ĐBSCL có gần 2.500 bản quy hoạch
Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch - Bộ KH&ĐT cho biết, hiện vùng ĐBSCL đang tồn tại đến 10 bản quy hoạch do Chính phủ phê duyệt, gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ĐBSCL; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm của vùng ĐBSCL đến năm 2020 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp vùng như: thủy lợi, chế biến cá tra, nuôi tôm, sản xuất lúa, du lịch, cấp thoát nước, hệ thống giao thông vận tải...
Ở cấp độ địa phương, đến nay vùng ĐBSCL có gần 2.500 bản quy hoạch, trong đó có 773 bản quy hoạch nông thôn mới và hơn 490 bản quy hoạch ngành, lĩnh vực do các địa phương phê duyệt. Chính vì, số lượng các bản quy hoạch quá lớn đã dẫn đến nhiều tồn tại, yếu kém như không gắn kết, thiếu đồng bộ, thậm chí có những vấn đề còn sai lệch.
“Đấy là những yếu kém của hệ thống quy hoạch hiện nay dẫn đến các chương trình, dự án triển khai ở các giai đoạn trước đối với vùng là triển khai cũng mang tính riêng lẻ” - ông Các nhấn mạnh.
Ông Các cho rằng, để có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề của vùng ĐBSCL, phải giải quyết một cách tổng thể và với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực mới thành công. Để cụ thể hóa vấn đề, Bộ KH&ĐT đã đề xuất Chính phủ xây dựng một bản quy hoạch (giai đoạn 2021-2030) cho vùng ĐBSCL với mục tiêu tạo ra khung chiến lược toàn diện cho ĐBSCL, sắp tới đây vùng ĐBSCL chỉ còn một bản quy hoạch. Quy hoạch vùng lần này sẽ tập trung xác định phương hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển cho vùng mang tính đa ngành; giải quyết quy hoạch vùng là giải quyết mang tính liên ngành, liên tỉnh, liên vùng.
Theo ông Các, kịch bản BĐKH có thể 39% diện tích vùng bị ngập và 35% dân số bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản. Tình trạng sụp lún đất do khai thác nước ngầm cũng rất đáng quan tâm. Theo phân tích ảnh từ vệ tinh, gần 90% chiều dài 600km đường bờ của ĐBSCL có hiện tượng xói lở.
Nhiều thách thức khi “quy về một mối”
Chuyên gia Đặng Hùng Võ cho biết, ngoài tư duy quy hoạch thời kỳ bao cấp vẫn kéo dài đến hiện nay, thì tính cát cứ, quyền lực của các bộ vẫn rất mạnh tạo ra thách thức trong quy hoạch tích hợp.
“Bộ nào cũng muốn nắm giữ quyết định quyền quy hoạch của mình, chính vì vậy, quy hoạch tích hợp sẽ rất khó, bởi không ai chịu “nhả” quyền lực ra cả” — nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Nói về những thách thức khi lập quy hoạch cho vùng, ông Võ cho biết thêm, Luật - khung pháp lý cần thiết khi lập quy hoạch tích hợp, nhưng điều quan trọng là phương pháp lập được quy hoạch tích hợp. Đồng thời, cơ sở dữ liệu để làm quy hoạch thì gần như chưa có. Đặc biệt, công nghệ để áp dụng cho quy hoạch phải nói đến là công nghệ hệ thống thông tin địa lý hiện của Việt Nam có lẽ còn rất là yếu. Để đánh giá tính hiệu quả của một bản quy hoạch phải có hệ thống chỉ số để đánh giá hiệu quả, tác động của bản quy hoạch đó đối với kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa… của vùng. Ngoài ra, về phương pháp luận của quy hoạch phải thống nhất.
“Khi đã tích hợp thì tất cả các yếu tố của quy hoạch tính theo các ngành lĩnh vực khác nhau cũng phải được điều chỉnh đến một lúc nào đó nó phải dẫn về một giải pháp kỹ thuật, chứ không chỉ đơn thuần là những cái điều kiện mà luật pháp quy định” - ông Võ cho biết.
Để có được bản quy hoạch tích hợp cho vùng ĐBSCL, ông Võ cho rằng, cần phải thể hiện rõ bốn tiêu chí: Tính trùng khớp giữa các loại quy hoạch, hệ thống phân vùng phải thống nhất, có quy hoạch khái quát và tiếp theo là quy hoạch chi tiết hơn; và quy hoạch định hướng phát triển cho từng vùng trong hệ thống phân vùng phải thống nhất giữa các loại quy hoạch khác nhau tránh để xảy ra xung đột.
Ngoài ra, tại hội thảo các chuyên gia cũng tập trung thảo luận nhằm giải quyết những vấn đề thách thức của khu vực ĐBSCL trong quản lý nguồn nước, định hướng phát triển nông nghiệp, việc phát triển hạ tầng giao thông vùng trong bối cảnh BĐKH...