Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chia sẻ với Pháp luật Việt Nam như vậy khi đề cập đến sự bất cập, chồng chéo trong thẩm quyền quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay.
Không có Bộ nào chịu trách nhiệm chính!
- Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới), hệ thống các trường cao đẳng (CĐ) không thuộc về các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) mà nằm trong giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa phân công Bộ nào (Bộ GD&ĐT hay Bộ LĐTB&XH) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về mảng GDNN, khiến các Bộ đang rất loay hoay. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Các ý kiến tranh luận liên quan đến Bộ nào quản lý nhà nước về GDNN sau khi Luật GDNN có hiệu lực không phải chỉ diễn ra thời gian gần đây mà ngay ở Quốc hội đã có nhiều ý kiến rất phân tán.
Phần lớn các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường đều muốn giao về cho Bộ GD-ĐT quản lý. Vấn đề Bộ nào nên quản lý GDNN thì cần có nghiên cứu một cách khách quan, căn cơ theo mục tiêu và đối tượng quản lý và phải căn cứ vào thực tiễn quản lý GDNN thế giới cũng như xu hướng đổi mới GDNN hiện nay.
Đối tượng quản lý của Bộ GD-ĐT là người học, người dạy và trường học. Không Bộ ngành nào có thể làm thay được, cũng như Bộ Quốc phòng là quản lý bộ đội và các sĩ quan với lực lượng dân quân tự vệ vậy.
Ông Hoàng Ngọc Vinh |
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giao lĩnh vực GDNN cho Bộ Giáo dục quản lý để đảm bảo tính hệ thống. Ngay Trung Quốc có mô hình chính trị và kinh tế giống ta thì Bộ GD-ĐT cũng là Bộ duy nhất quản lý nhà nước về GDNN.
Trong quá trình phát triển đất nước thường có hai bộ phận lao động. Một bộ phận cần được đào tạo kỹ năng để chuyển đổi việc làm, tăng cơ hội việc làm cho người thất nghiệp, người lang thang cơ nhỡ hoặc những người thuộc diện chính sách xã hội với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Nhưng còn một bộ phận khác phải được đào tạo chính quy hiện đại để CNH, HĐH và bảo vệ đất nước thì không thể không có vai trò của Bộ Giáo dục được.
-Theo ông, để quản lý lĩnh vực GDNN đạt hiệu quả cao, bộ máy quản lý đó phải như thế nào?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Khi thiết kế bộ máy phải quan tâm đến chức năng quản lý nhà nước được Luật Giáo dục quy định. Nhưng công tác quy hoạch hệ thống sẽ không thể hiệu quả nếu chia cắt giữa giáo dục phổ thông, GDNN và giáo dục ĐH.
Đơn giản thế này thôi, anh muốn hút nhiều người vào đào tạo nghề, nhưng trường phổ thông cứ mọc ra, rồi trường CĐ, ĐH nữa, lấy người đâu mà học nghề? Vì thế phải có "nhạc trưởng" thực hiện quy hoạch hệ thống.
Tình trạng mất cân đối về cơ cấu trình độ nhân lực hiện nay với khoảng 83% lao động trong độ tuổi không được đào tạo kỹ năng (theo báo cáo Điều tra lao động việc làm của Bộ KHĐT năm 2014) là một thực tế hết sức xót xa trong bối cảnh hội nhập, nhưng không có Bộ nào chịu trách nhiệm chính.
Nói tóm lại, anh không thể dùng một công cụ giản đơn, lối tư duy thiếu hệ thống để giải một bài toán hệ thống phức tạp và đan xen nhiều lợi ích. Trong đó anh phải đứng trên quan điểm phát triển toàn cục của một quốc gia 100 triệu dân trong tương lai gần, trong điều kiện ngân sách không thể bao cấp tăng mãi cho dạy nghề cũng như giáo dục đào tạo để xử lý bài toán đó.
Không lấy ý kiến đóng góp của các Sở GD&ĐT
- Được biết, thời điểm thông qua Luật GDNN, có khá nhiều đại biểu Quốc hội không ấn nút đồng tình. Bộ GD&ĐT có ý kiến gì về nội dung của Luật? Khi xây dựng văn bản luật này, Bộ có dự kiến được những bất cập nêu trên?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Bộ GD&ĐT cũng là một bên tham gia trong quá trình xây dựng và có nhiều ý kiến góp ý. Tuy nhiên, việc tiếp thu như thế nào là của bộ phận được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo.
Một số những bất cập nêu trên cũng đã được nhắc đến qua các cuộc họp lấy ý kiến chuyên gia. Nhưng chỉ tiếc là ban đầu dự thảo có tên là “Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề” đến khi chuyển sang dự thảo mới (gần như hoàn toàn) lại là “Luật GDNN” thì bộ phận biên soạn không làm các nghiên cứu đánh giá tác động những chính sách pháp luật đối với trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp.
