Đẩy nhanh tiến độ 'tiêu tiền' tại các dự án ODA giao thông thủy, bộ

(PLVN) - Một số dự án giao thông lớn đã được bố trí nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) đang chờ các thủ tục cần thiết như nguồn đối ứng và đấu thầu lựa chọn nhà thầu… để khởi công trong năm nay.
Dự án WB6 với tổng mức đầu tư hơn 200  triệu USD, trong đó vay WB hơn 171 triệu USD, vốn đối ứng trong nước 30 triệu USD
Dự án WB6 với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD, trong đó vay WB hơn 171 triệu USD, vốn đối ứng trong nước 30 triệu USD

Dự án phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ (WB6) năm 2020 sẽ khởi công hạng mục kênh đào nối hai tuyến sông Đáy - Ninh Cơ (tỉnh Nam Định), với tổng đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, để phát triển vận tải thủy ven biển trục Bắc - Nam.

Đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án các công trình đường thủy (Bộ GTVT) cho biết, đến thời điểm này, thiết kế kỹ thuật và dự toán của công trình đã hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong phần đất nông nghiệp, từ nay đến tháng 6/2020 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Được biết, nguồn vốn cho dự án trên đã được xác định, bao gồm 550 tỷ vốn ODA và 240 tỷ vốn đối ứng trong nước. “Tuy nhiên, việc giải ngân nửa đầu năm nay khá nhỏ vì phải cần thời gian chuẩn bị và lựa chọn nhà thầu. Nếu tới đây, các thủ tục diễn ra thuận lợi, thì khoảng tháng 7-8/2020, sẽ ký hợp đồng, khởi công dự án”, ông Dương Thanh Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường thủy thông tin.

Như vậy, từ đầu tháng 8 tới, kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ sẽ “tiêu” được vốn ODA, vốn đối ứng sẽ được giải ngân sớm hơn 2 tháng - sau khi hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu rà phá bom mìn, thi công đường điện và phương án giải phóng mặt bằng giai đoạn 2.

QL19 đoạn qua Gia Lai sẽ được nâng cấp bằng nguồn vốn WB
 QL19 đoạn qua Gia Lai sẽ được nâng cấp bằng nguồn vốn WB

Khác với dự án đường thủy WB6 vừa nêu, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (QL19) có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng cũng đã xác đinh được đã được nguồn phân bổ từ vốn ODA, nhưng phần vốn đối ứng vẫn chưa được bố trí nên việc giải phóng mặt bằng và đấu thầu lựa chọn nhà thầu chưa thể triển khai.

Công trình này được giao cho Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) thực hiện, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tăng cường kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông - Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung. Ngoài ra, tuyến này còn góp phần phát triển hệ thống đường bộ châu Á kết nối Việt Nam với các nước láng giềng.

Tin từ Bộ GTVT cho biết thêm, ngoài hai công trình sử dụng vốn vay ODA nói trên, năm nay, có gần 20 công trình hạ tầng dự án giao thông khác, với tổng đầu tư hơn 90.000 tỷ đồng cũng sẽ được khởi công. Trong đó, phần lớn là các dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và 2 dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.

Đọc thêm