khá dài, tiếp giáp với 3 nước (Lào, Campuchia và Trung Quốc). Do đó Việt Nam từ lâu cũng là nơi có nhiều người di cư tự do sang sinh sống cũng như tình trạng người di cư tự do đến cư trú tại Việt Nam đã và đang tiếp diễn từ nhiều năm qua, trong đó tập trung đông nhất tại các tỉnh biên giới giáp Lào và Campuchia.

Bên cạnh đó, ông Khanh cũng cho biết việc giải quyết tình trạng không quốc tịch ở một quốc gia là một vấn đề khó khăn và cực kỳ phức tạp, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, cũng như quan hệ giữa quốc gia này với quốc gia kia. Do vậy, để giải quyết những vấn đề đó, cần có sự đồng thuận, hỗ trợ của các nước láng giềng và của cộng đồng quốc tế để làm sao khi giải quyết vấn đề quốc tịch cho một cá nhân để không ảnh hưởng đến vấn đề chính trị, quan hệ quốc tế. 

 

Theo đó, ông Khanh cũng đề xuất, đưa ra kiến nghị phải có tính chất ràng buộc về pháp lý, cần phải tham gia Công ước để khi chúng ta là thành viên, có công cụ luật pháp quốc tế để bảo hộ, bảo vệ nước ta khi có vấn đề tranh chấp giữa quốc gia này với quốc gia kia, đồng thời bộ luật cũng cần thay đổi phù hợp với các điều ước của công ước mà Việt Nam tham gia. 

Báo cáo nghiên cứu tại Hội nghị về thực trạng người không quốc tịch, người không có giấy tờ tại Việt Nam, chuyên gia Trần Thất cho biết tính đến đầu năm 2017, số người không quốc tịch tại Việt Nam là khoảng 11.000 người. Nhưng số người không quốc tịch và không có giấy tờ đã tăng lên 29.522 người vào cuối năm 2017, và tăng lên 34.110 người vào cuối năm 2018. Đặc biệt, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam, hiện nay vẫn còn tồn tại một số người không phải là người không quốc tịch nhưng cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng không quốc tịch, vì họ không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh về nhân thân.

Cụ thể là, một bộ phận người dân tộc thiểu số là người Việt Nam, sinh sống lâu đời tại các vùng núi cao, do ít quan hệ với bên ngoài, trình độ nhận thức, dân trí còn hạn chế nên không có bất cứ giấy tờ tùy thân hay hộ tịch; một số trường hợp khác do không tiến hành đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch Việt Nam, thậm chí có trường hợp ngay tại Hà Nội cũng không có bất kỳ giấy tờ nhân thân nào từ bé cho đến khi trưởng thành; người Việt Nam sinh sống tại các tỉnh nhưng di cư tự phát, không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, quốc tịch… 

Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, chuyên gia trong nước nhận thấy các số liệu thống kê vẫn chưa phản ánh hết được thực trạng số lượng người không quốc tịch tại Việt Nam. Do đó, ông Thất kiến nghị Bộ Tư pháp Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng đưa ra các giải pháp, phương án tích cực để giải quyết vấn đề này. 

Cần nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước 1961

Đồng tình với những ý kiến của ông Thất, chuyên gia Nguyễn Quốc Cường cũng cho biết với bối cảnh của Việt Nam về vấn đề người không quốc tịch và người có nguy cơ rơi vào tình trạng không quốc tịch hiện nay thì việc tham gia Công ước năm 1961 là vô cùng cần thiết, do đó cần phải tiến hành nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước năm 1961. Nhất là việc gia nhập Công ước này sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý để rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về quốc tịch đối với nhóm đối tượng người không quốc tịch. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chia sẻ thực trạng, khó khăn và thách thức trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng không quốc tịch và bảo vệ quyền của người không quốc tịch. 

Qua đó, ông Cường cũng đưa ra những khó khăn về tính tương thích và phù hợp giữa pháp luật trong nước và Công ước 1961, chẳng hạn như chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt nào quy định về địa vị pháp lý, biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng không quốc tịch và biện pháp bảo đảm quyền của người không quốc tịch. Bên cạnh đó, ông Cường cũng đưa ra ý kiến Công ước cũng có một số quy định còn chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam như quy định về độ tuổi, về trao quốc tịch một số trường hợp… Vì vậy, cần phải có quá trình nghiên cứu, sửa đổi nếu Việt Nam gia nhập Công ước. 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, các đề xuất, kiến nghị để giảm thiểu tình trạng không quốc tịch tại Việt Nam. Chẳng hạn như tiếp tục giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định, lâu dài tại Việt Nam; phối hợp với các đơn vị liên quan để ban hành văn bản hướng dẫn về việc quản lý cư trú đối với những trường hợp đã được cấp thẻ cư trú; Bộ Tư pháp phải thường xuyên khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhật về số lượng người không quốc tịch cũng như xác định các nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng không quốc tịch… 

Đọc thêm