Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh tại Hội thảo xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định - Thái Lan với chủ đề Khu Kinh tế Bình Định - Điểm đến thu hút nhà đầu tư được tổ chức tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) sáng ngày 30/3/2023.
|
Toàn cảnh Hội thảo xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định- Thái Lan |
Được biết, Hội thảo lần này nằm trong chuỗi các sự kiện làm cầu nối gặp gỡ cho doanh nghiệp Thái Lan có thể quan tâm tìm hiểu về những ưu đãi từ chính sách Nhà nước cũng như cơ hội đầu tư tại Bình Định. Qua đó, góp phần khẳng định thêm quyết tâm mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư của địa phương nhằm đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư từ Thái Lan vào Bình Định.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Định cho biết, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2022 của Tỉnh đạt hơn 1.550,3 triệu USD (tăng 9,3% so với năm 2021) và được xuất khẩu đến 116 quốc gia cùng vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang Thái Lan chỉ đạt 785 nghìn USD cho thấy hoạt động giao thương giữa Bình Định với Thái Lan chưa mạnh so với tiềm năng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Thái Lan gồm: sắn và các sản phẩm từ sắn, quặng và khoáng sản, sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép…
Đối với nhập khẩu, trong năm 2022, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Thái Lan đạt 27,14 triệu USD, tăng 131,6% so với năm 2021, với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may da giày và hàng thủy sản.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan có thế mạnh trong các lĩnh vực: dịch vụ, du lịch, ngành bán lẻ, nông nghiệp công nghệ cao, phụ tùng ô tô… Do vậy, nếu Bình Định thu hút được các nhà đầu tư từ các lĩnh vực này thì rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, gồm: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, xử lý nước sạch, rác thải.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết thêm: Những năm qua, mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Bình Định và cộng đồng doanh nghiệp của Thái Lan ngày càng mở rộng, sâu sắc. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư các doanh nghiệp Thái Lan trên địa bàn tỉnh Bình Định còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên.
Đến nay, toàn tỉnh có 10 dự án của các nhà đầu tư Thái Lan với tổng vốn đăng ký đầu tư là 106,97 triệu USD, thuộc lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Trong đó nổi bật là 02 dự án của Công ty CP Chăn nuôi C.P là Nhà máy thức ăn Gia súc Bình Định, vốn đầu tư 36 triệu USD và dự án Nhà máy chế biến gia súc C.P Việt Nam tại Bình Định, 7 triệu USD.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại Hội thảo. |
"Với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Bình Định đã và đang rất chú trọng tập trung phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, cũng như hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính quyền địa phương các cấp được đặt lên hàng đầu. Bình Định luôn coi lợi ích hợp pháp và thành công của nhà đầu tư là lợi ích và thành công của chính mình", ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Được biết hiện nay, tỉnh Bình Định đang tích cực áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ Việt Nam cũng như ưu đãi bổ sung từ địa phương đối với các doanh nghiệp đã đang và sẽ đầu tư vào Bình Định, đặc biệt là Khu Công nghiệp Đô thị Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đầu, miễn 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. (hiện nay mức thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường là 20%).
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu 5 năm đầu sản xuất đối với nguyên liệu, bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng.