Đẩy tiến độ dự án liên kết vùng tỉnh Quảng Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mục tiêu tạo động lực phát triển giao thông, kinh tế địa phương, kết nối khu vực miền Trung và Tây Nguyên, dự án liên kết vùng tỉnh Quảng Nam sau khi gặp những trắc trở từ mặt bằng đến thời tiết, hiện đang nỗ lực vượt khó, đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm phát huy hiệu quả.
Nhiều đoạn đường thuộc dự án vẫn ngổn ngang, thi công gián đoạn. (Ảnh: Anh Huy)
Nhiều đoạn đường thuộc dự án vẫn ngổn ngang, thi công gián đoạn. (Ảnh: Anh Huy)

Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam được khởi công tháng 7/2023, tổng mức đầu tư hơn 34 triệu USD, tương đương 768 tỷ đồng (trong đó vốn ODA từ Quỹ EDCF Hàn Quốc hơn 25 triệu USD), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (BQL) làm chủ đầu tư.

Tuyến đường đi qua địa bàn 5 huyện, TP gồm Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My, tổng chiều dài hơn 31km. Đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2025, tuyến đường sẽ kết nối giao thông nội tỉnh, mở rộng liên kết vùng giữa miền Trung và Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, sau gần hai năm khởi công, hiện dự án vẫn gặp một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công chắp vá, điều kiện thời tiết bất lợi… khiến công trình nhiều đoạn còn ngổn ngang, dang dở.

Theo ghi nhận của PLVN trong những ngày đầu tháng 5, trên công trường đoạn qua huyện Bắc Trà My, nhà thầu đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để thảm nhựa mặt đường. Hàng loạt máy móc được huy động, công nhân làm việc liên tục dưới nắng gắt. Tuy nhiên, không khí thi công chỉ sôi động ở những nơi đã được bàn giao mặt bằng, trong khi nhiều đoạn khác vẫn ngổn ngang, thi công gián đoạn.

Một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do tình trạng “đứt gãy” trong GPMB. Thông tin từ nhà thầu chính là Cty Thăng Long cho thấy, tính đến hết tháng 4/2025, mới khoảng 49% mặt bằng được bàn giao. Nhiều đoạn thi công vừa xong lại vướng hạ tầng kỹ thuật như lưới điện, cáp quang; còn những nơi đủ điều kiện thi công lại gặp mưa lớn kéo dài. Tình trạng này khiến kế hoạch triển khai thi công đồng loạt bị phá vỡ.

Tại huyện Tiên Phước, nơi có chiều dài dự án lên đến 21km, việc bàn giao mặt bằng diễn ra nhỏ giọt. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động, nhưng một số hộ dân vẫn chưa đồng thuận với phương án di dời. Trong khi đó, tại Phú Ninh và Bắc Trà My, công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành và thi công đang diễn ra khẩn trương. Tuy nhiên, thực tế “mỗi khúc một kiểu” này cũng gây khó khăn cho đơn vị thi công trong việc huy động nhân lực, máy móc…

Dự án còn ghi nhận một số phản ánh về tình trạng nhà cửa bị nứt, đường sá bùn lầy trong quá trình thi công, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của các hộ dân dọc tuyến đường. Đại diện Cty Thăng Long cho hay đã phối hợp cơ quan chức năng và bảo hiểm để kiểm kê hiện trạng, từ đó có phương án hỗ trợ, bồi thường phù hợp cho các hộ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Thanh Hứa (70 tuổi, ngụ xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) bày tỏ: “Nếu tỉnh sáp nhập, chẳng biết dự án có còn được tiếp tục ưu tiên không?”. Tâm lý này không chỉ của riêng ông Hứa. Trong bối cảnh dự kiến sẽ sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, nhiều người lo ngại liệu dự án có bị tạm dừng, điều chỉnh hay bị “treo”?

Phó Giám đốc BQL, ông Nguyễn Phước Sơn cho biết, cùng với các nguyên nhân trên, thời tiết mưa lớn kéo dài từ cuối 2024 đến đầu 2025 khiến nhiều đoạn tuyến không thể thi công, đặc biệt tại các khu vực có địa hình phức tạp như Bắc Trà My, Tiên Phước... Yếu tố bất khả kháng này khiến khối lượng công việc bị dồn ứ, ảnh hưởng đến kế hoạch tổng thể. Hiện tại, bước sang quý II/2025, thời tiết đã bắt đầu thuận lợi hơn, là cơ hội để các đơn vị thi công tăng tốc.

Theo ông Sơn, nhà thầu đang đẩy nhanh thảm nhựa tại huyện Bắc Trà My, đồng thời chuẩn bị triển khai thi công tiếp tại xã Tiên Phong. Dự kiến trong đợt này sẽ hoàn thành khoảng 2,5km đường được thảm nhựa và tiếp tục cấp phối ở các đoạn đã có mặt bằng. “Dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn yêu cầu nhà thầu bố trí đầy đủ máy móc, nhân lực, tranh thủ thi công ở mọi đoạn có thể với tinh thần là không để mặt bằng nằm chờ”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, dự án đã được xin gia hạn tiến độ đến tháng 12/2027 để có thêm thời gian xử lý các vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt công tác đền bù, GPMB. Về vấn đề dự án ra sao nếu sáp nhập tỉnh, ông Sơn nói: “Tôi cho rằng đường sá là vấn đề quan trọng, huyết mạch phát triển, cần tiếp tục triển khai. Chúng tôi đang đôn đốc quyết liệt, phối hợp để triển khai dự án”.

Đọc thêm