Nhằm thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, sáng qua (5/3), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TP giai đoạn 2018 – 2022 (Đề án).
Đừng “bắt bẻ” nhiều thủ tục
Tại hội nghị, hầu hết các chuyên gia cho rằng dự thảo Đề án còn nặng tính hành chính, chưa có sự tách biệt rạch ròi giữa hai nhóm đối tượng là các chuyên gia, nhà khoa học và nhóm người tài làm công chức viên chức cho các sở, ngành, đơn vị; vì vậy cần phải chỉnh sửa Đề án ở nhiều nội dung, từ cách đặt vấn đề đến các nội dung triển khai.
“Một chuyên gia nước ngoài, một nhà khoa học đọc Đề án này xong sẽ ngại vì phải thế này, phải thế kia mới đăng ký được. Trong khi mình bảo thu hút nhân tài thì mình cần người ta chứ không phải người ta cần mình. Muốn thu hút nhân tài trước hết phải biết người ta cần gì, làm việc cho ta thì họ được lợi cái gì và thu hút nghĩa là có sự thương lượng giữa cái ta cần và cái người ta có”- GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nói. Ông Giao cũng cảnh báo về tình trạng hiện nay vẫn thường xảy ra là “trên trải thảm” nhưng dưới có “đinh”; và những cái “đinh” đáng sợ chính là thủ tục hành chính.
Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây cơ chế này bị ràng buộc bởi nhiều quy định, khi một nhà khoa học lên báo cáo đề tài thì bắt ký rất nhiều vấn đề. Do đó, khi triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội phải tinh gọn những thủ tục đó, có như thế mới thu hút được người tài về làm việc cho TP. Theo ông Ngân, tài chính cũng cần nhưng người làm khoa học cần nhất là môi trường làm việc. Bởi vậy, bên cạnh chế độ đãi ngộ xứng đáng, TP cần tạo một cơ chế và môi trường làm việc thuận lợi để các nhà khoa học được tự do sáng tạo, tự do cống hiến.
“Đặc biệt để bớt sự rườm rà, cần trao quyền chủ động, tạo điều kiện cho các cơ sở có tính quyết định nhiều hơn trong việc tuyển dụng, chi trả thu nhập cho các nhà khoa học”- ông Trần Hoàng Ngân đề xuất. Còn GS.TS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa thẳng thắn: “Nếu là tôi thì tôi cũng không làm đơn xin thi hai vòng ứng tuyển”.
Để thu hút nhiều hơn nữa nguồn trí thức trong và ngoài nước, theo các đại biểu, chính sách nhập cư của TP cần ưu tiên thu hút lao động có trình độ và kỹ năng cao; tránh tình trạng thu hút nhân tài nơi khác đến nhưng nhân tài tại chỗ lại ra đi; đồng thời không phân biệt giữa các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học nước ngoài.
“Hai nhà khoa học cùng làm trong một cơ quan, một công việc nhưng lương khác nhau thì không ổn thỏa. Phải đối xử như nhau, người làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Chỉ nên khác là hỗ trợ cho nhà khoa học nước ngoài về ăn ở, đi lại” - GS.TS Nguyễn Ngọc Giao góp ý.
Phát hiện nhân tài thế nào?
Cho rằng các chuyên gia giỏi rất khiêm tốn, không ai tự nhận mình là chuyên gia giỏi để nhận chế độ đãi ngộ, bởi vậy ông Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh băn khoăn vấn đề phát hiện những người giỏi thế nào, thuộc trách nhiệm của ai vì dự thảo Đề án không đặt ra. Cùng với đó, việc “nuôi dưỡng” người tài là một quá trình, nếu TP chỉ đợi đến khi thành tiến sĩ, giáo sư mới nghĩ đến chuyện mời gọi thì sẽ không hiệu quả, vì vậy theo PGS.TS Đặng Văn Phan, Trường Đại học Cửu Long- TP phải ươm mầm, nuôi dưỡng tài năng từ khi mới xuất hiện, để chuẩn bị cho sự phát triển bền vững của TP. Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu đề xuất TP Hồ Chí Minh phải thu hút người tài ngay từ khi chưa có dự án, phải thảo luận trước với những nhà khoa học tiềm năng.
Cũng theo dự thảo, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được ký hợp đồng lao động có thời hạn. Thời hạn này căn cứ theo thời hạn thực hiện của công trình, đề án, dự án, kế hoạch được giao, tối đa không quá 18 tháng. Không ít đại biểu lo lắng với thời gian này, TP sẽ không tạo sự an tâm cho nhân tài, bởi các chuyên gia, nhà khoa học đang có công việc ổn định thì họ không thể về làm việc cho TP 18 tháng rồi sau đó không biết làm gì nữa. GS. Chu Phạm Ngọc Sơn phân tích, với thời gian như vậy, chỉ có người nghỉ hưu mới về công tác cho TP, còn những người trẻ ở nước ngoài, người đang làm việc ở trong nước rất khó mà tự dưng bỏ việc về làm 18 tháng rồi không biết tương lai sẽ ra sao.
Là đề án tìm kiếm nhân tài, nhưng các ý kiến cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh sau khi tuyển chọn được người, cần công khai luôn hồ sơ người được chọn để những người không được chọn cũng tâm phục khẩu phục, tránh râm ran người được tuyển vì cái này, cái kia.
Tiếp thu các ý kiến, ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định đề án này chủ yếu thu hút nhân tài, chứ không phải để tuyển chọn công chức cho các sở, ngành.