Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả

(PLVN) - Chiều 15/2, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các Bộ, ban, ngành có liên quan. 

Căn cứ Hiến pháp năm 2013, ngày 19/6/2015 Quốc Hội đã ban hành Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hai Luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các chủ trương, định hướng của Đảng về Chính phủ và chính quyền địa phương, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp. 

Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính Trung ương đến cơ sở.

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của 2 Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Theo đó, các đại biểu tham dự cuộc họp đã thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động cho chính quyền địa phương; bỏ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Ban của HĐND cấp xã; cơ cấu thành viên của UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định thẩm quyền quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã… 


Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng vấn đề lớn và cần được quan tâm nhất là phân cấp, phân quyền mà đặc biệt là phân quyền, chính vì thế dự thảo Luật phải thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền bằng cách quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ để tránh ôm đồm công việc. Đặc biệt, nếu muốn bộ máy nhà nước hiệu quả, tinh gọn thì phải giải quyết vấn đề chồng chéo đồng thời đẩy mạnh vấn đề phân quyền, nhất là giữa Chính phủ và chính quyền địa phương. Có ý kiến đề nghị phải phân tách và làm rõ khái niệm nguyên tắc phân cấp và nguyên tắc phân quyền; tách bạch rõ vai trò của Chính phủ và chính quyền địa phương đồng thời phải làm sao để bảo đảm được tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia. Ý kiến khác lại chỉ ra những vấn đề bất cập liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc tập trung vào việc tinh gọn và thu gọn bộ máy.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định dự thảo Luật là cơ sở quan trọng để vận hành nền hành chính thông suốt. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn xây dựng một chính quyền địa phương dám chịu trách nhiệm, gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân. Để làm được điều đó, Thứ trưởng đề nghị phải rà soát, bổ sung, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi được phân cấp, phân quyền. Đồng thời phải bảo đảm tính nhất quán, bám sát mục tiêu, quan điểm, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy, sắp xếp tinh gọn, hiệu lực của cơ quan hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, phải khắc phục những khó khăn, chồng chéo, mâu thuẫn về nhiệm vụ giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính; phân định rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ với Thủ tướng, giữa Thủ tướng với các Bộ trưởng, giữa tập thể và các cá nhân để đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm vai trò kiến tạo và hoạch định chính sách của Chính phủ và các Bộ.

Về vấn đề phân cấp, phân quyền, Thứ trưởng yêu cầu phải xác định lĩnh vực, công việc rõ ràng, rành mạch để phân quyền cho hợp lý theo hướng bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp chính quyền. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ hơn về các khái niệm phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Đối với các tổ chức phối hợp liên ngành, Thứ trưởng lưu ý tránh trộn lẫn giữa các tổ chức có tính chất thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành với các tổ chức hành chính độc lập với các Bộ, ngành. Đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã, vẫn còn một số quy định chưa hợp lý với Hiến pháp.

Đọc thêm