Người dân tiếp cận dịch vụ công chứng thuận tiện hơn
Bộ Tư pháp cho biết, sau 14 năm triển khai thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2006, Luật Công chứng năm 2014 (sửa đổi), trên cả nước có 2.709 công chứng viên đang hành nghề tại 1.134 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 118 Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp do Nhà nước thành lập và 1.016 VPCC được Nhà nước cho phép thành lập trên cơ sở đề nghị của các công chứng viên khi đủ các điều kiện theo quy định. Hoạt động công chứng đã được xã hội hóa mạnh mẽ với việc hình thành các VPCC trên khắp cả nước.
Hoạt động công chứng đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trở thành nhu cầu giao dịch thường xuyên, không thể thiếu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, an toàn và ổn định trật tự của đất nước thông qua việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Trong thời gian đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2006, việc phát triển các VPCC còn mang tính “tự phát”, chưa dựa trên nhu cầu công chứng của xã hội, phát triển không có định hướng, khoa học mà chỉ trên cơ sở yêu cầu của các công chứng viên. Do vậy, trên thực tiễn đã xảy ra tình trạng các VPCC phát triển nóng, phân bố không hợp lý ở một số địa phương, đặc biệt là ở thành phố lớn, trong khi đó ở các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa có rất ít hoặc không có tổ chức hành nghề công chứng.
Khắc phục bất cập và hạn chế nêu trên, ngày 29/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2104/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, do đó, chỉ trong thời gian ngắn, các tổ chức hành nghề công chứng phát triển mạnh mẽ theo hướng xã hội hóa, có lộ trình phù hợp, phân bổ hợp lý gắn với địa bàn dân cư và đã cơ bản phủ khắp các địa bàn cấp huyện. Việc tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân thuận tiện hơn do mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng phát triển rộng khắp thay vì chỉ tập trung tại các thị xã, thành phố như trước đây.
Ngày 15/6/2018, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, theo đó bãi bỏ các quy định Quy hoạch về công chứng đã tác động đến sự phát triển của nghề công chứng. Tình trạng các VPCC thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng theo từng địa bàn cấp huyện, chuyển trụ sở VPCC từ ngoại thành vào các quận nội thành đã bắt đầu xuất hiện. Điều này nếu không có giải pháp quản lý tổng thể sẽ dẫn đến sự phân bổ không hợp lý, làm mất cân đối, phá vỡ sự ổn định trong việc phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng. Việc tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân, doanh nghiệp tại các vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn hơn. Công tác quản lý nhà nước về công chứng sẽ rất khó khăn, phức tạp khi phải thường xuyên giải quyết hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hoạt động các VPCC.
Cũng theo Bộ Tư pháp, thực tiễn hoạt động công chứng đã phát sinh một số bất cập, hạn chế như: chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, không tuân thủ đúng thủ tục, quy trình nghiệp vụ công chứng theo quy định; sự bất bình đẳng về chế độ tài chính giữa Phòng công chứng với VPCC chưa tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức, người lao động của Phòng công chứng....
Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Công chứng năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, phát triển nghề công chứng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế, khắc phục một số bất cập, bảo đảm tính ổn định, bền vững nghề công chứng thì việc xây dựng Nghị quyết về chính sách phát triển nghề công chứng là rất cần thiết tiếp tục khẳng định một số định hướng phù hợp với tình hình phát triển nghề công chứng của đất nước và thực tiễn tại các địa phương.
Theo dự thảo Nghị quyết, một trong những giải pháp phát triển nghề công chứng là phát triển tổ chức hành nghề bảo đảm ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện.
Theo đó, đối với việc thành lập VPCC cần phải bám sát quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Công chứng, đề án thành lập VPCC phải chứng minh được sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện. Do đó, nhiệm vụ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC phải thể hiện được các tiêu chí nêu trên và bảo đảm tính khả thi, ổn định bền vững của tổ chức hành nghề công chứng sau khi được thành lập, đồng thời Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương. Đây là yếu tố quyết định để kiểm soát việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng.
Về phát triển Phòng công chứng, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc chuyển đổi hoạt động của các Phòng công chứng đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện việc duy trì các Phòng công chứng đã tự chủ về tài chính để giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong cung cấp dịch vụ công chứng phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước về công chứng; cơ cấu lại, chuyển đổi hoặc giải thể các Phòng công chứng hoạt động không hiệu quả tại các địa bàn mà VPCC có thể đảm đương được nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công chứng.