Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Mục tiêu bán tín chỉ carbon 2.500 tỷ đồng/năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải carbon thấp, đồng thời kỳ vọng ngành lúa gạo Việt Nam sẽ mang về 2.500 tỷ đồng mỗi năm từ việc bán tín chỉ carbon.
Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của Công ty CP Phân bón Bình Điền được thực hiện tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của Công ty CP Phân bón Bình Điền được thực hiện tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Kỳ vọng lớn của ngành Nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo COP26 về triển khai thực hiện hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030.

Đề án hướng tới khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo của người dân vùng ĐBSCL, xác định yêu cầu tiên quyết “chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo” thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân; ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp. Trên cơ sở thí điểm thành công, mô hình này tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam bền vững.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, mỗi năm hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 và khí metan (CH4), chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL trồng 180.000ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Đến năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000ha lúa phát thải carbon thấp. Mục tiêu bán tín chỉ carbon của ngành lúa gạo đạt 2.500 tỷ đồng/năm… Theo ước tính, đề án sẽ giúp giá trị của ngành lúa gạo Việt Nam tăng thêm khoảng 21.000 tỷ đồng/năm (tương đương khoảng 840 triệu USD/năm) so với trước đây.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm ở 5 tỉnh ĐBSCL (Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp), thời gian triển khai thực hiện trong 3 vụ liên tiếp (hè thu 2024 - thu đông 2024 - đông xuân 2024 - 2025 hoặc thu đông 2024 - đông xuân 2024 - 2025 - hè thu 2025).

Qua đánh giá sơ bộ của Bộ NN&PTNT, các mô hình đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu: Tổng chi phí đầu vào cho sản xuất giảm từ 10 - 15% khi giảm được lượng giống, phân bón và nước tưới. Đáng chú ý, năng suất lúa thí điểm đạt 6,13 - 6,51 tấn/ha so với mức 5,89 tấn/ha của mô hình đối chứng, lợi nhuận đạt 21 - 25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha…

Bên cạnh đó, việc thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã giúp giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng và giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng ngập liên tục áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch.

Nhiều thách thức trong thực hiện

Theo Bộ NN&PTNT, để hướng đến tăng trưởng xanh, được chi trả tín chỉ carbon nhờ phát thải thấp, vùng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao của ĐBSCL sẽ phải thực hiện giảm lượng lúa giống còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học 30%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 40%, giảm lượng nước tưới trên 30%...

Đồng thời, tỉ lệ diện tích ứng dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương được công nhận đạt 100%; tỉ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%; giảm phát thải khí nhà kính trên 20%; rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 100% diện tích thu hoạch. Các tiêu chí trên là một thách thức lớn, đòi hỏi phải cách làm phải đúng, phải trúng.

Bộ NN&PTNT cũng nhận định rằng, việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính trong tình hình hiện nay là vấn đề khó, đòi hỏi có sự tham gia của các ngành, các cấp và các thành phần kinh tế. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quản lý, định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistic, phát triển thương hiệu theo hướng “lúa sinh thái”, “lúa phát thải thấp”.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn nên việc triển khai có nhiều khó khăn, các hoạt động, nội dung đều mới và chưa có tiền lệ. Hơn nữa, ngành lúa gạo vùng ĐBSCL hiện nay chưa thoát khỏi “điểm nghẽn”: đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất tự phát.

Như vậy, đề án cần hướng tới mục tiêu tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ chức nông dân, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng có sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ, đồng hành nâng cao năng lực cộng đồng.

Đọc thêm