ĐBSCL: Bàn giải pháp để ngành hàng cá tra phát triển bền vững năm 2023

(PLVN) -  Ngành hàng cá tra ĐBSCL đã đóng góp rất lớn trong giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Theo đó, trong thời gian tới, cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và thiết thực để giữ vững “phong độ”, có những bước tiến mới cho ngành hàng chủ lực này.

Ngày 16/12, tại TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Mục tiêu năm 2023: Xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD

Theo báo cáo, qua nhiều năm hình thành và phát triển, ngành cá tra Việt Nam có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới từng bước từ cạnh tranh giá sang cạnh tranh bằng chất lượng. Năm 2022, ngành cá tra đã tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường và cơ hội về giá đã giúp giá trị xuất khẩu tăng vượt trội. Tính đến hết tháng 11/2022, sản lượng thu hoạch cá tra đã đạt 1,526 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 2,19 tỉ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ 2021. Giá trung bình xuất khẩu cá tra phi lê tăng từ 28 - 66%.

Năm 2023, ngành cá tra đặt ra mục tiêu đạt sản lượng thương phẩm 1,6 triệu tấn

Giá cá tra nguyên liệu cũng tăng từ 27.000 - 29.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2021. Năm 2023, ngành cá tra đặt ra mục tiêu đạt sản lượng thương phẩm 1,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngành cá tra ĐBSCL cần phát triển một cách đồng bộ, liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị, sử dụng hiệu quả phụ phẩm và phát triển thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu dùng nội địa.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam cho biết, người nuôi cá tra ĐBSCL rất phấn khởi do giá bán lên cao và nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40-200%. Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra lớn nhất hiện nay là Trung Quốc chiếm 30%, Hoa kỳ chiếm 23%.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao ngành hàng cá tra năm 2022 đạt mức tăng trưởng mạnh về xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao ngành hàng cá tra năm 2022 đạt mức tăng trưởng mạnh về xuất khẩu

Theo ông Tiến, năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đã nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản. Chuẩn bị bước sang năm 2023, ngành hàng cá tra đang có trong tay rất nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức.

Ông Tiến nhấn mạnh, để ngành hàng cá tra tiếp tục phát triển, các địa phương tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra thực hiện quy định về điều kiện sản xuất giống, đặc biệt quy định về luật Thủy sản về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và an toàn sinh học. Tiếp tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, tăng tỷ lệ cơ sở ương dưỡng giống được cấp GCN cơ sở đủ điều kiện và xử lý vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, cần triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất Tiếp tục hỗ trợ, bổ sung thay thế dần đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh, để phân bổ cho các cơ sở sản xuất cá ra bột tham gia chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp của tỉnh, giai đoạn năm 2021-2025.

Cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản (cá Tra) của Đồng Tháp so với cả nước chiếm khoảng gần 40%. Đồng Tháp đã chọn cá tra là 01 trong 05 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và triển khai xây dựng nhiều mô hình chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, mối liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra giữa các cơ sở nuôi với doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến trên địa bàn Tỉnh.

Giá cá tra nguyên liệu cũng tăng từ 27.000 - 29.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2021

Theo ông Tuấn, ngành hàng cá tra bên cạnh những kết quả khả quan, thì ngành vẫn còn gặp không ít khó khăn như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá thành sản xuất tăng; chi phí logistics tăng. Bên cạnh đó, các thị trường Châu Âu, Châu Á, và nhất là Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác; đồng thời, kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây, thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL

“Nhằm hướng tới nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng cá tra, phát triển ngành sản xuất cá tra thành ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 309/KH-UBND kế hoạch phát triển cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Tuấn thông tin.

Đọc thêm