Theo báo cáo, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn Đồng Nai có 4 gói thầu xây dựng (2 gói xây lắp, 1 gói chiếu sáng, 1 gói ITS) và 1 gói rà phá bom mìn, tổng giá trị hơn 2763 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng 2 gói thầu xây lắp và các gói thầu liên quan.
Gói thầu xây lắp 18 ký ngày 30/11/2023 (thi công đoạn Km0 + 000 - Km6 + 200 qua TP Biên Hòa) hiện triển khai được giá trị tích lũy 45/1.261 tỷ đồng (đạt 3,6%). Gói thầu xây lắp 21 ký ngày 15/8/2023 (thi công đoạn Km6 + 200 - Km16 + 000 qua huyện Long Thành) hiện đã triển được giá trị tích lũy 260/1.236 tỷ đồng (đạt 21,0%). Kế hoạch vốn năm 2024 là 439 tỷ đồng, giải ngân đến nay 113 tỷ đồng , đạt 26,0% kế hoạch vốn.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc BQLDA cho biết, theo đánh giá tình hình thực tế, hiện nay tiến độ triển khai thực hiện dự án còn chậm, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đa số mặt bằng bàn giao “da beo”, không liên tục. Nhiều vị trí khó có đường tiếp cận vị trí bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Tại Biên Hòa, không thi công được 14,53/39,5ha đã bàn giao (trong đó 11,8ha đất công giao thông sông, suối; 2,73ha đất không có đường tiếp cận hoặc vướng tài sản thu hồi). Tại huyện Long Thành không thi công được 7,77/60,77ha đã bàn giao (trong đó 5,9ha đất công giao thông sông suối; 1,87ha đất không có đường tiếp cận hoặc vướng hạ tầng chưa di dời).
Với nguồn vật liệu đắp nền dự án, theo Văn bản 3676/SXD ngày 13/8/2024 của Sở Xây dựng công bố danh sách các mỏ thương mại trên địa bàn tỉnh có khả năng cung cấp vật liệu đất đắp cho dự án, gồm: Thiện Tân 4 khoảng 4 triệu m3; Tân Cang 1 khoảng 1 triệu m3; Tân Cang 8 khoảng 0,4 triệu m3,... Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá, chất lượng đất đắp tại cụm mỏ Thiện Tân, Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) không bảo đảm chất lượng đất đắp cho dự án. Tại mỏ Tân Cang 1 và 7 thủ tục pháp lý chưa bảo đảm khai thác.
Với mỏ đề xuất mở mới theo cơ chế đặc thù, dự án hiện còn thiếu khoảng 1,7 triệu m3 đất đắp (0,3 triệu m3 đã lấy đất tại mỏ thương mại; 0,2 triệu m3 lấy tại khu vực khai thác phường Tam Phước theo cơ chế đặc thù). Hiện nay, Sở TN&MT đang đề nghị UBND tỉnh bổ sung 7 khu vực khai thác vật liệu san lấp với trữ lượng khoảng 4,7 triệu m3.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, BQLDA đã kiến nghị BQLDA bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tỉnh và UBND huyện Long Thành phối hợp UBND các phường, xã tích cực vận động, tuyên truyền để các hộ dân sớm di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Với mặt bằng tại các vị trí ưu tiên, kiến nghị bàn giao trong tháng 12/2024 để nhà thầu triển khai thi công.
Với nguồn vật liệu đắp nền dự án, BQLDA kiến nghị Sở TN&MT chủ trì tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý để các mỏ thương mại được khai thác cung cấp vật liệu đất đắp cho dự án. Với mỏ đề xuất mở mới theo cơ chế đặc thù, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận bổ sung 7 khu vực khai thác vật liệu san lấp phục vụ dự án.
Với bãi đổ thải, kiến nghị Sở TN&MT chấp thuận 5 vị trí đổ thải. Kiến nghị xây dựng kế hoạch, hỗ trợ, sớm di dời hạ tầng kỹ thuật đối với các vị trí ưu tiên.
Cũng theo báo cáo, theo nhu cầu đổ thải của dự án được phê duyệt, vật liệu tháo dỡ công trình rất ít và không đáng kể, khoảng 30.000 m3. Trong khi đó, vật liệu đất, đá tự nhiên phát sinh từ việc đào nền đường, hố móng có khối lượng rất lớn khoảng 520.000m3. BQLDA đã kiến nghị Sở TN&MT chấp thuận 5 vị đất để đổ thải khối lượng khoảng 558.500m3.