Ảnh minh họa từ Internet |
Họ cũng không tổ chức lấy ý kiến của 63 sở GD&ĐT- là những cơ quan chịu tác động của Luật mới này- nên các viện dẫn trình trước Quốc hội thiếu thuyết phục. Do đó nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình, tỷ lệ bỏ phiếu tán thành Luật này thấp kỷ lục (55,13%). Đây là một dấu hiệu báo trước những khó khăn trong quá trình thực hiện Luật GDNN.
- Theo ông, việc chia cắt trong quản lý lĩnh vực GDNN theo Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện nay có hợp lý, có tạo thuận lợi cho các nhà trường và các học sinh, sinh viên theo học?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Theo tôi, việc chia cắt trong quản lý sẽ gây ra những hệ lụy sau: Đối với nhà trường thì chịu nhiều các quy định cũng như thủ tục quản lý từ các cơ quan khác nhau. Bởi mỗi cơ quan có thể ban hành những quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, kiểm định chất lượng khác nhau... Chí phí giao dịch sẽ tăng lên nhiều lần nếu tăng thêm đầu mối quản lý nhà nước.
Không chỉ vậy, nhà trường sẽ khó có điều kiện phát triển ổn định do quy hoạch kém hiệu quả. Bạn thử tưởng tượng một địa phương có tới hàng chục trường nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, CĐ...thì lấy đâu ra người học mà tuyển sinh, dẫn đến nhiều trường phải vật lộn tuyển sinh để tồn tại.
Đối với học sinh, sinh viên nếu trong cùng một hệ thống, các em sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc học tập suốt đời nhờ cơ chế đào tạo theo tín chỉ để học liên thông. Nếu các em được học trong các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ sẽ được đối xử bình đẳng hơn nhờ được hưởng lợi từ ngân sách như những học sinh học nghề vốn hơn một thập kỷ nay được ưu tiên rót vốn của nhà nước.
Mặt khác, sự chia cắt trong quản lý dẫn đến việc khó khăn trong công nhận văn bằng cho người học khi ra nước ngoài học tập hoặc đi lao động. Tôi nhiều khi được nước ngoài yêu cầu trả lời, xác nhận văn bằng của người học nhưng cũng thấy hết sức khó khăn do tính thiếu thống nhất trong hệ thống.
“Có khó khăn trong việc thực hiện luật”
- Thưa ông,với tư cách là người trực tiếp quản lý việc đào tạo giáo dục chuyên nghiệp, ông có nghĩ rằng Luật GDNN đã bắt đầu bộc lộ những bất cập cần sửa đổi (dù chưa có hiệu lực thi hành). Ông có đề xuất ý tưởng gì để Luật này đi vào cuộc sống mà không gây tình trạng phá vỡ hệ thống quản lý cũng như hạn chế những bất cập phát sinh?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Cá nhân tôi cũng thấy có những khó khăn trong việc thực hiện Luật và có vài điểm không khả thi (như Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, kinh tế kỹ thuật kiến nghị). Nhưng nếu có khó khăn thì hai Bộ cần chân tình, thẳng thắn bàn bạc để tham mưu cho Chính phủ xử lý những vướng mắc hoặc chưa hiểu nhau. Tôi tin là sẽ vượt qua được.
Để Luật GDNN đi vào cuộc sống, theo tôi cần tích cực tuyên truyền vận động, dù tỷ lệ các đại biểu Quốc hội thông qua thấp nhưng luật cũng đã được thông qua, nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện. Bên cạnh đó cần quán triệt tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Hiện có những vấn đề khó khăn đòi hỏi các Bộ ngành phải phối hợp xây dựng các đề án, nghiên cứu cẩn thận, hết sức khoa học để đưa ra lộ trình thực hiện hợp lý.
Đặc biệt, cần rất chú ý đến ý kiến của người dân- những ý kiến chịu tác động của luật này trong quá trình thực hiện. Nhận thức là một quá trình, do vậy sẽ chẳng có gì là hoàn thiện cả. Một số giải pháp hợp lý trong tình huống và bối cảnh này nhưng ngày mai có thể đã khác đi không còn phù hợp.
Quá trình xây dựng pháp luật cũng vậy, đòi hỏi phải có nghiên cứu khoa học, tôn trọng nguyên tắc dân chủ, lắng nghe và tiếp thu chân thành ý kiến các bên liên quan thì tính khả thi của luật mới cao.
Trân trọng cám ơn ông!
“…Công tác quy hoạch hệ thống sẽ không thể hiệu quả nếu chia cắt giữa giáo dục phổ thông, GDNN và giáo dục ĐH. Anh muốn hút nhiều người vào đào tạo nghề, nhưng trường phổ thông cứ mọc ra, rồi trường CĐ, ĐH nữa, lấy người đâu mà học nghề?”
(Ông Hoàng Ngọc Vinh,Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp- Bộ GD&ĐT)