“Vấn đề cử tri đặt ra là lỗ hổng nào để xảy ra tình trạng này, do pháp luật quy định chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ hay do công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, trách nhiệm chính thuộc về ai, Chính phủ có biện pháp nào ngăn chặn tái diễn trong thời gian tới?”, ĐB đặt câu hỏi.
ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang). |
Trả lời chất vấn tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đây là vấn đề không phải chúng ta không biết, không chủ động mà Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo.
“Chúng ta đã có đầy đủ thông tin về xu thế hiện nay là nhiều nước láng giềng của chúng ta đã cấm nhập khẩu phế liệu. Trong thực tế Thủ tướng đã chỉ đạo, trong vòng gần 6 tháng qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu các cơ chế, chính sách để làm sao chúng ta phòng ngừa từ xa, bảo vệ từ xa và kiểm soát lĩnh vực này. Tôi tin tưởng rằng trong thời gian họp Quốc hội thì Thủ tướng sẽ phê duyệt nghị định”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay, đất nước chúng ta hạn hẹp tài nguyên nên có một số phế liệu chúng ta có nhu cầu cho sản xuất thì cần phải nhập.
Về vấn đề này, Luật đã quy định, và có Nghị định 38 của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng về danh mục được nhập khẩu, Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu. “Như vậy nếu nói về các hành lang pháp lý chúng ta có đầy đủ”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.
Theo Bộ trưởng Hà, ở đây nếu có một lỗ hổng thì chính là chúng ta chưa kiểm soát được trước khi hàng hóa vào lãnh thổ chúng ta và chúng ta chưa có một cơ chế để các cơ quan “gác cổng” phối hợp với các cơ quan quản lý để kiểm soát nó trước khi vào nước ta.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường, ngay cả khi đã có chỉ thị của Thủ tướng không cho nhập vào thì thực tế số container vẫn tăng lên.
“Giải quyết vấn đề này không khó. Hiện nay lưu trên 1.400 container, trong đó có đến 58% là container không có giấy tờ hợp pháp, không đủ điều kiện. Theo tôi nghĩ đó là container nhập lậu. Hiện nay đang nói chưa có chủ nhưng chắc chắn là có chủ. Vừa rồi Bộ Công an đã chọn ra một số đối tượng để truy nã về tội nhập lậu và đã xử lý”, Bộ trưởng thông tin và khẳng định với tinh thần này, việc chúng ta kiểm soát không cho vào là “trong tầm tay”.
Còn việc xử lý tồn đọng, theo Bộ trưởng Hà, những người có giấy tờ đầy đủ nếu không đáp ứng yêu cầu phải bỏ tiền ra để tái xuất theo quy định của pháp luật.
Còn 58% nhập lậu sẽ yêu cầu một là công an điều tra, hai là đã nhập lậu không có giấy tờ thì thực hiện các biện pháp để xử lý. “Tôi nghĩ rằng trong đó không chỉ phế liệu mà có cả rác nên cần áp dụng theo đây không phải là hàng hóa nữa mà nó là chất thải. Trường hợp đó chúng ta tổ chức để lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực xử lý.
“Việc xử lý này nhà nước không phải bỏ một đồng nào vì trong đó vẫn có hàng hóa, có phế liệu và các doanh nghiệp đó có quyền sử dụng, tất nhiên phải phân loại xử lý chất thải theo đúng quy định, thứ hai là được sử dụng hàng hóa đó bán đấu giá. Một phần bù đắp lại cho nhà nước, một phần để xử lý chất thải. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và xử lý theo hướng này. Tất nhiên hiện nay chưa nhận được sự đồng thuận, nhưng nếu làm vậy trong 2 tháng là hoàn toàn giải phóng được cảng”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường khẳng định.
Về lâu dài, Bộ trưởng Hà cho biết, hiện nay chúng ta đã tính toán đến việc yêu cầu các tổ chức độc lập kiểm tra trước khi các lô hàng này vào nước ta. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nghiên cứu kỹ và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể hoàn toàn giám định được.
“Tuy nhiên, có một việc nữa là chúng ta không được lấy các văn bản hành chính để thay các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, có hiện tượng trong khi các lô hàng đang chất lên rất nhiều nhưng chúng ta đang tiến hành một số biện pháp không phải theo pháp luật mà bằng văn bản hành chính nên có tình trạng trùng chéo trong giám định. Nếu ai giám định không đúng theo quy định sẽ bị xử lý, nhưng không thể 1 doanh nghiệp cùng lúc có 2 cơ quan giám định. Điều này đang làm tăng thêm việc chậm chạp trong xử lý tồn đọng này”, ông cho biết.
Về biện pháp, trong các văn bản mới, Bộ cũng tính đến giảm các danh mục phế liệu nhập khẩu, không cho các doanh nghiệp nhập về.
Tranh luận lại nội dung này, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng các thông tin mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra chủ yếu là hướng giải quyết vụ việc trong thời gian tới, không đi sát vào câu hỏi của đại biểu.
“Ở đây, theo báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 6/9 có khoảng trên 15.000 container phế thải tồn lưu ở các cảng. Trong các container này, qua phản ánh, cũng như Bộ trưởng có trao đổi, bao gồm cả những phế liệu mà không đảm bảo quy chuẩn về môi trường, có cả rác và như Bộ trưởng nói là chất thải. Thậm chí cử tri cũng rất nghi ngại, có thể nó chứa cả những chất thải nguy hại. Tất cả những việc này, tiềm ẩn một sự cố môi trường nếu như chúng ta không có quản lý và giải pháp một cách thích đáng”, ĐB Minh nói.
Vẫn theo vị ĐB, việc này có liên quan ngoài chuyện vi phạm pháp luật của doanh nghiệp như Bộ trưởng nói là có 58% số tổ chức đứng tên không có giấy phép đủ điều kiện để nhập khẩu ra thì còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải.