Đề án Văn hóa công vụ: Nghiên cứu kỹ để khi ban hành có thể áp dụng ngay

(PLVN) - Mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Văn hóa công vụ (Đề án).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại hội thảo

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai thực hiện kịp thời, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án Văn hóa công vụ ban hành kèm theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018. Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm việc triển khai thực hiện Đề án được thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Tránh hình thức, phải đi vào thực chất

Khẳng định văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, Thứ trưởng Thừa cho rằng Đề án này là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời giúp cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được thông suốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng; trụ sở, cảnh quan môi trường làm việc văn minh, hiện đại. 

Góp ý vào Đề án, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng vấn đề định lượng, định tính văn hóa là rất khó, vì còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, thời điểm cụ thể. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ để khi ban hành áp dụng ngay được vào thực tế. Bên cạnh đó, cũng nghiên cứu xem có cần thiết phải ban hành Chỉ thị của Thủ tướng để quy định cụ thể mang tính bắt buộc đối với công chức, viên chức; chế tài xử lý đối với những cán bộ, công chức có vi phạm văn hóa công vụ?

Nhất trí với Kế hoạch triển khai Đề án, đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị nên bổ sung thời gian hoàn thành vào dự thảo Kế hoạch. Cùng với đó, cân nhắc bổ sung các quy định về biểu dương, khen thưởng cán bộ, công chức có thành tích xuất sắc trong thực hiện văn hóa công vụ, phù hợp với Quyết định của Thủ tướng.

Trong khi đó, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng phải có hướng dẫn cụ thể thì mới có thể triển khai Đề án một cách hiệu quả. Theo đó, cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá để có căn cứ, thước đo cho việc thực hiện văn hóa công vụ; tránh hình thức và phải đi vào thực chất, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tác phong, phong cách phục vụ của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời cũng nên có chế tài để xử phạt, đánh giá, luân chuyển, điều động những cán bộ, công chức có hành vi vi phạm văn hóa công vụ.

Coi đây là điểm nóng của dư luận xã hội

Phân vân về thể thức văn bản hướng dẫn, PGS.TS Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia kiến nghị cần nghiên cứu xây dựng hướng dẫn về thực hiện văn hóa công vụ là như thế nào? Có thể dưới dạng Thông tư, văn bản hướng dẫn, sổ tay hướng dẫn chung hay để cho các bộ, ngành, địa phương tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mình mà quy định cụ thể.

Đối với vấn đề biên soạn tài liệu bồi dưỡng, theo ông Cường, phải đáp ứng được các yêu cầu hiện nay và bao hàm được 5 nội dung: Các nguyên tắc ứng xử trong giải quyết công việc; quy tắc về xử lý công việc; các hành vi mà cán bộ, công chức phải tuân thủ; các giải thưởng, khen thưởng và xử lý các vi phạm.

Cho rằng văn hóa công vụ phải xây dựng trên tinh thần tự giác, đại diện Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa học phần “Văn hóa công vụ” vào chương trình đào tạo đại học, hoặc trước mắt đưa vào chương trình đào tạo chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho cán bộ, công chức. Nên đưa các chuyên mục tuyên truyền về văn hóa công vụ vào các cơ quan báo, đài truyền hình, phát thanh để mở rộng các hình thức thông tin, tuyên truyền.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất ban hành kế hoạch thật chi tiết, cụ thể, dễ làm, dễ thực hiện, không tốn kém để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong tổ chức thực hiện, cần chỉ rõ đơn vị nào là chủ trì, đơn vị nào là phối hợp, thời gian hoàn thành và kinh phí lấy ở đâu để triển khai thực hiện?

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội thảo, tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng việc đề xuất các phương pháp, cách làm để đạt hiệu quả… thì chưa được đề cập nhiều. Để Đề án nhanh chóng đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Thừa đề nghị phải triển khai ngay và rất cần sự vào cuộc của các cơ quan thông tin, báo chí, coi đây là điểm nóng của dư luận xã hội. 

Đọc thêm